Xem - ăn - chơi

Hương trà thong thả bay

16/02/2018, 07:49

Trà sống càng xa hồng trần thì vị càng ngọt, hương thơm như hương rừng, sạch trong như nước suối đầu non.

77

Pha trà

Những ngày cuối đông của Huế tiết trời rất dịu dàng, cái se lạnh đủ cho lữ khách thèm một chén trà ấm. Nhà báo Minh Tự, một người sành Huế đưa tôi đi thưởng trà, vừa lang thang dưới sương sớm, vừa nhâm nhi câu Kiều: “Mành tương phân phất gió đàn. Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình”.

Sạch như nguồn suối đầu non

Chúng tôi đi qua những ngôi nhà xưa san sát trên những con phố nhỏ của nội thành. Trà thất kín đáo trong một kiệt nhỏ ở đường Nguyễn Thiện Thuật, yên tĩnh như một thiền viện. Bạn trà thật thú vị, Minh Tự - phóng viên báo Tuổi Trẻ, họa sĩ Phan Hải Bằng - chủ nhân của Vườn Trúc Chỉ, toàn là những tửu sĩ, nhưng thống nhất quan điểm là có khi trà ngon hơn rượu.

Ngồi ở Trà thất Di Nhiên nghe luận trà như Hoa Sơn luận kiếm, trà khách sẽ ngạc nhiên về những tuyệt kỹ công phu của các cao nhân thưởng trà. Bạch trà cổ thụ vùng núi Tây Côn Lĩnh của Hà Giang, trà Tà Xùa của Sơn La. Hai loại trà này sống trên núi đá vùng cao, quanh năm chỉ gió ngàn, mây trời và tuyết trắng, nên cây lá trắng muốt như vô nhiễm. À ra thế, trà sống càng xa hồng trần thì vị càng ngọt, hương thơm như hương rừng, sạch trong như nước suối đầu non.

Mà không tinh túy sao được khi Bạch trà là búp của những cây chè cổ thụ tuổi vài trăm năm sống trên những vách đá cheo leo. Trong điều kiện tự nhiên càng khắc nghiệt thì những thực vật tồn tại mới thực sự có nội lực. Sức sống đó giấu kín bên trong của dáng hình bên ngoài quắt queo già nua của lão thụ. Mà cái gì quý thì lại hiếm, mỗi năm Bạch trà chỉ trổ búp vào mùa xuân và mùa thu. Leo lên vách núi hái được 100kg lá mang về chỉ nhặt ra được 1kg búp, cái tỷ lệ cay đắng đó làm cho chén trà đế vương hơn.

Trà khách lịch duyệt có thể phân biệt được sự khác nhau của hương Bạch trà mùa xuân và mùa thu. Nhưng còn nữa, trà Tân Cương là loại trà cổ, 40 ngày mới thu hái một lần. Ở Tân Cương có nhiều thôn, mỗi thôn có danh trà mà chỉ có cao nhân mới thưởng thức được. Thưởng trà như thưởng hoa, thưởng trăng, đâu phải mở mắt nhìn là thấy trăng, thấy hoa.

Còn trà ướp các loại hoa theo mùa lại là đẳng cấp khác. Những loại trà ướp bằng tinh dầu hóa học mùi thơm khó chịu, vị gay gắt, người sành trà không bao giờ đụng tới. Trước tiên là chọn trà hợp với hoa. Còn hoa ướp trà không phải mua ngoài chợ về mà phải trồng riêng một vườn đất sạch không nhiễm các loại chất hóa học. Hoa sen, hoa cúc, hoa nhài, hoa bưởi, mùa nào thức ấy, trà nào hoa đó, thuận theo tự nhiên, không cưỡng ép. Ướp trà hoa chỉ làm thủ công, tinh tế đến mức cho ra vị trà và hoa hòa làm một, thơm trong miệng một mùi hương thầm kín.

Còn ướp trà với sen thì chỉ có Cung đình Huế mới nghĩ ra. Hoa sen phải đang độ chín hương, lúc hàm tiếu. Mà không phải khi nào cũng hái hoa tùy tiện, phải chờ lúc mặt trời chưa lên. Sớm tinh sương giữ cho hương của hoa thật tinh khiết. Lúc vào trà phải đủ 1.600 bông sen cho 1kg trà, ủ đúng thất tuần để hương sen thấm vào trà. Nghệ nhân ướp trà cao tay cho ra sản phẩm cực tinh, để một bình trà pha buổi sớm uống đến tận khuya vẫn giữ được mùi sen.

Hai tay dâng chén ngang mày

Rồi trà nương xuất hiện, khéo léo ngồi xuống tấm nệm vải trong tư thế trên lưng bàn chân. Trà cụ được bày ra gồm bình pha, tống rót, lọc trà, chén uống, tất cả đặt trên bàn trà. Ý nghĩa nhất là ấm hướng tâm, ấm có quai cầm. Người rót trà đưa ấm về phía khách, quai hướng vào tim mình. Đó là thể hiện sự thành tâm, trân trọng, mong muốn điều tốt đẹp nhất đến với khách, vì thế chén trà sẽ ngon hơn.

Chúng tôi chăm chú theo dõi từng động tác của trà nương, cô pha trà như cử hành một nghi thức trong một lễ nghi tôn giáo. Mà cũng phải, người xưa nói về trà đạo, uống trà lơ mơ không vươn tới được cảnh giới đó. Trà nương có thể nhìn hơi nước bốc lên thì đoán được nhiệt độ. Trà lá non chỉ cần nước sôi từ 70 - 850, lá già hơn nước phải sôi ở nhiệt độ cao hơn.

Trà nương sắp xếp trà cụ, bỏ trà, pha nước sôi, làm nóng ấm chén, cứ thong thả. Tôi có cảm giác là đã được uống trà từ lúc ấy, hay nói đúng hơn là khi bước vào trà thất và khi trà nương bước đến. Nhưng rồi vẫn chờ đợi lúc dâng trà, trà nương rót trà ra chén, nâng chén bằng cả hai tay trong một tư thế rất nghệ thuật. Lòng bàn tay ôm hờ chén, tay kia nâng phía dưới, hai ngón tay trỏ và giữa đưa thẳng lên và đặt hai đầu ngón vào đáy chén. Hai tay nâng chén lên ngang mày, một cách dâng trà đầy trân trọng, tao nhã và đẹp.

Họa sĩ Phan Hải Bằng bối rối không biết đưa tay đỡ chén trà làm sao cho phải phép, trà nương bảo cứ cầm chén tự nhiên, tư thế nào cũng được. Nói thế thôi, nhưng sau khi để bọn tôi thưởng thức được vài tuần trà, cô mới chỉ cho cách cầm chén. Với đôi bàn tay đẹp, trà nương để chén vào giữa hai lòng bàn tay úp vào nhau, các ngón tay đưa về phía trước, tạo thành hình một búp sen. Rồi cũng để chén vào lòng hai bàn tay úp vào nhau, nhưng các ngón hướng lên trên, tạo thành đóa sen đang nở, rất điệu nghệ. Thưởng trà quả là công phu, hóa ra chơi cái gì cho tới cũng không dễ dàng và dễ dãi.

Hương bay từ muôn kiếp

Trà nương cũng là trà chủ của Trà thất Di Nhiên, tên Trần Thị Thanh Nhị, thạc sĩ - giảng viên Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Huế. Càng về sau, khi nghe cô vỡ lòng cho về đạo trà, tôi biết rằng Thanh Nhị cũng là trà sư. Tôi là kẻ ham chơi, quen biết bạn bè khắp chốn, nhưng chưa gặp người nào mê trà như Thanh Nhị. Cô đã đi thực tế tất cả các vùng nguyên liệu trà của đất nước, nghiên cứu rất sâu về nghề trồng trà, hái trà, nghệ thuật ướp trà, pha trà và văn hóa trà. Nghe Thanh Nhị nói, cả ba đứa tôi cứ há hốc mồm như ba đứa trẻ được cô giáo dạy a bờ cờ.

Rồi Thanh Nhị dắt bọn tôi về tuổi thơ của cô, những ngày cô được cạnh bên ông ngoại trong một khu vườn ở làng Đức Phổ. Vườn trồng nhiều hoa, các loại cúc vàng, cúc trắng, vạn thọ, quỳnh, hồng, thược dược, các loại hồng… Thanh Nhị thích mùi hương của hoa từ đó và cô cho rằng mình “từ nhiều tiền kiếp trước là một kẻ lang thang tìm hương, nhưng kiếp này có lẽ từ cái mùi trà hoa của ngoại”.

Thanh Nhị không thể quên hình ảnh ngoại mỗi sáng ra vườn trò chuyện với hoa, có khi nâng một bông hoa nào đó, khẽ rung cho sương nước rơi xuống, rồi hít mùi thơm của hoa. Sau khi thăm hoa, ngoại chọn lấy một bông còn đẫm sương cho vào ấm trà sáng. “Tôi nhớ vô cùng mùi hoa hường bạch dại, mùi hoa nhài, hoa ngâu, rồi hoa sói, hoa cúc… quyện trong hương trà. Uống chén trà mà như nghe được lời thầm thì trò chuyện của trà, của hoa, của gió, của sương, của bao la đất trời”, Thanh Nhị đã nói như vậy.

Câu chuyện của Thanh Nhị kể gợi tôi nhớ một lần thăm vườn hoa dưới chân đèo Prenn - Đà Lạt, chủ vườn hoa nói chuyện với tôi đến tối, rồi ông dẫn tôi đi thăm vườn. Ông bảo, trước khi đi ngủ phải đi thăm hoa, không thì hoa thấy vắng ông, hoa hờn sẽ không nở. Ông nói với tôi bằng tất cả niềm tin vào điều đó, như nó đã từng xảy ra, như ông từng trải nghiệm.

Trở lại tuổi thơ của Thanh Nhị, ông ngoại còn đọc Kiều cho cô bé 10 - 11 tuổi nghe mỗi khi thưởng trà. Đặc biệt, khi chờ hoa quỳnh nở ngay đêm trăng sáng, mọi người ngồi uống trà trong vườn để “xem hoa nở” và “chờ trăng lên”. Có lẽ được ông ngoại dạy cách chơi tao nhã từ bé, nên bây giờ mới có trà sư Thanh Nhị.

Thưởng trà chờ hoa quỳnh nở có cái thú chỉ trải mới thấm. Uống hết mấy tuần trà, quỳnh vẫn chưa hé, như lãng quên, như hờ hững chốn xôn xao hồng trần. Rồi rất bất ngờ, khi mọi người mải chuyện trò thì hoa nở. Thanh Nhị lý giải rằng, hoa “nở trộm”, như thiếu nữ thay xiêm y ngại ngùng mọi ánh nhìn. Chờ đợi giây phút ấy đôi lúc có cảm giác như nín thở chứng kiến sự ra đời của một sinh linh, của cái Đẹp.

* *
*

Ra cửa trà thất, tôi hỏi vì sao là Di Nhiên, trà sư Thanh Nhị cười hiền lành: “Quay về với Phật tính để sống an nhiên, tự tại”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.