Ẩm thực

Cà cuống, con vật hiện thân của triết lý sâu xa

13/12/2015, 16:33

Cà cuống, một con vật ẩn mình dưới bùn đen, vừa là biểu tượng, vừa là hiện thân của những triết lý sâu sắc.

Ca Cuong
Ảnh minh họa.

Bạn tôi, một người nổi tiếng sành ăn quà ở đất Hà Thành, rủ tôi đi ăn bánh cuốn ở một tiệm nổi tiếng. Bằng thứ giọng khá kẻ cả, anh bảo nhà hàng cho thêm mỗi bát nước chấm một con cà cuống. Tôi đã định mắt tròn mắt dẹt, thì thấy anh cao hứng giảng giải: Chỉ ở đây là còn cà cuống thật. Chứ cái loại tinh dầu đựng trong lọ, mua của Thái Lan, trăm phần trăm là hóa chất. Tôi cứ ngồi yên để xem chuyện gì xảy ra.

Nhà hàng nhanh tay cắt thêm vào bát nước chấm của chúng tôi mỗi bát một con… cà cuống mình khô đét, mầu nhợt nhạt như làm bằng nhựa, bán 50 ngàn đồng một con (ấy là đã ăn lãi già nửa so với giá mua buôn). Mùi tinh dầu cà cuống sực lên. Thấy tôi bán tín bán nghi, anh giục: Ông khỏi lăn tăn đi, mồm tôi không đến nỗi tồi đâu.

Tôi không dám bảo mồm anh tồi, nhưng cái con cà cuống kia mà bảo tôi yên tâm là cà cuống thì trời sập tôi cũng không chịu! Nó là cái xác cà cuống, loại nuôi theo kiểu công nghiệp, sau đó ngâm vào hóa chất có mùi tinh dầu cà cuống và thế là đánh lừa được cả những cái miệng… cỡ như bạn tôi. Nhưng không thể trách anh được. Ăn xong tôi chỉ bảo khẽ, nếu anh thấy ở đâu có ai bán cà cuống cả triệu đồng một con thì nhớ gọi cho tôi và không nỡ nhìn mắt bạn tôi lồi ra vì kinh ngạc!.

Cả một thời tuổi thơ tôi sống với cà cuống. Quê tôi vùng đồng trũng, nhiều ao, đầm, là xứ sở của loài động vật kỳ lạ này. Cách đây vài mươi năm, cái thời môi trường còn trong lành, cà cuống nhiều vô kể. Đi làm đồng về thế nào cũng có vài con cà cuống. Những hôm chuyển trời cà cuống bay vù vù, bắt không xuể.

Thuở bé, trêu cà cuống là một thú chơi không bao giờ chán của tụi trẻ con chúng tôi. Dọc theo các con mương, cà cuống đẻ la liệt. Trứng cà cuống kết lại như bắp ngô nhỏ xíu quanh cọng cỏ. Trước khi đem những quả trứng bé li ti ấy về, hơ lên bếp than cho nổ tanh tách rồi nhai lép bép vừa thơm vừa bùi, hẵng trêu con cà cuống mẹ cái đã. Chỉ cần dùng tay búng nhẹ vào đám trứng, ngay lập tức một cơ thể mỏng và giống như chiếc lá nhãn ngâm bùn gắt gỏng lao lên, lượn lờ canh chừng. Gặp địch thủ tầm thường, nó đốt cho một phát bằng chiếc ngòi cứng như kim giấu kín nhẹm ở miệng. Bị cà cuống đốt có thể tấy phát sốt.

Cà cuống đực bắt được ở đầm sâu mới thực sự có giá. Mình nó đen mầu bùn, mùi thum thủm. Ấy thế mà đem nướng trên bếp than rồi dầm vào tương hoặc nước mắm, dậy lên một thứ hương kỳ lạ, bí ẩn, hấp dẫn vào bậc nhất, bậc đế vương, đáng đem tiến vua mặc dù vua chúa chưa chắc đã được ngự thiện một lần. Cái vị cay tuyệt vời của cà cuống cũng khó mà diễn tả được bằng lời. Chỉ còn cách nếm thử, ngẫm nghĩ và cảm nhận mà thôi.

Cà cuống, một con vật ẩn mình dưới bùn đen, lại vừa là biểu tượng, vừa là hiện thân của những triết lý sâu sắc. Cái biểu tượng của triết lý chính là khi chết, khi bị đốt thành tro than cà cuống mới càng cay. Còn, một đời sống dưới đáy, trong lớp bùn đen tối tăm, ẩn mình, không tranh giành thiên hạ với bất cứ giống vật nào khác... mà kết tinh, hội tụ được linh khí của trời đất tạo ra thiên hương... đáng ngẫm nghĩ lắm.

Ngay cả khi thân xác nát vụn hồn vẫn quanh quất an ủi bao nỗi cơ hàn, còn hơn là hiện thân của một triết lý sâu xa ấy chứ. Đời chẳng ai mong thế nhưng được thế cũng không dễ...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.