Xã hội

Cả làng phiền toái vì con gái không mang họ cha

03/06/2023, 07:30

Do tập tục con gái sinh ra không được mang họ cha nên ở xã Nam Cao có rất nhiều họ lạ, từ đó nảy sinh những câu chuyện dở khóc dở cười…

Cùng là con đẻ, mang họ khác nhau

Xã Nam Cao chỉ cách trung tâm huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình gần 6km. Nơi đây, nổi tiếng với làng nghề dệt đũi truyền thống.

Là một xã thuần nông nhưng có nghề truyền thống, nên ở xã Nam Cao đất chật, người đông với trên 6.300 nhân khẩu. Xã có 10 thôn với gần 30 dòng họ sinh sống nhưng họ Nguyễn là dòng họ đông nhất, chia thành nhiều chi như: Nguyễn Đình, Nguyễn Thiên, Nguyễn Thành, Nguyễn Hữu, Nguyễn Văn…

img

Ông Nguyễn Xuân Hiếm đặt tên con gái là Xuân Thị Huế, về sau phải mất nhiều thời gian để cải chính

Và từ các chi này, với tập tục con gái sinh ra không được mang họ cha, mà xuất hiện thêm những họ lạ như: Thiên, Thành, Hữu, Văn, Đình…

Ông Nguyễn Xuân Dinh (sinh năm 1940, thôn Cao Bạt Đông, xã Nam Cao) cho biết, người dân xã Nam Cao vốn là những người làm nghề đánh cá từ các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tây (Hà Nội ngày nay) tụ về nơi này, rồi khẩn hoang lập làng, lấy tên xã Đình Phùng.

Đến Năm 1955, làng Nam Đường, làng Cao Bạt xã Đình Phùng được tách ra, lấy tên là xã Nam Cao. Và chả biết từ bao giờ, ở nơi này có tập tục lấy tên đệm của cha làm họ cho con gái.

“Như người cha tên Nguyễn Xuân Quang, khi sinh con gái sẽ lấy họ là Xuân, như: Xuân Thị Hoa, Xuân Thị Hà… Ở Nam Cao, con gái có nhiều họ “độc” như: Xuân Thị, Văn Thị, Duy Thị, Ðình Thị… Cũng bởi lẽ đó mà anh em ruột thịt trong nhà nhưng lại mang họ khác nhau”, ông Dinh giải thích.

Ông Nguyễn Xuân Hiếm, 75 tuổi, ở thôn Cao Bạt Nam, nguyên là cán bộ xã Nam Cao cũng cho biết, theo tục làng, ông đặt tên con gái là Xuân Thị Huế.

Các con gái của ông mang họ Xuân, con trai mang họ Nguyễn, nên cùng là anh chị em do cha mẹ đẻ ra, nhưng họ khác nhau.

“Lúc bấy giờ, tôi tự làm giấy khai sinh cho con tôi, cũng theo thói quen, tập tục của địa phương. Nhưng sau này, các con lớn lên đi học, đi làm, thủ tục nhiều khi phải cải chính lại rất phức tạp”, ông Hiếm chia sẻ.

Theo ông Hiếm, khi các con gái ông đi xin việc, do không mang họ bố nên gặp khó khăn, rắc rối vì cứ phải giải thích, trình bày việc không cùng họ với bố.

Có chỗ còn không chấp thuận lý lịch của con vì cho rằng khai nhầm lẫn, không chính xác và yêu cầu về xã xin xác nhận cha - con ruột.

Tất bật xin đổi lại theo họ cha

img

Cán bộ Công an xã Nam Cao hướng dẫn thủ tục thay đổi họ cho người dân

Chỉ vào tập hồ sơ dày cộm trên bàn, Trung tá Nguyễn Hồng Cường, Trưởng Công an xã Nam Cao cho biết, những năm gần đây, nhiều phụ nữ ở Nam Cao đã đi làm thủ tục đổi lại họ theo họ cha, vì không muốn gặp những rắc rối khi làm thủ tục hành chính, cũng như muốn được mang họ gốc của mình.

“Như bà Trọng Thị Quắn có bố họ Nguyễn đang làm đơn để đổi sang họ Nguyễn, thành Nguyễn Thị Trọng Quắn. Bà Quắn muốn đổi họ để thống nhất trong hồ sơ của gia đình”, Trung tá Cường cho hay.

Theo Trung tá Cường, trong chiến dịch làm căn cước công dân cho người dân trong xã, cán bộ thực hiện công tác này cũng rất khó khăn, nhiều trường hợp đến dở khóc dở cười liên quan đến tục lệ lạ lùng này.

Những năm trước, nhiều người dân phải đến xã xin xác nhận cha - con, nhất là thời điểm đầu năm học mới, hoặc khi đi xin việc, đi làm, đi xuất khẩu lao động, đi du học…

Không chỉ phụ nữ mà cả nam giới cũng vướng mắc vì tục lệ này. Như trường hợp ông Xuân Tùng (sinh năm 1964, thôn Cao Bạt Nam, xã Nam Cao) có bố họ Nguyễn, trong giấy khai sinh ông Tùng có họ tên khai sinh là Xuân Tùng.

Nay chuẩn hóa cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, ông muốn chuyển lấy họ theo bố đẻ lại đang gặp rất nhiều khó khăn vì việc thay đổi họ, tên thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện.

“Trong Ðiều 5, Nghị định số 158/2005/NÐ-CP của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch khẳng định: “Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với giấy khai sinh của người đó và không ít rắc rối phát sinh bởi những họ lạ: Xuân Thị, Ðình Thị, Duy Thị, Hữu Thị…”, Trung tá Cường cho biết.

img

Bà Nguyễn Khắc Thị Liên cùng chồng là ông Nguyễn Xuân Dinh trao đổi với phóng viên về câu chuyện kỳ lạ mà cả làng không ai biết lý do

Bà Nguyễn Khắc Thị Liên (sinh năm 1950, ở thôn Cao Bạt Đông) từng vất vả đổi từ họ Khắc về họ Nguyễn cho hay: “Đất lề, quê thói, trên mỗi miền quê, đâu đâu cũng có và còn lưu giữ những tập tục truyền thống. Gìn giữ nét văn hóa ấy chính là bảo tồn hồn quê cho mai sau. Tuy nhiên, với những tập quán không ít bất cập như tục “mất họ” này xóa bỏ sẽ thuận lợi cho con cháu trong học tập, công tác”.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Thành Khoa, Chủ tịch UBND xã Nam Cao cho biết, tục lệ lấy tên đệm của cha làm họ cho con gái ở Nam Cao không biết có từ bao giờ, chỉ biết trong gia phả nhiều đời đã thực hiện tục lệ này.

“Rất nhiều trường hợp phải “chạy đôn chạy đáo” chỉ để chứng minh mình là con ruột của người cha “không cùng họ” như: Các vấn đề rắc rối khi làm giấy khai sinh, thủ tục nhập học, vay vốn… Ðến kỳ nhập học, cán bộ xã lại khổ sở giải quyết các trường hợp xác minh, chứng thực cho các cháu học sinh khi làm thủ tục nhập học”, ông Khoa cho biết.

Theo ông Nguyễn Thành Khoa, Chủ tịch UBND xã Nam Cao, không ai biết tập tục con gái không được mang họ cha có từ bao giờ, chỉ biết rằng nó đã tồn tại qua nhiều thế hệ, đi vào tiềm thức của người dân nơi đây. Hiện, xã còn khoảng gần 40% phụ nữ mang họ đệm của cha.

Mặc dù đây là một tập tục có từ lâu đời, song do có quá nhiều bất cập nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày, nhất là với phụ nữ, cũng vì thế, khoảng hơn 20 năm trở lại đây, nhờ sự vận động, giải thích của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương mà việc này đã không còn nữa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.