Vận tải

Buýt nhanh BRT ì ạch, chậm giờ chẳng khác buýt thường

03/06/2019, 14:40
image

Dù được ưu tiên làn riêng, song tốc độ di chuyển của buýt nhanh BRT rất ì ạch, thường xuyên chậm giờ do bị bủa vây bởi "rừng" phương tiện...

img
Tuyến buýt nhanh BRT 01 từ Yên Nghĩa đến Kim Mã hiện vẫn tồn tại rất nhiều bất cập, đặc biệt là tình trạng lấn làn diễn ra nhan nhản, khiến tốc độ lưu thông của BRT không khác gì buýt thường và thường xuyên bị chậm giờ

Sở GTVT Hà Nội vừa phê duyệt phương án tăng tần suất hoạt động của xe buýt nhanh BRT. Sau khi được Sở GTVT Hà Nội chấp thuận tăng tần suất tuyến buýt nhanh 01 Yên Nghĩa - Kim Mã, Xí nghiệp Xe buýt nhanh BRT đã thực hiện phương án tăng tần suất tuyến buýt nhanh BRT vào các khung giờ cao điểm.

Theo đó, buýt nhanh được tăng tần suất hoạt động trong các ngày từ thứ 2 đến thứ 7. Số chuyến tăng được phân bổ theo khung giờ cao điểm: sáng tăng 8 lượt và chiều tăng 12 lượt. Trong thời gian từ thứ 2 đến thứ 7, số lượng chuyến xe buýt BRT hoạt động sẽ được nâng lên mức 378 lượt xe/ngày, với ngày ngày Chủ nhật là 264 lượt/ngày.

Đơn vị vận hành cho biết, việc tăng tần suất buýt BRT để đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân, đặc biệt là trong giờ cao điểm, có những khung giờ lượng khách lên đến 120 người/chuyến.

Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, việc tăng tuần suất này chưa hợp lý bởi lượng khách chưa thực sự tăng cao. Quan trọng hơn, nếu không xử lý được gốc rễ là hành vi lấn làn, thì buýt nhanh khó đảm bảo yếu tố “nhanh” và hút được hành khách,...

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, việc một số phương tiện cố tình lấn làn làm giảm về chất lượng dịch vụ buýt nhanh, gây mất ATGT. Với làn riêng, buýt nhanh BRT sẽ chạy được với tốc độ 20km/h, tần suất 5 phút/chuyến, nhanh hơn hẳn so với xe buýt thông thường.

Tuy nhiên, TS. Đinh Thị Thanh Bình, giảng viên Đại học GTVT cho rằng, tần suất lưu thông của buýt nhanh của nhiều nước trên thế giới rất khá cao, 1-2 phút mỗi chuyến. Trong khi buýt nhanh của Hà Nội mới đạt tần suất 5-10 phút mỗi chuyến, do đó xe buýt nhanh hoạt động chưa hoàn toàn là BRT. Cùng đó, hạ tầng buýt nhanh ở Hà Nội chưa đạt chuẩn như thế giới, vì vậy tốc độ lưu thông chưa cao, chưa được người dân lựa chọn nhiều.

"Khi để các phương tiện chạy trên làn BRT làm ảnh hưởng tốc độ của buýt nhanh, làm cho buýt nhanh trở thành buýt thường, người dân sẽ không mặn mà", TS. Bình nói và nêu quan điểm, Hà Nội cần thiết kế tuyến BRT theo tiêu chuẩn quốc tế, nâng tốc độ xe để thu hút người tham gia giao thông.

"Cùng đó, phải xử lý nghiêm hành vi lấn làn buýt nhanh BRT. Sau khi làn BRT không bị lấn sẽ đánh giá chất lượng tuyến này, nếu lượng khách đông, nhiều người sử dụng xe cá nhân chuyển sang xe buýt nhanh sẽ tiếp tục nhân rộng còn nếu vẫn không hiệu quả như ban đầu thì để buýt nhanh thành buýt thường và trả lại làn đường cho người dân lưu thông", TS Bình nói thêm.

img
Trạm Yên Nghĩa là điểm đầu của tuyến buýt nhanh nhưng khá vắng vẻ. Lúc 7h36’ngày 30/5, PV bắt đầu lên tuyến xe buýt nhanh BKS: 29B - 148.08, khởi hành ở BX. Yên Nghĩa. Dù trong khung giờ cao điểm nhưng trên xe chỉ có 7 hành khách, chủ yếu là sinh viên. Xe phải trải qua nhà chờ thứ 6 - Mỗ Lao, lượng khách mới lên khoảng 30 khách.
img
Con số này thấp hơn nhiều mức trung bình trên một lượt xe BRT mà cơ quan chức năng công bố. Theo thống kê của Xí nghiệp buýt nhanh BRT Hà Nội, tuyến buýt BRT có sức chứa tối đa 90 hành khách/chuyến. Tổng hành khách vận chuyển năm 2018 đạt 5,3 triệu lượt và bình quân 42,6 khách/lượt.

img
Đặc biệt, tình trạng lấn làn buýt nhanh vẫn diễn ra nhan nhản và không bị xử lý khiến buýt nhanh luôn bị bủa vây bởi một "rừng" phương tiện và lưu thông không khác gì buýt thường. Lộ trình bình thường của buýt nhanh là 42 phút/ chuyến. Song thực tế, các tuyến buýt nhanh thường xuyên chậm giờ so với lịch trình.
img
Nhiều thời điểm, 2 xe buýt nhanh chạy cách nhau chưa đến 30m rất bất hợp lý. Không ít ý kiến cho rằng nếu không xử lý được “gốc” là hành vi lấn làn BRT thì xe buýt nhanh sẽ khó đảm bảo tần suất và thời gian di chuyển.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.