Vận tải

Buýt Hà Nội du ký

03/02/2016, 16:12

Đi xe buýt bây giờ hay lắm. Hôm nào anh đi thử, rẻ tiền mà rất thoải mái.

11
Buýt Hà Nội du ký - Ảnh minh họa

Lần đầu tiên tôi đi xe buýt là năm 2002. Khi đó, tôi mới từ Tuyên Quang chuyển về Hà Nội được khoảng 1 tháng. Vợ tôi bảo: Đi xe buýt bây giờ hay lắm. Hôm nào anh đi thử, rẻ tiền mà thoải mái lắm.

Hôm ấy, tôi ở nhà ông bà nội trên phố Vũ Ngọc Phan về muộn. Chắc khoảng 20h. Tôi nhảy lên một xe buýt số 5. Hỏi lái xe: Xe này có về Khu đô thị mới Bắc Linh Đàm được không anh?. Lái xe trẻ, trả lời nhanh nhẹn: Có đấy, chú cứ lên.

Tôi còn dặn lái xe: - Bao giờ về đến Linh Đàm, nhớ báo tôi một tiếng. Lái xe cười: - Chú yên tâm. Cứ đánh một giấc đi! Bao giờ về cháu gọi.

Tôi thanh thản ngồi trên xe ngắm phố phường Hà Nội trong đêm lung linh thơ mộng. Bụng bảo dạ, xe buýt thoải mái và không bụi. Lại khỏi căng mắt mà căn đường nếu đi xe máy hay lái ô tô. Cả xe buýt chỉ có bốn người vì đã muộn. Tôi thiu thiu ngủ. Xe dừng lại ở một bến nào đó. Tôi mở mắt nhìn ra ngoài đường phố. Phong cảnh hơi lạ. Tôi hỏi người ngồi bên cạnh : - Đây là đâu nhỉ? Ông già tóc bạc nói thủng thẳng: Đây là Nhổn chú ạ. Tôi hốt hoảng: Thôi chết, tôi về Linh Đàm cơ. Ông khách cười dí dỏm: - Chú đi nhầm chiều xe rồi. Nhưng yên tâm, chú cứ ngồi đấy. Đây là tuyến cuối cùng. Bây giờ lại về Linh Đàm thôi. Tôi về gần đến Linh Đàm, vợ tôi điện thoại: - Sao mà lâu thế, cả nhà đang chờ cơm. Tôi bảo sắp về rồi. Về nhà kể chuyện đi nhầm tuyến, cả nhà cười vỡ bụng. Một đoạn đường ngắn 8 km mà đi mất 2h30. Từ đó, tôi không đi xe buýt nữa, rắc rối quá.

Lần khác, tôi đến họp ở Hội Dân tộc thiểu số Việt Nam (66 Nguyễn Văn Huyên). Họp xong, có liên hoan. Rượu, bia bung biêng. Nhà văn Cao Duy Sơn bảo: - Uống rượu, anh nên đi xe buýt. Đi xe 12. Anh về Linh Đàm chỉ có một tuyến xe thôi. Nguyễn Văn Huyên là bến đầu tiên. Về Linh Đàm, gần cuối tuyến nên chả có ai tranh giành ghế đâu. Tôi yên tâm lên xe đánh một giấc. Mình già, lên xe là các cháu nhường chỗ ngay. Vì có hơi men nên tôi ngủ say. Đến khi tôi mở mắt, trên xe còn mỗi mình tôi. Quang cảnh lạ hoắc. Lái xe hỏi: - Sao bác không xuống xe? Tôi hỏi: Đây là đâu nhỉ? Anh trả lời: - Đây là Đại Áng, huyện Thanh Trì. Tôi lại đi quá đường rồi. Thế là phải chờ cho lái xe nghỉ ngơi đôi chút mới về lại Linh Đàm được. May mà tôi chẳng có gì trong người. Nếu mang túi xách hoặc tiền bạc, chắc kẻ cắp nẫng hết.

Một lần, dịp gần Tết, tôi lên xe buổi sáng nên đông người. Mình phải chịu khó đứng vậy. Phụ xe bảo một phụ nữ rất xinh ngồi gần chỗ tôi đứng: - Chị còn trẻ, đứng dậy nhường chỗ cho bác đây. Chị khách, váy ngắn màu đen, đôi giò trắng hấp hẫn, đứng dậy nói to cho cả xe nghe: - Tôi có thẻ ưu tiên. Phụ lái bảo cho xem thẻ. Chị đưa cho lái xe xem. Nhanh nhẹn, lái xe xin lỗi. Bỗng tôi phát hiện khuôn mặt xinh xinh ấy trông quen quen. Chị trố mắt nhìn tôi: - Ô! anh Lộc. Lâu quá mới gặp anh. Thì ra chị là một nghệ sĩ xiếc đã nghỉ hưu rồi, trông vẫn như con gái.

Một lần khác, năm 2010, sau khi nghỉ hưu, tôi mua một vé tháng theo giá ưu tiên. Giá vé chỉ 100.000 đồng, giá quá rẻ. Lại được nhường ghế, nếu xe đông. Tối hôm ấy, có chương trình giới thiệu sách của một nhà thơ Đức ở tận Mỹ Đình. Lúc ấy đã 18h30 tối, mà 20h mới bắt đầu. Tôi nhẩm tính, nếu lên Mỹ Đình thì 1 tiếng là đến kịp. Và tôi bắt xe buýt đến chỗ họp. Tắc đường nên 20h30 mới đến nơi. Tôi đến chậm 30 phút. Ngượng quá, tôi ngồi sau cùng. Nhưng phát hiện ra tôi, chủ tọa quen biết lại mời lên hàng ghế đầu. Ông bạn tôi ngồi cạnh hỏi: Anh đến bằng phương tiện gì? Tôi bảo: - Đi xe buýt. Anh ta đốp một câu: - Sao không đi xe máy. Xe buýt thì sắp đến giờ về rồi, 21h30 tối là chuyến cuối cùng. Tôi giật mình: Thôi chết, mình không tính ra. Bây giờ đã 21h20. Ông bạn nói vui: - Không sao, lúc về đi taxi, ok. Trời đất ạ, đi taxi thì tôi đâu có tiền trong túi. Thế là tôi đành bỏ dở cuộc giới thiệu sách đang hay để ra về cho kịp chuyến xe buýt cuối cùng. Nhưng chạy ra điểm gần nhất thì đã hết xe. Tôi đành thuê một xe ôm đến Bến xe Mỹ Đình mới có chuyến xe buýt vét tối để nhảy lên. Thì ra xe buýt cũng có cái phụ thuộc về thời gian.

Hầu hết những người già về hưu và sinh viên đều đi xe buýt, giá rẻ mà tiện lợi, không lo bị xe ôm chặt chém. Tuy nhiên, phải đi nhiều, quen tuyến thì mới đỡ rắc rối khi chuyển tuyến. Nhiều điểm xa như từ Hà Nội đi Bắc Ninh, Sóc Sơn, Sơn Tây...phải chuyển nhiều tuyến xe, cũng phiền phức mà lại mất nhiều thời gian vì các chặng dừng xe quá nhiều.

Tuy nhiên, hiện nay, có phần mềm tìm xe buýt timbus.vn rất tiện lợi để lựa chọn tuyến xe thuận lợi nhất cho mình. Ví dụ, từ Linh Đàm đi Bờ Hồ, có thể có nhiều phương án. Trong một phương án lại có nhiều đường đi, cho những tuyến đường dài ngắn khác nhau. Anh có thể chọn tuyến ngắn nhất nhưng lại phải chuyển qua nhiều xe, hoặc ngược lại, có thể đi tuyến dài nhưng số lần chuyển xe lại ít nhất. Tất cả những phương án ấy chỉ cần một cú nhấp chuột hay một lần bấm enter là ra. Vấn đề rắc rối là nhiều người già lại không biết dùng máy tính hay thậm chí không có điện thoại di động thì không biết tìm đường xe buýt. Các lái xe buýt sẽ giúp họ tìm đường và gặp những rắc rối khi đi xe buýt Hà Nội.

Văn hóa xe buýt. - Tôi đã được chứng kiến. Những lái xe nhiệt tình tận tụy, vui vẻ với khách, giúp đỡ người già và trẻ em, phụ nữ có thai... Những văn minh đó chính là văn hóa giao thông, một nét đẹp của ngành GTVT.

Mùa Xuân đang về, những chuyến xe buýt vẫn đang khẩn trương, tấp nập trên đường. Đâu đó những cành đào Tết của Hà Nội tô điểm cho xe buýt thêm không khí Xuân tươi.

Linh Đàm, Hà Nội mùa Đông 2015

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.