Vận tải

Bùng phát xe hợp đồng trá hình, thuế thất thu

17/05/2018, 06:00

Tình trạng xe khách bỏ bến, chạy hợp đồng tăng nhanh, nảy sinh nhiều hệ lụy, trong đó có nguy cơ thất thu thuế...

1

Xe Limousine chạy tuyến Hà Nội - Thái Nguyên bắt khách tại cổng Bảo tàng Dân tộc học trên đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, Hà Nội - Ảnh: Hữu Tuấn

Trong Dự thảo sửa đổi Nghị định 86, Bộ GTVT đang bàn thảo nhiều giải pháp để quản lý xe hợp đồng trá hình lách luật cạnh tranh không sòng phẳng với xe khách tuyến cố định.

Bỏ bến chạy hợp đồng

Liên tiếp thời gian qua, PV Báo Giao thông theo chân lực lượng chức năng Đà Nẵng tổ chức kiểm tra, xử lý hàng trăm trường hợp xe hợp đồng trá hình, chạy bắt khách lẻ trên tuyến Đà Nẵng - Huế. Thống kê, mỗi ngày có khoảng 70-80 xe hoạt động ngang nhiên lập hợp đồng khống, tổ chức bắt khách lẻ không khác gì tuyến cố định.

Ông Lê Viết Hoàng, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải và Quản lý bến xe (BX) Đà Nẵng cho hay, mỗi ngày bến có khoảng 350 lượt xe ra vào bến. So với cùng kỳ giảm đến 50%. Nhiều nhà xe tuyến cố định kinh doanh ế ẩm buộc phải nghỉ chạy, mua xe khác, thậm chí chuyển sang chạy hợp đồng. Ông Hoàng nhận định, việc gia tăng xe hợp đồng trá hình quá nhanh dẫn đến nhiều hệ lụy bởi khi không bị ràng buộc như xe tuyến cố định nên thoải mái đón trả khách, thỏa thuận giá. Việc khai báo doanh thu và nộp thuế cũng đơn giản. Do không bị kiểm soát kỹ nên dễ dẫn đến việc Nhà nước thất thu thuế.

Phát biểu tại cuộc họp gần đây về nội dung Dự thảo thay thế Nghị định 86/2014, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu sửa đổi dự thảo Nghị định với tinh thần tăng cường quản lý các DN kinh doanh vận tải, đảm bảo hoạt động theo đúng quy định pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm đối với Nhà nước.

Đối với loại hình xe hợp đồng, cần bổ sung các điều khoản để không cản trở các DN, hộ gia đình tham gia kinh doanh vận tải nhưng đảm bảo các điều kiện để việc kinh doanh được thực hiện theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo an toàn cho người dân.

Tại TP.HCM, lượng xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định những năm gần đây cũng tăng rất mạnh. Theo ông Nguyễn Hoàng Huy, Phó giám đốc BX Miền Đông, trung bình mỗi ngày có khoảng 10.000 lượt khách sử dụng xe hợp đồng đi các địa phương. Nhiều nhất là các tuyến TP.HCM - Đà Lạt, Vũng Tàu, Nha Trang, Cần Thơ, các tỉnh Tây Nguyên.

Ông Huy lấy ví dụ, tại BX Miền Đông trước đây có 5 DN xe khách hoạt động tuyến TP.HCM - Quảng Ngãi, nhưng đến nay họ đều bỏ bến ra ngoài hoạt động dưới hình thức xe hợp đồng. “Thống kê của Sở GTVT TP.HCM, hiện có khoảng 85 điểm kinh doanh vận tải có hoạt động đón trả khách ở các quận khu vực trung tâm. Thậm chí, có đơn vị còn tổ chức đón trả khách trên đường, nơi có biển báo cấm dừng đỗ. Phần lớn các điểm đón trả khách này đều là các DN hoạt động vận tải theo hình thức hợp đồng nhưng trá hình chở khách tuyến cố định”, ông Huy nói.

Tại Cần Thơ, ông Trần Minh Tạo, người điều hành của Công ty TNHH MTV Khách sạn du lịch vận tải Vũ Linh cho biết, công ty có 21 xe chạy tuyến cố định và 3 xe hợp đồng. “Chúng tôi đang dự tính sẽ tăng cường phương tiện chạy hợp đồng bởi chi phí thấp, lợi nhuận sẽ cao hơn. Xe chạy tuyến cố định phải tốn chi phí cho bến bãi, tài xế, nhân viên, quản lý, điều hành, vé, trong khi xe chạy hợp đồng chỉ cần tài xế, phụ xe và người phụ trách kinh doanh”, ông Tạo cho hay.

2

Xe Phú Vĩnh Long thường xuyên tổ chức đón trả khách tại trụ sở ở số 516 đường 3/2, phường 14, quận 10 để đưa khách từ TP HCM về Vĩnh Long mà không vào bến - Ảnh: Phan

Phân nhóm để quản lý

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, hiện cả nước có gần 11.000 đơn vị vận tải được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô theo hợp đồng và vận chuyển khách du lịch với số lượng phương tiện khoảng trên 55.000 xe.

Do điều kiện kinh doanh tương đối đơn giản, chi phí hoạt động thấp, nên thời gian qua, loại hình vận tải này nở rộ, tỉnh, thành nào cũng có. Nổi bật nhất phải kể đến loại xe Limousine 9 chỗ ngồi. “Dù có giá vé cao gấp 2-3 lần xe khách thông thường nhưng vì dịch vụ và chất lượng vượt trội, xe đội lốt hợp đồng đã trở thành lựa chọn hàng đầu của không ít khách hàng”, bà Hiền nói.

Theo bà Hiền, thực tế loại hình xe Limousine đang được nhiều người dân lựa chọn. Do đó, chúng ta không nên cấm mà cần đưa vào quản lý. Vì vậy, dự thảo Nghị định 86 phân thành nhóm 3 đối tượng xe hợp đồng theo các điều kiện kinh doanh cụ thể dựa trên bản chất hoạt động của từng loại hình: Nhóm thứ nhất, xe kết nối phần mềm dưới 8 chỗ sẽ quản lý như điều kiện taxi.

Nhóm thứ hai, loại xe Limousine chạy như xe tuyến cố định điều kiện kinh doanh sẽ quản lý tương tự như điều kiện kinh doanh xe tuyến cố định. Nhóm thứ 3, xe hợp đồng của hộ cá thể phục vụ người có nhu cầu thực sự thuê xe theo nhu cầu vẫn thực hiện theo điều kiện kinh doanh xe hợp đồng.

Liên quan đến việc thu thuế của loại hình xe hợp đồng, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, trong Nghị định 86 cần quy định rõ là Chính phủ giao nhiệm vụ cho các Bộ thực hiện nghiêm. Bộ GTVT chỉ chịu trách nhiệm về điều kiện kinh doanh, vấn đề thu thuế phải là Bộ Tài chính mà cụ thể là các cơ quan thuế.

“Với cách thu theo kiểu thuế khoán đối với loại hình xe Limousine như hiện nay của cơ quan thuế sẽ khó đảm bảo thu đúng thu đủ. Tần suất chạy xe của loại hình này rất lớn do không phụ thuộc vào lốt, tài của bến xe, với quãng đường dưới 200km, xe chạy vài ba chuyến một ngày là chuyện bình thường”, ông Thanh nói.

Cũng theo ông Thanh, để thu được thuế theo hiệu quả sản xuất kinh doanh của loại hình này cũng không khó. Dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình mỗi xe của ngành giao thông được kết nối liên thông với dữ liệu của ngành Thuế sẽ biết rõ doanh thu của từng xe, từng DN.

Theo lãnh đạo Vụ Vận tải (Bộ GTVT), thời gian qua, vấn đề xe hợp đồng, nhất là loại hình như xe Limousine đang là vấn đề nóng làm nảy sinh tình trạng xe dù, bến cóc. Nguyên nhân là do sự vào cuộc xử lý vi phạm chưa đồng bộ, chưa quyết liệt. Các nhà xe kinh doanh hợp đồng hoạt động như tuyến cố định, đón trả khách thường xuyên tại các địa điểm trong nội thành nhưng chưa được cơ quan chức năng phát hiện hoặc phát hiện nhưng xử lý chưa triệt để.

“Một bộ phận các đơn vị kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng đã áp dụng khoa học công nghệ nhưng phục vụ cho mục đích kinh doanh không đúng quy định như: Quảng cáo giờ và địa điểm đón khách của xe hợp đồng, xác nhận đặt chỗ, bán chỗ đối với xe hợp đồng trên mạng và trang website của đơn vị như các tuyến cố định, gây khó khăn cho lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm”, đại diện Vụ Vận tải cho biết.

Ông Nguyễn Hoàng Huy cho rằng, cần xác định lại khái niệm xe hợp đồng, từ đó đưa ra những giải pháp xử lý triệt để. Chẳng hạn quy định rõ xe hợp đồng không được đón khách tại một địa điểm cố định trong nhiều ngày, không được vận chuyển hành khách thường xuyên trên một lộ trình nhất định, bởi bản chất đây là xe chạy tuyến cố định. Xe hợp đồng không được đón khách tại trụ sở chính, văn phòng đại diện, kể cả nơi đỗ xe. Điều quan trọng là khi đã có quy định, lực lượng chức năng phải xử lý thật nghiêm sẽ triệt tận gốc nạn xe trá hình này.

Đề cập vấn đề này, ông Nguyễn Tuyển, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho rằng, Sở GTVT Hà Nội đang đề nghị Bộ GTVT xây dựng phần mềm để đơn vị kinh doanh cập nhật thông tin, từ đó các cơ quan quản lý mới kiểm soát được, Thanh tra, CSGT cũng nắm được và họ sẽ kiểm tra đối chiếu trên đường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.