Vận tải

Buýt Tân Sơn Nhất- Vũng Tàu biến tướng: 7km "chém" 200.000, thu tiền tươi

13/10/2022, 09:54
image

Hành khách sân bay hỏi đi xe buýt 72-1, nhân viên nhà xe Avigo, Toàn Thắng gom khách lại rồi đưa ra khu vực bãi xe TCP đi xe hợp đồng.

Buýt Tân Sơn Nhất - Vũng Tàu biến tướng, “chặt chém" khách sân bay

Bài 1: Buýt 72-1 biến tướng thành xe hợp đồng, “chém đẹp” hành khách

Bài 2: Chiêu “kim thiền thoát xác” của Avigo, Toàn Thắng tại Tân Sơn Nhất

Khi có hành khách đặt vấn đề đi buýt 72-1 trong sân bay Tân Sơn Nhất, nhân viên nhà xe Avigo, Toàn Thắng gom khách lại rồi đưa ra khu vực bãi xe TCP để dồn lên đi xe hợp đồng.

Khách hỏi xe buýt, “dí” đi xe hợp đồng

15h30 chiều 27/9, sân bay Tân Sơn Nhất nhộn nhịp hành khách bước ra từ nhà ga quốc nội. PV Báo Giao thông đến quầy xe buýt 72-1 của Avigo tại làn B ga quốc nội. Tại đây, một nam nhân viên tên H. đang chào mời nữ hành khách đi xe.

PV hỏi: “Có xe buýt đi từ sân bay đến Điện Biên Phủ giao với Xa lộ Hà Nội không?”, anh H. nói “không có”. Suy nghĩ vài giây anh H. lại nói “có, nhưng phải đi nhiều chặng”.

Không đợi chúng tôi suy nghĩ nhiều, H. tỏ ra nhiệt tình quảng cáo nhà xe Avigo cũng có xe đi về Xa lộ Hà Nội với giá 200.000 đồng.

Khi chúng tôi đồng ý, H. thúc giục: “Theo anh để ra xe đi”.

img

Xe hợp đồng Avigo mang BKS 51B – 270.52 trả khách trên đường Điện Biên Phủ giao Xa lộ Hà Nội (quận Bình Thạnh) ngay sát biển cấm dừng, đỗ.

Theo chân H. từ quầy vé, chúng tôi băng qua khu vực nhà xe TCP để đến bãi xe. Tại đây, chiếc xe hợp đồng 18 ghế ngồi, BKS 51B - 270.52 có logo Avigo đang đợi sẵn.

Bước lên xe chưa kịp cất hành lý, ổn định chỗ ngồi, nữ nhân viên nhà xe Avigo liên tục hỏi “anh trai đi đến đâu?”, “anh trai tên gì”. Khi biết hành khách về đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), nhân viên này lóng ngóng báo giá tiền “180.000 đồng, à nhầm, 200.000 đồng” rồi chốt đơn cho lộ trình 7km này.

16h15 xe xuất phát. Thay vì đi qua làn C - dành cho xe hợp đồng, chiếc xe này băng qua làn B - dành cho xe buýt để ra khỏi sân bay Tân Sơn Nhất. Không một nhân viên an ninh nào ra hiệu lệnh ngăn chặn hoặc xử lý hành vi đi sai làn của xe Avigo.

Trên xe hợp đồng của Avigo BKS 51B - 270.52 vào chiều ngày 27/9, chúng tôi thắc mắc với nữ nhân viên phục vụ vì không có vé xe. Nữ nhân viên này trả lời: “Dạ có anh, đợi em 5 phút”. Sau đó nhân viên này đưa ra một vé xe buýt ghi ngày 25/9.

Chúng tôi chưa kịp thắc mắc, nhân viên nhà xe Avigo đã nhanh chóng quay lưng bỏ đi. Những hành khách khác trên chiếc xe này không một ai được nhân viên Avigo đưa vé.

Theo quan sát, thời điểm rời khỏi sân bay Tân Sơn Nhất, trên xe có 7 hành khách, đi qua các trục đường chính nội đô TP.HCM như: Trường Sơn - Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Hai Bà Trưng - Điện Biên Phủ.

Khi đến cầu vượt Ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh), một nam thanh niên nói bác tài cho xuống xe. Vừa qua khỏi cầu vượt, tài xế không ngần ngại đánh lái vào ngay sát biển cấm dừng đỗ để trả khách. Lúc này phương tiện tham giao thông trên đường rất đông, ngay phía sau xe Avigo là một xe cứu thương phải vội chuyển hướng.

Trên chuyến xe “buýt dù” của công ty Toàn Thắng

Theo S., tài xế tuyến buýt 72 - 1 của nhà xe Toàn Thắng, trước dịch Covid - 19 giá vé từ Tân Sơn Nhất về Vũng Tàu chỉ 160.000 đồng/lượt. Với cự ly ngắn chưa qua địa phận tỉnh Đồng Nai là 80.000 đồng. Sau dịch giá mở cửa của tuyến xe buýt này đã lên 200.000 đồng/lượt.

“Tuyến buýt 72 -1 không trợ giá nên quyền quyết định thuộc về nhà xe, không giống những xe buýt có trợ giá phải chạy theo đúng như quy định cơ quan chức năng đặt ra.

Tại làn B - nơi đón xe buýt, khi có 5 khách trở lên muốn đi, nhân viên điện thoại cho tài xế ra đón. Không đủ số lượng, nhân viên gom khách ra bãi xe, khi đủ số lượng xe mới xuất bến”, tài xế S. nói.

img

Buýt 72-1 Toàn Thắng ra khỏi sân bay 3km gom khách tại văn phòng có địa chỉ số 8 Phạm Văn Hai, phường 2 quận Tân Bình. Đây cũng chính là văn phòng xe hợp đồng của nhà xe Toàn Thắng.

Theo ghi nhận, thời điểm 15h45 ngày 29/9, xe buýt 72-1 xuất phát từ bãi xe TCP, đi qua làn B - làn xe buýt, trên xe có 7 hành khách. Từ đường Trường Sơn, tuyến buýt 72 -1 rẽ phải vào đường Phạm Văn Hai và bất ngờ dừng tại một văn phòng của công ty Toàn Thắng (số 8, Phạm Văn Hai, phường 2, quận Tân Bình).

Lúc này có 8 hành khách khác đã đứng đợi sẵn chờ lên xe. Tổng cộng trên xe lúc này được 15 hành khách. Lúc này xe Toàn Thắng lộ rõ bản chất xe “buýt dù” trá hình bằng xe hợp đồng.

Tiếp tục lộ trình, chiếc xe đi vào đường Nguyễn Trọng Tuyển ra Nguyễn Văn Trỗi đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa, rẽ trái vào Lý Chính Thắng đến đường Hai Bà Trưng rồi ra Điện Biên Phủ, đi thẳng ra Xa lộ Hà Nội.

Đến đây, chúng tôi hỏi tài xế sao không thu tiền đưa vé cho hành khách, tài xế S. nói: “Xe chạy đến trạm kiểm soát ở Long Thành mới thu tiền rồi đưa vé, còn đi chưa đến trạm thì thu tiền trực tiếp bây giờ luôn, nhưng không có vé”.

img

Tài xế buýt 72-1 Toàn Thắng thu tiền tươi hành khách trên xe với giá 200.000 đồng đi từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Mai Chí Thọ (Thành phố Thủ Đức) cho cự ly 14km vào chiều 29/9.

Đi hết đường Xa lộ Hà Nội, xe buýt 72 -1 của Toàn Thắng rẽ phải vào Mai Chí Thọ rồi trả khách xuống. Đáng nói, điểm mà tuyến buýt 72 -1 của nhà xe Toàn Thắng trả khách xuống nằm ngay dưới lòng đường chứ không phải là nhà chờ xe buýt.

Sau đó chiếc xe đi lên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây để về Thành phố Vũng Tàu. Xuyên suốt hành trình chúng tôi đi từ sân bay đến Mai Chí Thọ tuyến buýt 72 -1 của nhà xe Toàn thắng đi qua không trùng khớp hoàn toàn với lộ trình đã công bố.

Một hành khách lớn tuổi đi cùng chuyến với PV Báo Giao thông đã phải thốt lên khi nhận ra sự nhập nhèm của nhà xe này: “Không thể hiểu nổi, ai cấp phép cho loại hình buýt dù này?”.

(Còn tiếp)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.