Vận tải

Buýt Tân Sơn Nhất-Vũng Tàu biến tướng: Ngang nhiên lập bến cóc ở trung tâm

17/10/2022, 06:30
image

Xe hợp đồng Toàn Thắng liên tục đón trả khách dọc đường, thu tiền tươi, thậm chí lập bến cóc hoạt động công khai.

Buýt Tân Sơn Nhất - Vũng Tàu biến tướng, “chặt chém" khách sân bay

Bài 1: Buýt 72-1 biến tướng thành xe hợp đồng, “chém đẹp” hành khách

Bài 2: Chiêu “kim thiền thoát xác” của Avigo, Toàn Thắng tại Tân Sơn Nhất

Bài 3: Dừng đỗ bắt khách như xe dù, không ai xử lý

Xe của Công ty TNHH Toàn Thắng gắn mác xe hợp đồng nhưng liên tục đón trả khách dọc đường, lộng hành từ TP.HCM đến Vũng Tàu. Thậm chí, Toàn Thắng mở cả “bến cóc” để gom khách công khai ngay giữa trung tâm TP.HCM.

Hợp đồng miệng, tài xế xe thu tiền tươi

Liên tiếp trong hai ngày 1/10, 2/10, PV Báo Giao thông có mặt trên những chiếc xe hợp đồng 9 chỗ ngồi của nhà xe Toàn Thắng mang BKS 72B-020.93, 72B-030.07, 72B-027.39, 72B-026.15 xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất đến thành phố Vũng Tàu và ngược lại.

Chiều 2/10, chúng tôi đến quầy vé nhà xe Toàn Thắng trong nhà giữ xe TCP hỏi còn xe chạy về Vũng Tàu không, ngay lập tức, được nhân viên sắp xếp cho chỗ ngồi mà không cần phải làm thủ tục hay ký xác nhận vào hợp đồng giữa nhà xe với hành khách.

Vừa bước lên xe mang BKS 72B-020.93, tài xế liên tục hỏi từng khách về đâu, xuống đoạn nào, sau đó ghi vào một tờ giấy để nhớ điểm trả khách. Thời điểm xe xuất bến chỉ có 4 hành khách nhưng sau khi rời sân bay Tân Sơn Nhất, xe đi đến số 8, Phạm Văn Hai, phường 2, quận Tân Bình đón thêm 5 hành khách nữa. Lúc này, trên xe đã đủ 9 hành khách.

img

Tài xế trên xe hợp đồng 9 ghế ngồi có BKS 72B-027.39 liên tục hỏi từng hành khách địa chỉ để thả khách dọc tuyến.

Tài xế cho xe di chuyển theo đường Nguyễn Trọng Tuyển, Nguyễn Văn Trỗi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Hai Bà Trưng, Điện Biên Phủ. Sau đó, xe đi qua Xa lộ Hà Nội đến Mai Chí Thọ vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hướng về QL51 và dừng tại trạm kiểm soát vé xe Toàn Thắng trên QL51 thuộc địa phận TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

Tại đây, các xế xe Toàn Thắng đến quầy kiểm soát vé làm thủ tục báo cáo số lượng hành khách đi trên xe cho nhân viên. Sau đó tài xế trực tiếp thu tiền tươi của hành khách, mỗi người 200.000 đồng cho 7 ghế sau và 190.000 đồng cho 2 suất ghế trên cùng. Mọi thủ tục diễn ra một cách nhanh gọn, tài xế thu về 1.780.000 đồng.

img

Tài xế thu tiền tươi hành khách tại trạm kiểm soát vé Toàn Thắng ở Long Thành, Đồng Nai.

Thu tiền xong, tài xế liên tục hối thúc hành khách lên xe di chuyển về Vũng Tàu. Mỗi khi có khách muốn xuống xe, tài xế vội vàng tấp vào bên lề, mở cửa cho khách xuống bất cứ điểm nào, thậm chí ngay cả những đoạn đường vạch liền không được phép chuyển làn.

Cụ thể, các điểm trả khách trên những chiếc xe hợp đồng Toàn Thắng mà chúng tôi đi từ sân Bay Tân Sơn Nhất đến TP Vũng Tàu ghi nhận như QL51 tại chùa Phổ Quang (Bà Rịa – Vũng Tàu), thị xã Phú Mỹ, Bến xe Bà Rịa - Vũng Tàu và dọc khắp các tuyến đường TP Vũng Tàu như đường 30/4, Ba tháng Hai, Nam Kỳ Khởi Nghĩa…

Xe hợp đồng nhưng dọc đường lại “về đâu anh ơi?”

Chiều 1/10, PV lên xe Toàn Thắng đi từ Vũng Tàu về sân bay Tân Sơn Nhất. Thời điểm chúng tôi lên xe BKS 72B-030.07 tại đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP Vũng Tàu, trên xe chỉ có 1 hành khách. Tài xế cho xe chạy vòng theo các đường như Trần Đồng, Trương Công Định, Thống Nhất, Lê Lai đến Nguyễn Văn Trỗi dừng lại đón thêm 2 hành khách.

Tiếp đó, tài xế đi đến ngã ba đường Nguyễn Thái Học - Paster đón thêm 1 hành khách rồi đi theo đường Ngô Đức Kế ra Tô Thất Tùng, Nguyễn Tri Phương, ra lại đường Nguyễn Thái Học rồi di chuyển đến đường Nguyễn An Ninh, 30/4 vào Bến xe Bà Rịa - Vũng Tàu đón thêm thêm 2 khách. Trên xe BKS 72B-030.07 lúc này mới chỉ có 8 hành khách, vẫn còn một ghế trống.

img

Hành khách lên xe tại một điểm trên đường Nguyễn Văn Trỗi (TP. Vũng Tàu) mà không hề có hợp đồng.

Để lấp đầy hành khách, tài xế trên xe BKS 72B-030.07 liên tục chèo kéo, bắt khách dọc đường với những cầu chào mời truyền thống: “Về đâu anh ơi?”, “Có đi Sài Gòn không nè?”, “Sài Gòn không, lên xe đi em”. Sau một hồi kiên trì, tài xế đã “chốt” thành công một hành khách trên QL51.

Khi đã đủ khách, tài xế cho xe chạy dọc QL51 và dừng tại trạm kiểm soát vé Toàn Thắng tại Ấp Đất Mới, xã Long Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai báo cáo số lượng hành khách và thu tiền tươi.

img

Xe Toàn Thắng trả khách xuống ngay lòng đường Trường Sơn, quận Tân Bình. Trong khi đó, tuyến đường này là cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, cấm dừng, cấm đậu từ 6h-22h các ngày.

Sau đó, xe chạy về cao tốc TP.HCM – Long Thành - Dầu Giây vào TP.HCM đi vòng theo đường Mai Chí Thọ, Xa lộ Hà Nội, Điện Biên Phủ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến Nguyễn Văn Trỗi, tài xế đánh lái vào lề đường cho 1 hành khách xuống xe.

Tiếp đó, xe Toàn Thắng dừng lại cho 7 hành khách trên xe lần lượt xuống các điểm trên đường Trường Sơn mặc dù tuyến đường cấm dừng, cấm đậu từ 6h - 22h các ngày. Cuối cùng, tài xế lái xe vào bãi xe của nhà xe TCP trong sân Tân Sơn Nhất.

Khoảng 16h30 chiều 13/10, PV Báo Giao thông tiếp tục quay lại tại làn B ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất. Tại quầy tư vấn buýt 72-1 các nhân viên nhà xe Avigo, Toàn thắng lúc ẩn lúc hiện và đến 18h không còn thấy bóng dáng những nhân viên buýt 72-1 tại quầy vé.

Hơn 3 giờ đứng đợi đón buýt 72-1 tại làn B nhưng chỉ có duy nhất một chuyến của nhà xe Toàn Thắng vào làn B ga quốc nội đón khách mang BKS 72B 030.43 vào lúc 18h30.

Lúc này, tài xế buýt 72-1 vừa cho xe vào khu vực đón khách, ngay lập tức có một nhân viên nhà xe Toàn Thắng đi từ trong nhà xe TCP dẫn 2 nam hành khách đi theo sau và bước lên xe.

Sau đó nhân viên nhà xe Toàn Thắng ghi thông tin vào một tờ giấy đưa cho tài xế. Xe dừng khoản 3 phút, nam nhân viên rời đi, tài xế đóng cửa xe lại và di chuyển ra khỏi sân bay Tân Sơn Nhất.

Mở bến cóc giữa trung tâm TP.HCM

Không chỉ hoạt động trá hình xe hợp đồng, Công ty TNHH Toàn Thắng còn mở hẳn bến cóc ngay tại trung tâm TP.HCM để gom khách trong suốt thời gian dài, gây ra cảnh bát nháo trên tuyến đường Nguyễn Thái Bình, quận 1.

Chiều 3/10, PV có mặt tại bến cóc tại địa chỉ số 21-23 Nguyễn Thái Bình và ghi nhận, chỉ hơn 2 giờ nhưng có hơn chục chiếc xe Toàn Thắng loại limousine dán chữ "xe hợp đồng" ra, vào đón trả khách và chở hàng hóa liên tục.

Cảnh tượng này khiến tuyến đường Nguyễn Thái Bình trở thành “bến” của nhà xe Toàn Thắng. Cụ thể các xe này bao gồm: BKS 72B-018.74, 72B-027.27, 72B-021.76, 72B-028.46, 72B-015.72, 72B-010.24, 72B-020.82, 72B-013.56, 72B-016.33, 72G-000.85, 72G-000.77, 72F-000.85.

img

Xe Toàn Thắng gom khách ngay trên đường Nguyễn Thái Bình. Liên tiếp 2 ngày không thấy bóng dáng CSGT quận 1 xử lý. Một người dân sống gần "bến cóc" này cho biết, tình trạng này không phải chỉ mới xảy ra một vài tháng mà là đã... nhiều năm. (?)

Trung bình chưa đến 5 phút, các xe này lần lượt vào đón trả khách, chở hàng. Có thời điểm 3 xe đi đến cùng lúc, đậu dưới lòng đường Nguyễn Thái Bình. Các con đường lân cận như Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Thị Hồng Gấm (quận 1) cũng biến thành nơi dừng, đỗ cho nhà xe Toàn Thắng để xếp tài đến lượt vào bến cóc.

Mặc dù, hoạt động bát nháo của nhà xe Toàn Thắng trên đường Nguyễn Thái Bình được diễn ra công khai nhưng PV ghi nhận không hề có bóng dáng lực lượng chức năng nào xuất hiện xử lý.

Các tuyến đường xe Toàn Thắng thường xuyên đón trả khách bừa bãi chủ yếu rơi vào địa bàn tuần tra quản lý của Đội CSGT công an quận 1, Đội CSGT Bến Thành và Đội CSGT Tân Sơn Nhất (thuộc Phòng CSGT TP.HCM).

Theo luật sư Đỗ Duy Khang (Đoàn Luật sư TP.HCM), đối với trường hợp nhân viên xe buýt thu tiền khách đi xe nhưng không phát vé (như loạt bài mà Báo Giao thông đã phản ánh) là vi phạm quy định của pháp luật.

“Việc các xe buýt không giao vé cho hành khách đi xe khi thu tiền dẫn đến không có căn cứ để tính được doanh thu của doanh nghiệp vận hành xe buýt, từ đó Nhà nước không thể thu thuế được, ngân sách Nhà nước bị thất thu tiền thuế mà các xe này phải nộp ngân sách (thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế khoán)”, luật sư Khang nói.

Theo luật sư, việc thu tiền khi khách đi xe buýt nhưng không phát vé có thể bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 100. Cụ thể mức phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với nhân viên phục vụ trên xe vận chuyển hành khách theo tuyến cố định thực hiện hành vi thu tiền vé nhưng không trao vé cho hành khách, buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

“Nội dung mà Báo Giao thông phản ánh cho thấy các nhà xe hoạt động theo loại hình xe buýt, nhưng lại lợi dụng để chạy xe hợp đồng, không đúng giấy phép.

Việc doanh nghiệp đăng ký kinh doanh vận tải theo loại hình xe buýt, nhưng lợi dụng để chạy xe hợp đồng là hành vi thực hiện không đúng hình thức kinh doanh đã đăng ký trong giấy phép kinh doanh vận tải. Hành vi này sẻ bị xử phạt từ 20.000.000 đồng đến 24.000.000 đồng.

Ngoài phạt tiền, doanh nghiệp còn bị phạt bổ sung bằng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh vận tải từ 1 đến 3 tháng”, luật sư cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.