Y tế

Ca mắc bạch hầu tăng nhanh, hơn 1 triệu trẻ sẽ tiêm bổ sung vaccine

07/07/2020, 08:24

Số ca mắc bạch hầu tăng nhanh trong thời gian từ tháng 6 đến nay, với tổng 49 ca tại 4 địa phương Kon Tum, TP. HCM, Gia Lai và Đắk Nông.

img
Đoàn Bộ Y tế đi kiểm tra vùng dịch bạch hầu ở Đắk Nông

Tính tới 7/7, Việt Nam đã phát hiện tổng cộng 49 ca nhiễm bạch hầu, tại 4 tỉnh Kon Tum (23 ca), TP.HCM (1 ca), Gia Lai (10 ca) và Đắk Nông (15 ca). Trong đó, 3 bệnh nhi đã tử vong (Gia Lai: 1, Đắk Nông: 2). Số ca mắc tăng nhanh trong thời gian từ tháng 6 đến nay. Theo Bộ Y tế, bạch hầu là bệnh lây lan rất mạnh, diễn biến cấp tính, có thể gây biến chứng nặng và tử vong.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh bạch hầu, không để dịch bùng phát, lan rộng, Bộ Y tế có công văn đề nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo Sở Y tế triển khai công tác kiểm soát dịch bệnh tại các ổ dịch bạch hầu, tăng cường các hoạt động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, ổ dịch mới phát sinh.

Song song với đó phải cách ly kịp thời các trường hợp mắc, khoanh vùng, thực hiện vệ sinh môi trường, khử khuẩn, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài.

Tổ chức điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần và có nguy cơ. Thực hiện tốt công tác chẩn đoán sớm, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất số biến chứng nặng và tử vong.

Bộ Y tế đề nghị tỉnh Kon Tum xác định nhóm đối tượng trong độ tuổi có nguy cơ, tổ chức tiêm vaccine phòng chống bệnh bạch hầu tại khu vực ổ dịch; rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu hoặc tiêm chưa đầy đủ để tổ chức tiêm bổ sung vaccine phòng bệnh bạch hầu, đảm bảo cho trẻ được tiêm đủ mũi, đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95% ở tất cả địa bàn, đặc biệt tại các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, nơi tiếp cận với dịch vụ y tế còn hạn chế.

Đề nghị tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai mạnh mẽ các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, các trường học, lớp học, nhà trẻ đảm bảo môi trường thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Tổ chức việc theo dõi sức khỏe của trẻ em tại các trường mầm non, trường tiểu học và trung học cơ sở, thông báo cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh (sốt kèm theo đau họng, ho hoặc khàn tiếng) để được cách ly, xử lý kịp thời, không để bùng phát ổ dịch.

Chủ động tuyên truyền rõ lợi ích của việc tiêm vaccine phòng bệnh và vận động người dân đưa trẻ em đi tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng đảm bảo đủ mũi và đúng lịch.

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, trong năm nay, dự án Tiêm chủng mở rộng (TCMR) sẽ tiếp tục tiêm bổ sung vaccine uốn ván - bạch hầu (Td) phòng bạch hầu cho trẻ 7 tuổi tại 35 tỉnh, dự kiến cho hơn 1 triệu trẻ. Trong 35 tỉnh được xác định có nguy cơ cao này, bao gồm Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai, TP.HCM - 4 địa phương đang ghi nhận dịch bạch hầu từ đầu năm đến nay. Dự kiến, đến năm 2022, sẽ triển khai trong phạm vi trong toàn quốc.

Theo bà Hồng, để chủ động phòng chống bệnh dịch bạch hầu tại các vùng nguy cơ cao, từ năm 2019, vaccine Td bổ sung cho trẻ 7 tuổi đã được đưa vào chương trình TCMR. Theo đó, những trẻ này sẽ được tiêm thêm một mũi vaccine bạch hầu, bao gồm các bé chưa tiêm chủng, đã tiêm đủ 4 mũi vaccine chứa thành phần bạch hầu hoặc tiêm chưa đủ mũi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.