Vận tải

Buýt TP.HCM sẽ “mở cửa” với người khuyết tật

12/09/2017, 10:15

Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM vừa mời người khuyết tật dùng xe lăn trải nghiệm...

11

Tiếp viên xe buýt đẩy xe lăn hỗ trợ người khuyết tật

Xe buýt vẫn “bỏ quên” người khuyết tật

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đặng Hưng Long (người khuyết tật phải dùng xe lăn) cho rằng, khó khăn lớn nhất với người khuyết tật nằm ở thiết kế cửa lên, xuống của xe buýt.

“Vì là thiết kế bậc thang nên người sử dụng xe lăn không thể tự lên xe buýt mà buộc phải nhờ sự hỗ trợ của các nhân viên phụ xe. Điều này thực sự rất bất tiện. Đó là chưa nói đến việc nhiều nhân viên chưa hiểu về việc chăm sóc người khuyết tật, hỗ trợ không đúng cách, nhiều lúc khiến người khuyết tật bị đau và thường có cảm giác lo sợ mỗi khi đi xe buýt”, ông Long nói.

Cũng theo ông Long, thái độ phục vụ của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe cũng là điều đáng bàn. “Lái xe và tiếp viên phục vụ cần được thay đổi, tránh thái độ kỳ thị với người khuyết tật để họ không cảm thấy mặc cảm”, ông Long nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, sinh viên khuyết tật Phan Thị Kim Vân (trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) cho rằng, thành phố nên quan tâm, hỗ trợ người khuyết tật đi xe buýt bằng cách chỉnh trang nhà chờ, trạm dừng xe buýt thân thiện hơn với người khuyết tật. Phải làm sao để xe có thể lăn lên được chứ hiện nay các trạm dừng, đón đều rất cao, không có chỗ để leo lên xe buýt. Người khuyết tật muốn lên xe buýt phải nhờ người khiêng lên, vô cùng bất tiện. Ngoài ra, tại các trạm chờ nên gắn các hệ thống đèn báo. Khi người khuyết tật đón xe sẽ sử dụng đèn giúp tài xế nhận ra và dừng xe thuận lợi hơn. “Em thường xuyên đi xe buýt tuyến số 30 và 52, may mắn gặp các bác tài xế rất tốt bụng giúp đỡ nhiệt tình mà không phân biệt đối xử”, Vân nói thêm.

Chỉnh trang nhà chờ, tạo lối lên xuống an toàn

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành VTHKCC cho biết, TP.HCM là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước có chính sách miễn vé xe buýt cho người khuyết tật.

Theo thông tin của Báo Giao thông, từ giữa năm ngoái, TP.HCM đã triển khai chính sách hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận sử dụng xe buýt thông qua việc miễn vé. Trong tổng số 2.783 xe buýt trên địa bàn TP (ngoại trừ 302 xe 12 chỗ), còn lại 2.481 xe đều bố trí ghế dành riêng cho người khuyết tật. Các xe buýt cũng đã có thiết bị nâng - hạ thuận lợi cho hành khách khuyết tật sử dụng. Bên cạnh đó, tại 350/497 nhà chờ xe buýt (chiếm 70,4% tổng số nhà chờ) đã được cải tạo lối lên - xuống thuận lợi cho người khuyết tật sử dụng xe lăn tiếp cận. Đặc biệt, Sở GTVT đã cấp 11.017 thẻ đi xe buýt miễn phí cho những người được hưởng chính sách như thương, bệnh binh. Ngoài ra, các nhân viên xe buýt đều được đào tạo kỹ năng hỗ trợ người khuyết tật đi xe buýt.

Đối với người khuyết tật dùng xe lăn, thành phố đã trang bị 50 xe có thiết bị nâng hạ. Tuy nhiên, trên thực tế số người khuyết tật sử dụng xe lăn chiếm rất nhỏ, chủ yếu là những người khiếm thính, khiếm thị, khuyết tật một chân, tay… sử dụng xe buýt. Với những người này, trên xe buýt đều có ghế ưu tiên dành riêng.

Ông Trung cũng thừa nhận với những phương tiện đã đầu tư trước đó, bậc lên - xuống còn cao gây khó khăn cho người khuyết tật. Tuy nhiên, tại đề án đầu tư thay mới 1.680 phương tiện, trung tâm đã lưu ý đến việc đầu tư 300 xe buýt CNG sàn thấp, tạo thuận lợi cho người khuyết tật sử dụng.

Về hạ tầng phục vụ người khuyết tật, ông Trung cho biết trung tâm đã đề xuất với Sở GTVT cải tạo 300 nhà chờ xe buýt phục vụ tốt hơn cho người khuyết tật đi xe lăn, người cao tuổi. Bên cạnh đó, trung tâm sẽ quy định số lượng phương tiện mới có trang bị thiết bị trên từng tuyến cụ thể, đặc biệt là các tuyến có lộ trình lưu thông qua các khu vực có nhiều người khuyết tật đi lại cùng với các chính sách khuyến khích, hỗ trợ cụ thể để các doanh nghiệp vận tải đầu tư theo lộ trình quy định.

“Đối với đề xuất của người khuyết tật nên gắn đèn báo tại các trạm chờ để tài xế nhận ra dễ dàng hơn, trung tâm sẽ nghiên cứu và triển khai thí điểm tại một vài trạm có nhiều người khuyết tật sử dụng”, ông Trung nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.