Vận tải

Buýt nhanh BRT Hà Nội bao giờ vận hành?

10/11/2016, 08:00

Hiệp định tín dụng của dự án buýt nhanh BRT tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa sẽ kết thúc ngày 31/12 tới...

7

Nhà chờ xe buýt nhanh BRT trên đường Láng Hạ bụi phủ mờ chờ dự án hoàn thành

Buýt nhanh liên tục… chậm

Tuyến xe buýt nhanh BRT (hệ thống vận tải công cộng bằng các loại xe buýt có khối lượng vận chuyển hành khách lớn) Kim Mã - Yên Nghĩa được TP Hà Nội khởi công đầu năm 2013 với kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá cho giao thông Thủ đô, góp phần hiện đại hóa giao thông đô thị và giảm ùn tắc. Theo thiết kế, tuyến xe buýt này có lộ trình từ Bến xe Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ - Bến xe Kim Mã, với tổng chiều dài 14,7km. Trên các tuyến phố trong lộ trình sẽ có làn đường chỉ dành riêng cho xe buýt nhanh.

Theo thiết kế, xe buýt nhanh có vận tốc khoảng 22km/h. Như vậy, nếu đi từ Kim Mã đến Yên Nghĩa sẽ mất khoảng 30 phút, thay vì mất hơn một giờ như xe buýt thường hiện nay. Kế hoạch ban đầu, dự án này sẽ hoàn thành và đi vào khai thác trong quý II/2015 nhưng đến nay, sau rất nhiều lần xin lùi tiến độ, dự án vẫn chưa thể hoàn thành.

Theo Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP Hà Nội sẽ có 8 tuyến xe buýt nhanh BRT gồm: Kim Mã - Lê Văn Lương - Yên Nghĩa dài 14km; Ngọc Hồi - Phú Xuyên (đi theo QL1 cũ) dài 27km; Sơn Đồng - Ba Vì dài 20km; Phù Đổng - Bát Tràng - Hưng Yên dài 15km; Gia Lâm - Mê Linh (vành đai 3) dài 30km; Mê Linh - Sơn Đồng - Yên Nghĩa - Ngọc Hồi - QL5 - Lạc Đạo (vành đai 4) dài 53km; Ba La - Ứng Hòa dài 29km; Ứng Hòa - Phú Xuyên dài 17km.

Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn cho biết, đến thời điểm hiện tại, mới có 5/12 gói thầu của dự án được hoàn thiện với tổng số tiền giải ngân đạt hơn 20 triệu USD trên tổng mức đầu tư 44,58 triệu USD từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB). Cụ thể, các gói thầu đã hoàn thiện gồm: Trạm trung chuyển Bến xe Kim Mã; Trạm đầu cuối Bến xe Yên Nghĩa; Gói mua sắm và lắp đặt thiết bị cho khu bảo dưỡng, sửa chữa đặt tại Bến Xe Yên Nghĩa; Khu depot nằm trong Bến xe Yên Nghĩa và đoạn đường Giang Văn Minh - Kim Mã - Giảng Võ.

7/12 gói thầu còn lại đang được thực hiện bao gồm: Các hạng mục cầu đi bộ kết nối nhà ga xe buýt BRT, đường, trạm xe buýt; Hệ thống bán vé, đèn tín hiệu và chương trình truyền thông, tuyên truyền về xe buýt nhanh BRT. Đặc biệt, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, 35 chiếc xe buýt BRT đã được lắp đặt hoàn thiện, đang chờ thẩm định và bàn giao.

Lý giải về sự chậm trễ này, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho rằng, vì đây là loại hình giao thông công cộng lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam, khối lượng GPMB lớn. Cùng đó, điều kiện thi công chật hẹp trong đô thị, vừa thi công vừa phải đảm bảo giao thông, lại thiếu các tiêu chuẩn thiết kế, kỹ thuật, vừa làm vừa trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Quy trình triển khai thực hiện các dự án ODA phải trải qua nhiều thủ tục, công tác lựa chọn nhà thầu đều thông qua đấu thầu quốc tế.

Chậm nhất tháng 12, đoàn phương tiện phải có mặt tại Hà Nội

“Tối hậu thư” này vừa được Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng “chốt” lại để đảm bảo cho tuyến buýt nhanh có thể vận hành thử trước khi hết năm 2016.

Cần phải nhắc lại rằng, theo hiệp định đã ký kết, dự án sẽ kết thúc ngày 31/12 tới. Trong buổi làm việc với TP Hà Nội mới đây, đại diện WB đề nghị TP Hà Nội tập trung tối đa để hoàn thiện các phần việc cuối cùng của dự án, đặc biệt là công tác tổ chức giao thông theo hướng ưu tiên tối đa cho xe buýt nhanh BRT hoạt động nhằm bảo đảm mục tiêu của dự án.

Liên quan đến phương án tổ chức giao thông cho buýt BRT, đại diện Sở GTVT cho biết, sẽ thiết kế dành sự ưu tiên tuyệt đối cho xe buýt nhanh này.

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, quỹ thời gian rất ngắn, chỉ còn hơn 50 ngày trong khi khối lượng công việc rất lớn và khó khăn. Do đó, Sở GTVT Hà Nội cần tập trung cao độ để ngay trong tháng 11/2016 có phương án tối ưu cho BRT hoạt động nhưng cũng phải có sự đồng thuận của người dân.

Một thông tin đáng chú ý là WB và UBND TP Hà Nội đã thống nhất hủy gói thầu “mua sắm hệ thống thẻ vé và hệ thống thông tin liên lạc”. Nguyên nhân theo Sở GTVT Hà Nội là do hiệp định kết thúc vào ngày 31/12 nên không đủ thời gian để triển khai thực hiện gói thầu này, ngay cả trong trường hợp lựa chọn được nhà thầu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.