Thế giới

Buộc Google, Facebook trả tiền cho các báo có khả thi?

20/06/2019, 10:00

Luật Copyright Directive thông qua cuối tháng 3/2019 có điều khoản yêu cầu Google, YouTube ngăn người dùng đăng lại các nội dung có bản quyền.

img
Để đánh thuế doanh thu của các công ty công nghệ đa quốc gia như Google, Facebook
và cả người dùng có thu nhập cao đòi hỏi mỗi quốc gia cần chỉnh sửa, bổ sung, thậm chí
ban hành các luật thuế mới nhằm tạo dựng nền tảng pháp lý

Cuối tháng 3/2019, hàng loạt trang báo quốc tế đã đăng tải thông tin về sự kiện Nghị viện châu Âu (EP) thông qua dự thảo Luật Bản quyền (Copyright Directive), một nội dung được thiết kế để cập nhật Luật Bản quyền tại châu Âu trong bối cảnh các phương tiện, nền tảng phân phối nội dung trên môi trường internet đang bùng nổ.

Châu Âu thông qua luật buộc Google trả tiền dẫn link

Luật Copyright Directive lần đầu được Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra bàn thảo vào năm 2016. Tuy nhiên, đến tháng 7/2018, nó đã bị EP bác bỏ và chỉ mới được thông qua vào cuối tháng 3 vừa qua.

Đáng chú ý, không phải nội dung cập nhật nào của dự thảo Copyright Directive cũng được thông qua, đơn cử như một đề xuất nhằm loại bỏ về điều khoản gây tranh cãi nhất, được các nhà lập pháp châu Âu đặt tên là Điều 13 hay “bộ lọc đăng tải” đã không được thông qua. Điều khoản này yêu cầu các mảng hoạt động của Google như YouTube phải ngăn người dùng đăng tải lại các nội dung có bản quyền.

Trong khi đó, Điều 11 hay còn gọi là “thuế dẫn link” đã được giữ nguyên. Điều 11 này cho phép các nhà xuất bản, cơ quan báo chí có căn cứ để tính phí với các nền tảng như Google News khi nền tảng của Google dẫn và hiển thị lại các đường link tin tức của họ.

Sau khi được EP thông qua, dự thảo Copyright Directive sẽ được chuyển cho các quốc gia thành viên EU và họ có 24 tháng để ban hành thành luật ở từng quốc gia.

Google, Facebook sẽ không để mình thành mục tiêu

Một số trang báo mạng cho rằng, các hãng công nghệ lớn như Google và Facebook có thể phải mất hàng tỷ USD khi luật Copyright Directive bắt đầu có hiệu lực.

Tuy nhiên, việc “mất hàng tỷ USD” ở đây chắc chắn không phải khoản tiền chi cho những người đòi bản quyền như dự luật hướng tới. Các nền tảng của YouTube (sản phẩm của Google) và Facebook đang hoạt động ở châu Âu đều đã triển khai tính năng kiếm tiền cho các nhà sáng tạo nội dung.

Tuy ra đời và triển khai tính năng kiếm tiền chậm hơn YouTube, Facebook cũng đang dần dần quan tâm nhiều và rất nghiêm túc đến vấn đề bản quyền về nội dung, hình ảnh, video được đăng tải trên các trang Fanpage do người dùng châu Âu lập ra.

Facebook từ lâu cũng đã bổ sung hai tính năng là xác lập bản quyền và báo cáo vi phạm bản quyền để người dùng Facebook, nhà sáng tạo nội dung và các cơ quan truyền thông chủ động đăng ký bản quyền, phát hiện những vi phạm có liên quan và báo cáo - yêu cầu đội ngũ quản trị của Facebook xử lý.

Với YouTube, khả năng kiểm tra nội dung video vi phạm bản quyền còn tinh vi và hiệu quả hơn nhiều. Khi người dùng đang tải các nội dung có dấu hiệu vi phạm chính sách cộng đồng hoặc bản quyền của người khác, YouTube sẽ thực hiện theo hai hình thức:

Thứ nhất, chủ động quét, cảnh báo và ngăn chặn các vi phạm mà không cần có báo cáo nào từ người dùng. Thứ hai, nhận báo cáo phát hiện vi phạm bản quyền từ bất cứ nhà sáng tạo nội dung nào sau đó xem xét cặn kẽ để xử lý triệt để. Người vi phạm có thể bị xóa tài khoản vĩnh viễn, trường hợp nghiêm trọng có thể sẽ bị khởi tố, đền bù thiệt hại theo luật pháp của từng quốc gia.

Sau khi dự luật bổ sung Copyright Directive được thông qua, nhiều người cho rằng, Google và Facebook có thể sẽ phải tiến hành đàm phán với các nhà sáng tạo nội dung, nhà xuất bản... về vấn đề bản quyền.

Nhưng có thể phỏng đoán rằng, hai tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ sẽ không làm điều này bởi đây là công việc tốn kém thời gian, tiền của và trên tất cả, dự luật này của châu Âu thực sự rất mơ hồ vì bản thân các công ty này không tự động đưa các nội dung do người khác sản xuất lên các trang chính thức của mình. Khi có bất cứ báo cáo nào về vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, YouTube hay Facebook sẽ lập tức xử lý.

Hơn nữa, họ đã có chính sách cho phép người sáng tạo nội dung có thể kiếm tiền từ những video tự sáng tạo trên các nền tảng.

Bởi vậy, cần phải hiểu đúng việc “mất tiền” của Google và Facebook sau khi Copyright Directive được EP thông qua là gì. Chắc chắn Google và Facebook sẽ mất tiền nhưng đó là tiền đầu tư cho việc nghiên cứu – phát triển các hệ thống lọc nội dung vi phạm bản quyền.

Báo chí châu Âu có thể đòi phí từ Google?

Về mặt luật pháp, sau khi luật Copyright Directive có hiệu lực, các trang báo mạng ở châu Âu có quyền đòi Google trả chi phí cho hoạt động “hút link” và hiện hữu các đoạn tin, bài báo của mình trên dịch vụ Google News (tổng hợp tin tức tự động). Tuy nhiên, việc Google có chấp nhận luật chơi, sẵn sàng trả phí cho các tờ báo không lại là một chuyện khác.

Ngay khi Copyright Directive được EP thông qua, hãng công nghệ Mỹ đã tuyên bố rằng, nếu các toà báo ở châu Âu đòi tính phí, họ sẽ loại bỏ hiển thị nội dung các tin tức trên trình tìm kiếm và dừng hoạt động Google News ở những nước có nhiều tòa soạn khiếu nại.

Thực tế cho thấy, khi Google News dẫn lại các đường link chứa nội dung của các báo, 70% lượng truy cập từ các đường link trên Google News đều được dẫn trực tiếp cho các báo. Google hưởng ít lợi ích từ dịch vụ Google News nên hãng công nghệ Mỹ sẵn sàng từ bỏ một vài thị trường.

Tại một số quốc gia, Google News thường có các trang web tổng hợp bằng ngôn ngữ của các nước đó, để được Google News dẫn link, nhiều trang báo mạng phải gửi thư đề nghị Google News xét duyệt, thực hiện dẫn, cập nhật link chứ không hề dễ dàng.

Google đã có một số lần cảnh báo rằng, việc này có thể làm giảm lượng người dùng từ Google đến các trang báo thông qua tìm kiếm và Google News, do việc trả tiền để hiển thị một phần nội dung như Điều 11 của dự luật Copyright Directive, theo Google là “không phải phương án khả thi với tất cả các bên”.

Học cách làm của New Zealand

Thời gian tới, khi Facebook bật chức năng kiếm tiền cho người dùng, người quản lý các trang Fanpage ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam cũng phải có công cụ để kiểm soát và yêu cầu đóng thuế đối với những người có thu nhập cao từ mạng xã hội lớn nhất thế giới này.


Tại New Zealand, trung tuần tháng 2/2019 vừa qua, chính quyền nước này tuyên bố sắp đánh thuế doanh thu các hãng cung cấp dịch vụ số đa quốc gia như Google, Facebook và Amazon.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern khi đó tuyên bố rằng, nội các của bà đã đồng ý đưa ra một tài liệu thảo luận về việc cập nhật luật thuế để đảm bảo các công ty đa quốc gia thực hiện đúng trách nhiệm.

Bởi hệ thống thuế hiện tại của nước này không công bằng giữa người nộp thuế cá nhân với các công ty đa quốc gia.

Thực tế cho thấy, các công ty có mức độ số hóa cao, như cung cấp dịch vụ mạng xã hội, nền tảng giao dịch và quảng cáo trực tuyến hiện có nguồn thu đáng kể từ khách hàng tại New Zealand. Tuy nhiên, họ lại không phải trả thuế thu nhập.

Tổng giá trị các dịch vụ số xuyên biên giới tại New Zealand vào khoảng 2,7 tỷ đôla New Zealand (tương đương 1,86 tỷ USD). Bộ trưởng Tài chính New Zealand - Grant Robertson ước tính doanh thu thuế dịch vụ số là 30-80 triệu đôla New Zealand. Thông thường, thuế dịch vụ số được tính bằng 2-3% doanh thu gộp của một công ty đa quốc gia tại đây.

Rất nhiều quốc gia như: Anh, Tây Ban Nha, Italy, Pháp, Áo và Ấn Độ đã kích hoạt hoặc công bố kế hoạch về loại thuế này. Liên minh châu Âu (EU) và Australia vẫn đang trong quá trình nghiên cứu trước khi trình dự thảo.

Theo nhận định của các chuyên gia, đây mới chính là đường hướng đúng để buộc các công ty công nghệ khổng lồ chia sẻ lợi ích của mình.

Ngoài việc đánh thuế doanh thu của các tập đoàn công nghệ, rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam cũng đã bắt đầu điều tra, yêu cầu và truy thu thuế đối với những cá nhân, nhà sáng tạo nội dung có thu nhập lớn từ các hoạt động trên nền tảng mạng xã hội chia sẻ video YouTube của Google.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.