Chất lượng sống

C2, Rồng đỏ nhiễm chì: URC phải bồi thường cho người uống?

02/06/2016, 13:04
image

URC có hay không có trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng đã sử dụng sản phẩm C2, Rồng đỏ nhiễm chì?

c2, rong do

Sản phẩm C2, Rồng đỏ nhiễm chì bị thu hồi và tiêu hủy.

PV Báo Giao thông đã liên hệ với bà Nguyễn Thiên Hương, Phụ trách truyền thông của URC Việt Nam để đề nghị đơn vị này thông tin về trách nhiệm đối với người tiêu dùng khi sản xuất, bán sản phẩm C2, Rồng đỏ có hàm lượng chì vượt phép. Bà Hương cho biết sẽ chuyển câu hỏi đến "bộ phận có trách nhiệm trả lời". Tuy nhiên, hiện PV vẫn chưa nhận được hồi âm.

Ngày 31/5, Thanh tra Bộ Y tế đã ra quyết định xử phạt Công ty URC Hà Nội số tiền gần 6 tỷ đồng cho các vi phạm trong vụ sản phẩm C2, Rồng đỏ nhiễm chì. Đáng chú ý là trong quyết định xử phạt URC có ghi rõ: "Tổng giá trị hàng hóa vi phạm đã xuất bán không thu hồi được là 3.875.244.610 đồng". Theo quy đổi thì có tới hàng triệu sản phẩm C2, Rồng đỏ nhiễm chì không thu hồi được.

Số sản phẩm C2, Rồng đỏ không thu hồi được theo ước tính rất lớn. Điều này có nghĩa rất nhiều người tiêu dùng đã sử dụng sản phẩm nhiễm chì và có nguy cơ bị "đầu độc". Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, URC mới chỉ bị buộc khắc phục điều kiện kho bảo quản và thu hồi tối đa 2 lô sản phẩm trên trước ngày 10/6/2016. Vậy, hàng chụ, hàng trăm ngàn người dân đã sử dụng sản phẩm nhiễm chì sẽ ra sao?

Để làm rõ hơn về trách nhiệm của URC và quyền lợi người tiêu dùng, Báo Giao thông đã có trao đổi với luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn luật sư TP Hà Nội).

Theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra Bộ Y tế ngày 31/5 có ghi rõ "Tổng giá trị hàng hóa vi phạm đã xuất bán không thu hồi được là 3.875.244.610 đồng". Quan điểm của luật sư về vấn đề này như thế nào?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Theo cá nhân tôi, con số nêu trên trong quyết định của Thanh tra Bộ Y tế thực sự là khủng khiếp. Bởi lẽ, với gần 4 tỷ đồng sản phẩm không thu hồi được thì có nghĩa là hàng triệu đơn vị sản phẩm có thể đã được người dân tiêu thụ. Tức là hàng triệu người có thể đã dung nạp một lượng chì vượt mức cho phép vào cơ thể. Mà tôi tin rằng, đa số trong những người đã dùng các sản phẩm này là trẻ em và thanh thiếu niên.

Như vậy, sự việc đã không dừng lại trên các quyết định xử phạt hành chính, không còn là những con số mà thực sự đã là mối nguy hiểm cho toàn xã hội nói chung và cho những người đã sử dụng các sản phẩm của URC nói riêng.

c2-rong-do-nhiem-chi

Hàng triệu sản phẩm C2, Rồng đỏ nhiễm chì không thể thu hồi.

Nhiều độc giả thắc mắc rằng những người đã mua, đã uống loại sản phẩm C2, Rồng đỏ nhiễm chì thì có được bồi thường hay không và trách nhiệm của URC trong vụ việc này như thế nào?

Theo quy định của pháp luật về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như trách nhiệm xã hội của đơn vị sản xuất và đạo đức trong kinh doanh thì URC không thể tránh khỏi trách nhiệm đối với toàn bộ số sản phẩm khuyết tật không thể thu hồi nêu trên. URC không thể có bất kỳ lý do gì để biện minh cho trách nhiệm của mình trong trường hợp này.

Việc nên làm của URC lúc này là cần phải ngay lập tức và bằng mọi cách tiếp tục thu hồi sản phẩm còn trôi nổi trên thị trường; thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và phối hợp với các đơn vị chuyên môn về y tế để khám, kiểm tra sức khỏe cho những người đã sử dụng các sản phẩm C2 và Rồng đỏ trong thời gian 2 lô sản phẩm nhiễm chì xuất bán đến nay.

Ngoài ra, việc dung nạp quá hàm lượng chì cho phép vào cớ thể người có thể dẫn tới việc ngộ độc chì ngay lập tức hoặc có thể có những ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng trong một thời gian dài và không phải ai cũng có thể phát hiện ngay ra các biểu hiện của hiện tượng "ngộ độc chì" được. Vì vậy, theo tôi, những người thường xuyên sử dụng các sản phẩm C2 và Rồng đỏ thuộc các lô sản xuất trên hoặc nghi ngờ mình đã sử dụng các sản phẩm đó cần phải nhanh chóng đến các cơ quan y tế chuyên môn để tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán liên quan đến ngộ độc chì, trong trường hợp lượng chì vượt mức cho phép thì cần phải có sự can thiệp kịp thời của các liệu pháp y khoa trong việc giải độc chì. Tránh những tổn thương đáng tiếc có thể gây ra về sau này.

Được biết, việc người tiêu dùng chứng minh thiệt hại hoặc bị nhiễm chì từ các sản phẩm nói trên rất khó. Nhưng nếu có thể chứng minh được thì trách nhiệm của URC sẽ như thế nào thưa ông?

Trong trường hợp người tiêu dùng chứng minh được mình bị nhiễm chì từ các sản phẩm C2 và Rồng đỏ thì URC phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại liên quan đến chi phí khám, chẩn đoán ban đầu, chi phí điều trị, phục hồi chức năng, chi phí đi lại, chi phí bị mất do phải nằm điều trị của người bệnh và của người chăm sóc bệnh nhân... và các chi phí hợp lý khác (nếu có).

Đồng thời, URC còn có thể bị buộc bồi thường đối với tổn thất về tinh thần trong trường hợp các sản phẩm khuyết tật của mình gây ra thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản đối với người tiêu dùng theo đúng quy định của pháp luật dân sự về bồi thường thiệt hại.

LOTTE Mart tạm dừng kinh doanh C2 và Rồng Đỏ

Nhiều siêu thị dừng lưu thông sản phẩm C2, Rồng đỏ trong diện thu hồi.

Việc thu hồi số sản phẩm giá trị gần 4 tỷ đồng nói trên gần như không khả thi. Vậy thì URC nói riêng và các cơ quan chức năng nói chung cần phải làm gì?

Tôi cho rằng, với số lượng sản phẩm khuyết tật không thể thu hồi lớn như vậy có thể có khả năng gây ra tác hại rất lớn tới cộng đồng. Chính vì vậy, đây có lẽ không phải là việc của riêng URC nữa. Chính phủ, các bộ ban ngành có liên quan cần phải có sự chỉ đạo, giám sát đối với quá trình thực hiện công tác phòng ngừa và giảm bớt tác hại của hiện tượng ngộ độc chì có thể xảy đến với hàng triệu người dân.

Hơn ai hết, với trách nhiệm pháp lý của mình, với lương tâm đạo đức trong kinh doanh, URC - những người tạo ra các "sản phẩm nguy hiểm" này cần phải có động thái tích cực nhất để hạn chế và khắc phục đối với những thiệt hại này.

Sau thời điểm 1/7/2016, những hành vi vi phạm tương tự như của URC sẽ chính thức bị xem là tội phạm theo Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù và còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm.

Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, URC vẫn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng khi họ bị thiệt hại do các sản phẩm khuyết tật của mình gây ra.

 Xem thêm video URC Việt Nam nói gì về nghi án hối lộ báo chí trong vụ C2, Rồng đỏ nhiễm chì:

 (Nguồn: VTC)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.