Chính trị

Bứt phá thành nước phát triển cách nào?

02/09/2020, 06:10

Kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2/9, nhìn lại 75 năm lịch sử vô cùng tự hào chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn.

img
Nhà sử học Dương Trung Quốc

Kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2/9, nhìn lại 75 năm lịch sử vô cùng tự hào chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Tuy nhiên, đến nay chúng ta vẫn là một đất nước chậm phát triển. Làm thế nào để bứt phá, đưa đất nước ta thành nước phát triển vào dịp 100 năm thành lập nước như kỳ vọng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc? Báo Giao thông trao đổi với ĐBQH, nhà sử học Dương Trung Quốc xung quanh vấn đề này.

Bài học đoàn kết vẫn còn nguyên giá trị

Có lẽ điều kiện địa lý và hoàn cảnh lịch sử buộc đất nước ta phải thường xuyên đối phó với thiên tai địch họa, song cuối cùng chúng ta đã chiến thắng tất cả. Theo ông, đâu là yếu tố tiên quyết, xuyên suốt làm nên điều đó?

Quốc gia nào cũng có vị thế riêng, ta rất khó để nói vị trí của ta hơn nước khác, nhưng có một sự thật lịch sử đã chứng minh, địa chính trị của Việt Nam có vai trò quan trọng đối với khu vực và trên thế giới. Địa chính trị đó là yếu tố tương quan với những nhân tố đang tác động mạnh mẽ vào lịch sử của thế giới trong từng giai đoạn.

Dù gian khổ, hy sinh nhưng có một thực tế lịch sử đã minh chứng, Việt Nam ta đã giành chiến thắng và đánh đuổi tất cả các cuộc xâm lăng của thế lực bên ngoài, kể cả những đội quân tưởng chừng “không gì cản nổi”, khiến thế giới phải nể phục.

Nhìn vào lịch sử ta thấy, những cuộc chiến tranh vệ quốc, bảo vệ nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ có được thành công xuất phát từ nhiều yếu tố, nhưng thành tố tiên quyết dẫn đến sự thành công đó có lẽ vẫn là sự tự lực, tự cường tinh thần bất khuất bảo vệ nền độc lập của dân tộc ta.

Minh chứng cho điều đó chính là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Cách mạng tháng Tám, đó là “lấy sức ta để giải phóng cho ta” kết hợp với tranh thủ tối đa sự ủng hộ của thế giới.

Thưa ông, là người nghiên cứu sử, lại từng sống qua các cuộc chiến tranh của dân tộc, ông cảm nhận ra sao về những bước đi suốt 75 năm qua của đất nước?

Những gì chúng ta thừa hưởng ngày hôm nay, càng ngẫm lại càng thấm thía những giá trị tích cực của quá khứ. Bài học lớn nhất cũng là bài toán khó nhất, xuyên suốt, đó là làm sao ta giữ được tinh thần đoàn kết dân tộc. Đoàn kết giờ đây trong hoàn cảnh mới, có điểm khác so với trước.

Trước kia, mỗi khi đất nước lâm nguy thì sự đoàn kết thể hiện rất rõ, như là một truyền thống, thậm chí như là bản năng của dân tộc. Trong chiến tranh có rất nhiều người đã hi sinh từ bỏ những lợi ích vật chất để cống hiến, cùng non sông đánh giặc.

Nhưng xã hội hiện nay yếu tố lợi ích không đơn giản như trước nữa. Lợi ích khác biệt để đoàn kết được là không đơn giản. Người có chức có quyền, người có nhà lầu xe hơi, còn người lại chẳng có gì, thì ngồi với nhau, thống nhất với nhau khó lắm.

Trước thực tiễn đó, đòi hỏi người lãnh đạo phải là hạt nhân hàng đầu trong việc quy tụ cũng như phát huy sự đoàn kết của dân tộc. Có rất nhiều bài học trong đoàn kết, chẳng hạn như “đoàn kết là phải gương mẫu”.

Những thành tựu đất nước ta đạt được trong suốt những năm tháng qua là không thể phủ nhận. Song nhìn vào thực tế, Việt Nam thời gian qua vẫn là một nước chậm phát triển. Chúng ta lại bỏ lỡ không ít cơ hội để phát huy hết tiềm năng những thành quả đạt được. Theo ông, đâu là nguyên nhân của thực trạng này?

Đánh giặc ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, chúng ta có bản lĩnh, có kinh nghiệm và luôn luôn trong những thời điểm đó, chúng ta đã phát huy được sức mạnh của dân tộc.

Nhưng câu chuyện xây dựng đất nước, phát triển đất nước cũng khó khăn biết nhường nào. Chúng ta xây dựng đất nước trong bối cảnh quốc tế, chứ không phải vùng đất “ốc đảo”, nên phải chấp nhận tất cả yếu tố phức tạp của thế giới tác động vào.

Nhìn vào thực tế, thời gian qua chúng ta đã bỏ lỡ không ít cơ hội để phát triển, phải chăng phần nào là do chúng ta chưa tập hợp được nhiều cán bộ sáng suốt như trong thời kỳ chúng ta chống giặc ngoại xâm?

Thực tế là việc sử dụng người tài như thế nào cho đúng và trúng đang là bài toán cần phải có lời giải. Quan niệm về người tài và dùng người tài bây giờ cũng khác so với ngày xưa. Có thời kỳ chúng ta cho rằng người tài đồng nhất với vị trí quan chức. Nhưng giờ đây, nhân tài có cả trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài và họ vẫn đang làm những việc có lợi cho đất nước.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, dù còn tồn tại, nhưng suốt 75 năm qua, chúng ta đang không ngừng phấn đấu vươn lên, thay đổi để thích nghi hơn. Đặc biệt, có một thực tế mà đến nay thế giới phải thừa nhận là chúng ta làm rất tốt vấn đề an sinh xã hội của người dân.

Hòa nhập nhưng không hòa tan

Để đất nước có những bứt phá trở thành nước phát triển vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước, theo ông, chúng ta cần phải làm những gì?

Cần phải có sự thay đổi hệ thống giá trị, đâu đó chúng ta vẫn trở lại vấn đề rất xưa và lạc hậu, tức là vẫn quan liêu, sử dụng chức vụ để thỏa mãn lợi ích của mình. Tại sao cứ người giỏi thì phải làm lãnh đạo? Rõ ràng những người có tài ở các nước phát triển họ đâu cần phấn đấu làm quan chức, mà họ có thể làm bất cứ việc gì có lợi cho đất nước và họ được trân trọng hơn rất nhiều.

Từ rất lâu rồi chúng ta quan niệm “hội nhập là con đường sống”, là tìm kiếm các nguồn lực bên ngoài. Thực tế đã minh chứng chúng ta đã học hỏi có chọn lọc các nền văn minh, thậm chí học hỏi chính những nước đô hộ, xâm lăng, từ đó xây dựng bản sắc dân tộc không lẫn với bất cứ quốc gia hay vùng đất nào trên thế giới.

Nhìn vào lịch sử ta thấy nhà Lý đã từng học hỏi rất triệt để những gì tinh túy của Trung Hoa. Nhà Lý học hỏi trên nền tảng nội tại của dân tộc và giữ gìn bền vững văn hóa dân tộc. Ví dụ, chúng ta phát triển chữ Nôm trên nền tảng chữ Hán, đó là sự sáng tạo của dân tộc ta.

Ở đây tôi muốn nói đến cách thức hội nhập, chúng ta vẫn hay có câu “hoà nhập nhưng không hòa tan”. Để thực hiện việc đó chúng ta phải có những chiến lược căn cơ bằng những hành động thực tiễn.

Giờ đây nhờ tiến bộ của khoa học công nghệ mà thế giới “phẳng hơn”, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì quá trình hội nhập rất dễ lai căng, biến sân nhà thành sân chơi của doanh nghiệp nước ngoài, mất đi bản sắc văn hóa của dân tộc, điều này là hết sức nguy hiểm.

Kế thừa những tinh hoa đặc sắc về nghệ thuật cầm quyền, trị quốc trong lịch sử dân tộc Việt Nam, trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, các cấp ủy, chính quyền cần phải quan tâm và thực thi những vấn đề trọng yếu gì trong giai đoạn hiện nay thưa ông?

Có một câu mà ta hay nói đó là “ý Đảng lòng dân”, chính yếu tố dân chủ là quan trọng nhất, người dân ý kiến rồi chính quyền lắng nghe sau đó bằng sự uy tín của mình chính quyền xây dựng những chính sách và cuối cùng là đội ngũ cán bộ thực hiện những chính sách đó.

Thực tế cho thấy một bộ phận không nhỏ trong đội ngũ cán bộ hiện nay đã làm mất đi lòng tin của nhân dân, điều này là vô cùng nguy hiểm. Bài toán này cần phải có lời giải ngay vì nó quyết định sự tồn vong của dân tộc.

Nhiều người cho rằng, giới trẻ ngày nay sinh ra khi đất nước đã hòa bình nên tình yêu, cảm nhận của họ đối với đất nước, chủ quyền sẽ nhạt nhòa hơn so với những thế hệ đi trước. Ông có ý kiến gì về nhìn nhận này?

Có một thực tiễn đang diễn ra, đó là các bạn trẻ bây giờ muốn biến mình thành công dân toàn cầu. Điều này là hoàn toàn chính đáng trong bối các quốc gia hội nhập sâu rộng với thế giới.

Vậy dân tộc trong thế giới hiện tại là như thế nào? Thế nào là chủ quyền quốc gia trong hoàn cảnh như vậy? Đó là những câu hỏi giới trẻ hiện nay phải có câu trả lời.

Không chỉ tôi và nhiều người đều có suy nghĩ rằng, truyền thống yêu nước, lòng tự tôn dân tộc của chúng ta thời nào cũng có, chỉ có điều cách thể hiện ở mỗi thời là khác nhau. Thời chiến là sự dũng cảm cầm súng đấu tranh giành độc lập dân tộc, nhưng thời nay yêu nước cần phải được hiểu và thực hiện bằng cách thức khác. Đó là xây dựng đất nước giàu đẹp, phát triển sánh ngang với bạn bè quốc tế!

Cảm ơn ông!

Niềm tin đất nước sẽ “hóa rồng”

Tại cuộc làm việc với Bộ KH&ĐT đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra Tầm nhìn Việt Nam năm 2030 sẽ hướng tới một xã hội khá giả, thịnh vượng, GDP bình quân đầu người đạt ít nhất 18.000USD. Về Tầm nhìn 2045, năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam phải trở thành một quốc gia phồn vinh, thịnh vượng, hạnh phúc, gia nhập nhóm nước có thu nhập cao.

Trao đổi với Báo Giao thông, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, Thủ tướng chọn thời điểm này để đặt ra một mục tiêu “hóa rồng” cho đất nước là có những cơ sở nhất định. Thứ nhất, trong những năm trở lại đây, Việt Nam đã có những bước ngoặt về phát triển kinh tế. Thứ hai, quá trình cải cách đổi mới đã tới hạn, cần có những bước đột phá mới trong cải cách, đặc biệt là cải cách thể chế.

Hiện, thế giới đã mở ra những chân trời mới cho phát triển, đặc biệt là cuộc cải cách công nghệ hiện nay như chuyển đổi số; cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đây là cơ hội mới cho Việt Nam - một đất nước mà vốn dĩ vì nhiều lí do chúng ta đã không tận dụng tốt được cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, thì nay với cuộc cách mạng công nghiệp mới này, với những đột phá về công nghệ, chúng ta phải tận dụng được.

Với những tiền đề đó, Việt Nam có thể có bước phát triển nhanh, có thể đặt ra mục tiêu năm 2030 - 2035 có mức thu nhập trung bình cao, tạo tiền đề để năm 2045 trở thành quốc gia thực sự thịnh vượng, phát triển.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.