Xã hội

Buồng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 vì sao chưa hiệu quả?

09/06/2021, 16:48

Buồng lấy mẫu có nhược điểm lớn nhất là chỉ thực hiện được phương pháp xét nghiệm bằng PCR, không thể test nhanh Covid-19.

img

Nhân viên y tế huyện Tân Yên thử nghiệm quy trình tại buồng lấy mẫu xét nghiệm chống nóng. Ảnh Thu Quỳnh.

Chiều nay (9/6), trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Ngô Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Y tế Tân Yên, tỉnh Bắc Giang chia sẻ, từ đêm 5/6, nhóm tác giả Dự án Nam Việt Design, PAM Air và Signify (Hà Nội) đã có mặt tại đơn vị để triển khai lắp đặt buồng lấy mẫu chống nóng, giảm thiểu lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế tại đơn vị.

Đây là việc làm thiết thực góp phần giúp địa phương phòng chống dịch Covid-19, tuy nhiên, sau hơn 4 ngày sử dụng, buồng lấy mẫu trên vẫn chưa phát huy được tác dụng.

Cụ thể, theo bà Hà, 2 cánh tay cao su của buồng lấy mẫu quá to, gây bất tiện cho nhân viên y tế. Do vậy, theo Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tân Yên, nhóm nghiên cứu cần cải tiến bộ phận này nhỏ gọn, tiện lợi hơn.

Đây là buồng lấy mẫu rất phù hợp cho việc lấy mẫu lưu động trong cộng đồng khi có thể vận chuyển đến các xã, thị trấn, điểm đông dân cư để phục vụ người dân.

Tuy nhiên, buồng được thiết kế quá nặng, việc vận chuyển đòi hỏi phải có xe cẩu chuyên dụng và đội ngũ nhân viên để có thể nâng lên, hạ xuống, lắp đặt...

Do hiện nay Trung tâm Y tế huyện Tân Yên chưa có xe ô tô vận chuyển nên vẫn chưa thể tổ chức lấy mẫu lưu động cho người dân.

Hơn nữa, buồng lấy mẫu này có nhược điểm lớn nhất là chỉ thực hiện được phương pháp xét nghiệm bằng PCR, không thể test nhanh Covid-19.

Trong khi đó, nhu cầu của người dân khi đến trung tâm đều là test nhanh, việc lấy mẫu PCR cho bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm thì đã được thực hiện ngay tại giường bệnh nên buồng lấy mẫu trên vẫn được để tại Trung tâm Y tế huyện Tân Yên, hầu như rất ít được sử dụng.

Sau khi cộng đồng mạng chia sẻ nhiều hình ảnh nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ngất xỉu, sốc nhiệt khi mặc đồ bảo hộ trong nắng nóng, Bộ Y tế đã chỉ đạo nhiều biện pháp đảm bảo sức khỏe cho người đi lấy mẫu.

Trả lời phỏng vấn của Báo Giao thông sau bài báo "Nóng đến ngất xỉu, có nhất thiết phải mặc đồ bảo hộ y tế", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định theo quy định hiện hành, việc mặc đồ bảo hộ để giảm lây nhiễm virus là cần thiết. Hiện nay, ngoài việc, giảm thời gian vào ca của cán bộ lấy mẫu xét nghiệm, bố trí địa điểm lấy mẫu thoáng mát, Bộ Y tế đã giao các đơn vị nghiên cứu thí điểm việc làm mát, thông gió cho bộ đồ bảo hộ.

Từ mô hình buồng lấy mẫu xét nghiệm tại Hàn Quốc, một số đơn vị đã triển khai thử nghiệm buồng lấy mẫu tại Bắc Giang. Dư luận mong muốn sớm có sản phẩm hiệu quả để hỗ trợ các nhân viên y tế lấy mẫu trong thời tiết khắc nghiệt của mùa hè.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.