Vận tải

Bùng phát xe khách 7 chỗ trá hình tuyến Đà Nẵng - Huế

10/01/2018, 07:25

Hàng loạt xe 7 chỗ, đến các xe “thương hiệu trá hình” Limousine, xe núp bóng hợp đồng, du lịch công nhiên hoạt động...

3

CSGT Đà Nẵng kiểm tra xe 7 chỗ BKS 75K-5504 phù hiệu hợp đồng nhưng tài xế không có chứng chỉ nghiệp vụ, ngang nhiên đón khách lẻ trên tuyến Huế-Đà Nẵng, lập hợp đồng khống, sai thông tin (ảnh chụp sáng 6/1) - Ảnh: Xuân Huy

Vô tư đặt vé, hoạt động chui

Trong vai hành khách, chỉ cần click vào facebook “Xe đi ké miền Trung”, PV nhận hàng loạt thông tin, lịch trình dày đặc để đón xe trên tuyến. Chiều 5/1, liên hệ “tổng đài” 0905.560..., PV được xác nhận đặt vé từ Đà Nẵng ra Huế. Đúng hẹn, chiếc xe 7 chỗ BKS 75A-080.08 đến đón trên đường Tôn Đức Thắng. Lúc này, 5 ghế trên xe đã có khách ngồi sẵn.

Thấy chúng tôi hỏi giá vé, tài xế trên xe tỏ ý dè chừng. Phải đến khi “người thân” khẳng định trả tiền giúp, lái xe mới nhận trước số tiền 200.000 đồng cho hai người. Theo tài xế, xe quy định nhận tiền khi chở khách đến nơi, giá vé ấn định 100.000 đồng/người, ai đi xa sẽ phụ thu thêm.

Hành khách đi “Xe ké” bị dọa giết, khủng bố tinh thần

Phản ánh đến Báo Giao thông, nhiều hành khách trên xe 7 chỗ chạy chui tuyến Đà Nẵng - Huế cho biết liên tục nhận tin nhắn, hình ảnh khủng bố, dọa giết. Theo chị Lê Gia M. (22 tuổi, trú TP Huế, T.T-Huế), những ngày qua chị bị nhiều số điện thoại xưng tên chủ xe 7 chỗ hăm dọa, khủng bố. Số điện thoại cùng hình ảnh chị M. bị đối tượng bêu tên, xúc phạm trên facebook “Xe đi ké miền Trung”.

Tương tự, ông Hồ Văn T. (trú TP Huế), một trong số hành khách trên xe 7 chỗ chạy chui bị liên ngành Đà Nẵng xử lý những ngày qua, cũng bất ngờ nhận được nhiều tin nhắn, điện thoại đe dọa từ số điện thoại 01213800999 với giọng điệu côn đồ, thách thức. Cùng hoàn cảnh, ông Trịnh Văn H. và Trần Văn Q. cũng cho hay, mấy ngày nay, bạn bè và người thân điện thoại phản ánh việc bị một số đối tượng lạ đưa hình ảnh cá nhân của mình đăng trong satus trên trang facebook “Xe đi ké miền Trung” với hình ảnh lư hương, bàn thờ...

“Nếu gặp CSGT, xin mọi người nói là đi ăn cưới về, xe quen không lấy tiền”, anh tài xế dặn. Không hề có phù hiệu xe hợp đồng/du lịch, chiếc xe 7 chỗ BKS 75A-080.08 vô tư chở đầy khách. Cứ thế, mỗi ngày xe quay đầu ít nhất 2 chuyến (4 lượt), hầu như xe nào cũng đầy khách.

Tương tự, 5h30 sáng 8/1, PV gọi điện qua nhà xe 7 chỗ BKS 75K-5504 và được đón ở TP Huế trên hành trình vào Đà Nẵng. Giá vé được thỏa thuận 100.000 đồng/lượt và chỉ thu tiền khi đến nơi. Trên xe tài xế liên tục đánh lái đến các địa chỉ khác để đón đủ 7 khách trước khi bắt đầu hành trình vào Đà Nẵng. Vẫn với “chiêu bài” đã được soạn sẵn, tài xế dặn mọi người “khai” với cơ quan chức năng là vào Đà Nẵng đi ăn cưới, giỗ chạp.

Để hợp thức hóa “xe hợp đồng”, tài xế lấy bản hợp đồng ký sẵn của HTX Vận tải ô tô Trường An ký với hành khách Nguyễn Thế Bảo cùng bản danh sách 5 hành khách, ghi tên tuổi qua loa. PV lấy hai tên giả để ghi, nhưng tài xế chẳng buồn kiểm tra, đối chiếu danh sách hành khách.

Suốt hành trình, tài xế xe BKS 75K-5504 vô tư đón thêm 2 khách khác. Gần 2 tiếng đồng hồ, xe lưu thông qua hầm Hải Vân, lăn bánh vào địa phận Đà Nẵng. Trên đường đi xe bị Tổ liên ngành (TTGT, CSGT Đà Nẵng) kiểm tra, phát hiện hàng loạt lỗi vi phạm: Tài xế không có chứng chỉ tập huấn nghiệp vụ, sai quy định về hợp đồng vận chuyển hành khách, bắt khách lẻ... Tuy nhiên, tài xế liên tục đối phó, bất hợp tác, khiến lịch trình hành khách bị gián đoạn.

Không riêng dòng xe 7 chỗ, hơn 8h sáng 8/1, PV đặt vé qua tổng đài nhà xe The Sinh Cafe và được xe giường nằm BKS 51B-143.29 đón tại 37 Nguyễn Thái Học (TP Huế) bắt đầu hành trình vào Đà Nẵng, với giá 99.000 đồng/người. Lúc này các giường trên xe hầu hết kín chỗ, đủ cả khách ngoại quốc, Việt Nam. Tài xế không cần hỏi tên tuổi, ghi tên hành khách vào hợp đồng.

“Trước nay xe chạy bon bon, chẳng ai kiểm tra hợp đồng làm gì”, nhân viên trên xe nói. Hơn tiếng đồng hồ, xe BKS 51B-143.29 lưu thông đến khu vực Lăng Cô (Phú Lộc, T.T - Huế), bất ngờ yêu cầu hành khách sang xe BKS 51B-252.74 (cùng The Sinh Cafe) và tiếp tục hành trình vào Đà Nẵng.

Cùng thời điểm, PV dễ dàng đặt vé và được ô tô khách 39 chỗ BKS 51B- 197.78 logo Hạnh Cafe đến đón tại Huế trên hành trình Huế - Đà Nẵng - Hội An. Nhà xe thản nhiên xuất “phiếu du lịch” cho 3 khách lẻ với giá 80.000 đồng/khách để thu tiền cho hành trình Huế - Đà Nẵng... Chất lượng trên xe đảm bảo, đáp ứng nhu cầu hành khách nếu không vi phạm quy định về hoạt động vận tải xe hợp đồng.

Tổng lực quét xe trá hình cận Tết

Điều tra của PV, hoạt động xe “đi ké” nở rộ những tháng gần đây qua “tổng đài” đặt chỗ trên facebook “Xe đi ké miền Trung”. Trang này cập nhật liên tục các bài viết về đặt vé, đặt xe trên tuyến Đà Nẵng để “kết nối cung - cầu”. Thậm chí, admin facebook này có nick Thanh Phan còn đăng status hướng dẫn các nhà xe, tài xế “chiêu thức” đối phó với lực lượng chức năng, khi bị TTKS.

Theo đó, tài xế không được ra giá, đề cập giá vé, tiền nong, thay vào đó là tiền bồi dưỡng, cà phê, phí qua trạm hay xăng xe... Chỉ một thời gian ngắn, facebook “Xe đi ké miền Trung” thu hút hàng vạn thành viên tham gia. Nhiều người đầu tư các loại xe 7-16 chỗ để đăng ký vào nhóm, hoạt động đón trả khách như tuyến cố định, khiến số lượng xe bùng phát trên tuyến lên khoảng 70 đầu xe 7 chỗ. Với giá ít nhất 100.000 đồng/khách, mỗi chuyến xe đạt 600-700.000 đồng nhưng nhà xe không hề đóng bất kỳ khoản thuế, phí theo quy định với hoạt động kinh doanh vận tải... “lãi ròng” 1,5-1,8 triệu đồng/ngày/xe, khác hẳn bản chất xe đi ké, quay đầu...

Trao đổi với Báo Giao thông, Chánh TTGT Đà Nẵng Nguyễn Trung Nghĩa cho hay, đơn vị tiếp nhận thông tin và tổ chức các tổ TTKS liên ngành, đồng loạt ra quân truy quét các loại xe trá hình, chạy chui ngày một nở rộ hiện nay. Thời gian qua, tổ liên ngành đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp kiểm tra, xử lý, cơ bản lập lại trật tự các loại xe phù hiệu hợp đồng, du lịch... Tuy nhiên, hoạt động xe trá hình còn biến tướng, phức tạp, xuất hiện thêm loại xe 7 chỗ chạy chui, chở hành khách nhưng không đăng ký kinh doanh, không có phù hiệu, trốn thuế...

Ông Nguyễn Trần Hoàng, Phó chánh TTGT Đà Nẵng cho biết thêm, liên ngành tiếp tục triển khai biện pháp nghiệp vụ đón lõng, giăng lưới để xử lý xe trá hình, chạy chui ngay dịp cao điểm Tết Âm lịch 2018. Thống kê trong năm 2017, lực lượng liên ngành Đà Nẵng đã xử phạt 437 xe chở khách vi phạm, tăng 260% so với năm 2016. Tính riêng chưa đầy tuần lễ qua, các đơn vị chức năng xử lý hơn chục trường hợp xe ô tô chở khách chạy chui, vi phạm quy định hợp đồng, đón khách lẻ.

Theo Trung tá Nguyễn Ngọc Rạng, Trạm trưởng Trạm CSGT cửa ô Hòa Hiệp (Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng), loại xe này tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, mất công bằng vận tải do không được cấp phép, quản lý, đảm bảo điều kiện kinh doanh vận tải.

Đại úy Phan Bảo Trung, Trạm trưởng Trạm CSGT Phú Lộc (Phòng CSGT, Công an T.T-Huế) cũng cho biết, đơn vị tăng cường TTKS, xử nghiêm các hành vi vi phạm trật tự vận tải hành khách. Đến nay, có khoảng gần chục trường hợp xe vi phạm bị kiểm tra, xử lý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.