Vận tải

Buýt VIP Đà Nẵng nỗ lực hút khách bằng smartphone

22/02/2017, 16:25

Ứng dụng khoa học công nghệ, lập phần mềm tương thích hành khách... là những nỗ lực Đà Nẵng đang thực hiện...

9

Qua 2 tháng triển khai, 5 tuyến xe buýt mới có trợ giá của Đà Nẵng vẫn thưa khách

Ứng dụng khoa học công nghệ, lập phần mềm tương thích hành khách... là những nỗ lực Đà Nẵng đang thực hiện để tạo nhiều tiện ích giúp thay đổi thói quen sử dụng phương tiện công cộng và hút khách cho các tuyến buýt VIP, giá bình dân.

Khởi đầu nan

Chiều 16/2, PV Báo Giao thông đón xe buýt số 11 hướng siêu thị Lotte (quận Cẩm Lệ) đến Xuân Diệu (quận Hải Châu). Đây là một trong 5 tuyến xe buýt có trợ giá vừa được Sở GTVT TP Đà Nẵng đưa vào vận hành cuối năm 2016. Bước lên xe, hành khách cảm nhận không gian thoáng mát, sạch sẽ, máy điều hòa mở suốt tuyến và thái độ niềm nở của nhân viên. Tuyến buýt này chạy qua nhiều khu dân cư, địa điểm đông người như: Chợ Cồn, Bệnh viện Mắt, siêu thị Lotte, Đại học Đông Á… Tuy nhiên, suốt lộ trình xe chạy, các hàng ghế đều thưa khách.

Bà Lê Thị Tâm (61 tuổi, trú tại phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) cho biết, đi xe rất thoải mái. Mỗi ngày bà đều đặn đón xe buýt để đến chợ Cồn mua thức ăn. Tại các điểm dừng đỗ, nhân viên hướng dẫn tận tình nên không sợ đi quá đường. Xe chất lượng cao nhưng giá vé chỉ 5.000 đồng. “Tôi mua vé tháng 90.000 đồng. Nhiều hàng xóm cũng theo tôi để đón xe buýt. Cái chính là người dân vẫn còn dè dặt với loại phương tiện này nhưng đi rồi sẽ thấy rất tiện ích”, bà Tâm chia sẻ.

Theo nữ nhân viên xe buýt số 11, tuyến này thường chỉ đông vào 2 khung giờ đầu buổi sáng và cuối buổi chiều khi học sinh, sinh viên đến trường và tan học. “Giá vé cho các em giảm 50%, chỉ 45.000 đồng/vé tháng nên lượng đi rất đông. Nhiều khi đứng kín cả xe. Tuy nhiên, ngoài giờ đó ra, khách đi không nhiều”, nữ nhân viên nói.

Gần 3 tháng đưa vào vận hành, 5 tuyến xe buýt trợ giá của Đà Nẵng thay đổi hoàn toàn “định kiến” về xe buýt bởi chất lượng phương tiện, cung cách phục vụ, tiện ích… Tuy nhiên, trước thực trạng vắng khách hiện nay, để xe buýt đến với đại đa số người dân vẫn cần lộ trình dài hơn. Theo thống kê của Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng (Sở GTVT, quản lý các tuyến xe buýt), đến nay, 5 tuyến xe buýt trợ giá đã thực hiện gần 30.000 lượt xe, vận chuyển gần 130.000 lượt khách (chưa kể khách đi vé tháng). Tính bình quân chỉ 4,2 lượt hành khách/lượt xe.

Cách nao hút khách?

Kết quả hoạt động của xe buýt còn thấp so với những đánh giá tích cực về tuyến buýt mới, theo ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT phân tích: Việc triển khai 2 công trình giao thông lớn với tổng số vốn gần 300 tỷ đồng tại nút giao thông phía Tây cầu Sông Hàn và Nguyễn Tri Phương khiến 4/5 tuyến xe buýt phải điều chỉnh lộ trình. Trong khi đó, đây hầu hết là tuyến đi vào trung tâm thành phố, qua các khu dân cư nên chưa thực sự thu hút khách.

Theo đó, lộ trình xe chạy tuyến mới phải “né” nhiều công sở, cơ quan hành chính. Đặc biệt, hiện tuyến xe buýt VIP chưa thể tiếp cận sâu khu vực Trung tâm hành chính Đà Nẵng - nơi có 16.000 công chức, viên chức đang làm việc cùng hàng trăm người dân đến liên hệ hàng ngày, kéo theo chủ trương vận động cán bộ công chức gương mẫu đi xe buýt chưa thể thực hiện.

Theo quy hoạch, đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ có hai tuyến xe buýt nhanh (BRT), ba tuyến tiêu chuẩn dịch vụ BRT và 15 tuyến buýt thường. Đến năm 2030, sẽ có 28 tuyến xe buýt, gồm: 4 tuyến BRT, 3 tuyến tiêu chuẩn BRT và 21 tuyến buýt thường. Các tuyến xe buýt sẽ phủ sóng hầu hết khu vực trong thành phố, đi qua 6 quận và một huyện.

Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng hàng đầu nằm ở nhận thức, thói quen của người dân. Thực tế, người dân Đà Nẵng chưa thực sự mặn mà với xe buýt với ý nghĩ loại hình vận tải công cộng này cũ kỹ, lạc hậu, mất nhiều thời gian nên ưu tiên phương tiện cá nhân. Để thay đổi thói quen này cần thời gian nhất định.

Để buýt VIP Đà Nẵng hút khách, theo ông Lê Nam Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng Đà Nẵng, sau thời gian thí điểm, Đà Nẵng sẽ thay đổi một số vị trí lộ trình, điểm dừng đỗ cho phù hợp. Đặc biệt, khi công trình hầm phía Tây cầu sông Hàn hoàn thành (dự kiến, trước 29/3) và xong công trình hầm chui Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương (dự kiến 30/4), đơn vị sẽ điều chỉnh lộ trình phù hợp nhu cầu đi lại cán bộ, công chức, viên chức của lực lượng công an, quân sự và các ngành sau khi tổng hợp thông tin...

Bên cạnh đó, Sở GTVT Đà Nẵng đang phối hợp cùng Sở TT&TT xây dựng ứng dụng xe buýt miễn phí trên smartphone. Dự kiến đến 30/4, ứng dụng này sẽ ra mắt. Trước đó, Đà Nẵng cũng triển khai việc nhắn tin đến tổng đài. Người dùng chỉ cần nhắn tin vị trí của mình vào hệ thống, tổng đài sẽ thông báo vị trí trạm xe buýt gần nhất, lộ trình xe và thời gian xe đến.“Các ứng dụng này chúng tôi thiết kế để cho người dân không có nhiều kiến thức CNTT vẫn có thể sử dụng”, ông Lê Nam Sơn cho biết.

Ngoài ra, trung tâm cũng gửi thông tin các tuyến xe buýt mới đến hơn 30.000 thuê bao di động, 61.000 thuê bao Zalo, 10.000 tờ rơi và dự kiến thêm 20.000 tờ nữa trong thời gian tới. Với những hành khách có nhu cầu đi vé tháng, bên cạnh việc phát hành ngay trên xe, đơn vị này cũng đã xây dựng gần 30 địa điểm bán vé xe buýt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.