Vận tải

“Buýt VIP” Đà Nẵng hút khách

24/10/2018, 09:00

Gần 2 năm đi vào hoạt động, xe buýt trợ giá Đà Nẵng đã tạo thói quen sử dụng xe buýt cho người dân...

10

Xe buýt trợ giá Đà Nẵng dần tạo được thói quen đi xe buýt cho người dân

Hút khách bằng chất lượng, giá bình dân

Trung tuần tháng 10/2018, PV làm hành khách trên xe buýt trợ giá để trải nghiệm sự thay đổi sau gần 2 năm đi vào hoạt động của loại phương tiện vận tải này. Bước lên xe buýt số 7 tuyến Xuân Diệu - Phạm Hùng, các thao tác đón, trả khách diễn ra suôn sẻ, thuận tiện. Qua một số tuyến đường, hành khách đã đông nghịt, không còn một ghế trống. Nhân viên phục vụ trên xe cho biết, lượng khách đi xe buýt tăng lên từng ngày. Không chỉ người đi làm mà học sinh, sinh viên đi xe buýt ngày càng đông.

Bà Lê Thị Ngọc Lan thường xuyên đi lại bằng xe buýt chia sẻ, xe buýt trợ giá tiện lợi và văn minh. Nhân viên, tài xế nhã nhặn lịch sự, tận tình với khách. “Xe mới sạch sẽ đi lại thoải mái, không sợ say xe, nhân viên xe thường xuyên đến khách. Tài xế lái xe cẩn thận, không phóng nhanh vượt ẩu như các xe buýt chợ trước đây. Đi xe này tôi rất yên tâm về sự an toàn”, bà Lan chia sẻ.

Ghi nhận của PV, vào những khung giờ cao điểm, các tuyến xe buýt trợ giá hầu như luôn cũng kín chỗ. Mỗi lần xe buýt qua các trường học, cả chục học sinh đứng ở các điểm dừng để lên xe.

Tương tự, PV lên xe buýt trợ giá số 5 tuyến Xuân Diệu - Nguyễn Tất Thành - Hòa Hiệp Nam BKS 43B-030.74. Xe tấp vào điểm dừng tại nhà chờ xe buýt trên đường Xuân Diệu. Tiếng chuông báo vang lên, cánh cửa tự động mở, hành khách lên xe theo hướng dẫn của nhân viên xe buýt.

Bước lên xe, nam nhân viên với đồng phục, bảng tên hướng dẫn hành khách ngồi vào những chiếc ghế bọc da mới. Cửa kính trong vắt, tay vịn sạch bóng, máy điều hòa phả vào người mát lạnh. Phía trên được bố trí tivi để hành khách giải trí. Hành khách yên vị, nhân viên xe buýt bắt đầu xuất vé, giá vé toàn tuyến được quy định là 5 nghìn đồng.

Chiếc xe buýt tiến thẳng ra đường 3 tháng 2 rồi qua các tuyến Trần Phú - Quang Trung - Trần Cao Vân - Dũng Sĩ Thanh Khê - Lý Thái Tông... theo lịch trình định sẵn. Đến mỗi điểm dừng trên hành trình, tài xế chậm rãi đánh lái vào vạch kẻ sẵn, bấm nút cửa tự động mở đón khách. Mọi hoạt động đón, trả khách trên khắp hành trình diễn ra bài bản, lịch sự.

Tiếp tục đầu tư xe buýt hiện đại

Theo Sở GTVT Đà Nẵng, từ tháng 12/2016, đơn vị này đã khai trương 5 tuyến xe buýt trợ giá với số lượng 61 xe, tần suất hoạt động 10 phút/chuyến giờ cao điểm và 20 phút/chuyến giờ bình thường. Thời gian hoạt động trong ngày từ 5h30 - 21h. Một tuyến xe buýt miễn phí TMF (đưa vào hoạt động từ tháng 6/2017).

CÁN BỘ NÊU GƯƠNG DÙNG XE BUÝT

Theo Sở GTVT Đà Nẵng, để vận động cán bộ công chức của thành phố sử dụng phương tiện công cộng, Sở đã tham mưu UBND thành phố tổ chức khảo sát nhu cầu đi lại tại các trung tâm hành chính, cơ quan đơn vị đóng trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở đó, đã điều chỉnh lộ trình tuyến xe buýt cho phù hợp với các điểm thu hút khách. Đồng thời, tham mưu UBND thành phố ban hành Đề án Phát động cán bộ công chức, người lao động tham gia giao thông bằng xe buýt. Đồng thời, phối hợp với Ban ATGT thành phố đề nghị thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố tổ chức phổ biến rộng rãi và vận động toàn thể cán bộ, công chức, người lao động đi làm bằng xe buýt; phát tờ rơi đến từng bàn CBCNVC; đăng thông tin về các tuyến buýt trên trang website của Sở GTVT TP Đà Nẵng; tổ chức làm thẻ vé tháng để cán bộ công chức sẵn sàng tham gia đi xe buýt trợ giá...

Theo thống kê của Trung tâm Điều hành Đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng TP Đà Nẵng (Datramac), từ thời điểm bắt đầu hoạt động cho đến tháng 6/2018, sản lượng hành khách sử dụng dịch vụ xe buýt trợ giá đạt 3,6 triệu lượt hành khách. Trong đó, sản lượng hành khách trong năm 2017 đạt 2,1 triệu lượt hành khách, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng tháng đạt khoảng 16,5%. Sản lượng hành khách trong 6 tháng đầu năm 2018 là 1,5 triệu lượt khách, đạt khoảng 70% sản lượng cả năm 2017. Riêng tuyến buýt TMF, sản lượng hành khách 6 tháng đầu năm 2018 đạt trên 54.000 lượt hành khách. Tuy lượng khách tăng nhưng giá vé các tuyến buýt trợ giá vẫn giữ nguyên. Theo đó, vé mỗi lượt là 5 nghìn đồng. Vé tháng 90 nghìn đồng. Đặc biệt, các đối tượng học sinh, sinh viên khi mua vé tháng chỉ 45 nghìn đồng.

Ông Bùi Thanh Thuận, Phó giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng cho biết, xe buýt trợ giá có chất lượng tốt, hình thức đẹp, kích cỡ hợp lý, sạch sẽ thoáng mát, có hệ thống bảng điện tử chạy chữ đưa thông tin, có hệ thống loa, tivi đầy đủ trong xe; đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe nhiệt tình, thân thiện.

“Tuy nhiên, hiện tại số lượng các tuyến xe buýt trợ giá chưa đủ để phủ kín mạng lưới, do vậy việc tiếp cận, sử dụng xe buýt của người dân chưa được thuận lợi, người dân chưa có thói quen sử dụng dịch vụ xe buýt để làm phương tiện di chuyển, đi lại”, ông Thuận cho biết.

Cũng theo ông Thuận, quy hoạch vận tải hành khách bằng xe buýt TP Đà Nẵng giai đoạn năm 2013 - 2020 định hướng năm 2030, trong giai đoạn năm 2015 - 2020 thành phố sẽ đầu tư 20 tuyến buýt. Trong đó có 2 tuyến xe buýt nhanh BRT; 3 tuyến buýt tiêu chuẩn dịch vụ BRT; 15 tuyến buýt thường. Giai đoạn năm 2020 - 2025, mạng lưới vận tải hành khách bằng xe buýt TP Đà Nẵng bao gồm 26 tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt. Trong đó, có 4 tuyến BRT, 3 tuyến buýt tiêu chuẩn dịch vụ BRT, 19 tuyến buýt thường. Định hướng đến năm 2030 mạng lưới vận tải hành khách bằng xe buýt tại Đà Nẵng sẽ bao gồm 4 tuyến xe buýt nhanh BRT, 3 tuyến buýt chạy tiêu chuẩn dịch vụ BRT, 21 tuyến buýt thường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.