Xã hội

Cà Mau: Chợ mới "ế" ki ốt sau 3 năm sử dụng, chủ đầu tư vẫn nợ nhà thầu

13/01/2022, 13:56

1 công trình xây dựng ở Cà Mau đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng hơn 3 năm, nhưng chủ đầu tư công trình vẫn chưa quyết toán hết cho nhà thầu.

Bị UBND thị trấn thiếu nợ, nhà thầu điêu đứng

Trong đơn phản ánh gửi đến Báo Giao thông, ông Phạm Thành Trung, người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Miền Tây (Công ty Miền Tây) cho biết, cuối tháng 4/2018 Công ty Miền Tây và UBND thị trấn Đầm Dơi (chủ đầu tư) có ký kết hợp đồng thi công gói thầu xây dựng công trình nhà lồng chợ thị trấn Đầm Dơi tại khóm 4, thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Tổng giá trị theo hợp đồng này hơn 4,7 tỷ đồng.

img

Cổng vào khu vực chợ mới thị trấn Đầm Dơi.

Sau khi ký kết hợp đồng với chủ đầu tư, Công ty Miền Tây đã bắt tay vào việc, đến cuối tháng 8/2018 thì hoàn thiện, bàn giao đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành công trình, thay vì chủ đầu tư tiến hành thanh quyết toán cho nhà thầu theo quy định của pháp luật thì họ lại thanh toán theo kiểu “nhỏ giọt”. Trải qua 7 lần thanh toán được gần 3,1 tỷ đồng, đến nay UBND thị trấn Đầm Dơi vẫn còn nợ Công ty Miền Tây khoản tiền hơn 1,6 tỷ đồng.

Ghi nhận thực tế của PV Báo Giao thông vào sáng 13/1 tại khu vực chợ thị trấn Đầm Dơi, ở khu chợ cũ hiện hoạt động mua bán diễn ra sầm uất, nhộn nhịp. Còn phía khu vực chợ mới, dù đã đưa vào sử dụng hơn 3 năm nay nhưng vẫn còn hàng chục quầy ki-ốt có cửa đóng then cài vì tiểu thương không chịu vào.

Nhìn quanh, chỉ có lác đác vài quầy sạp mở cửa hoạt động nhưng khách hàng thì vắng hoe. Thậm chí, nhiều quầy sạp đã có chủ nhưng vẫn đóng cửa im ỉm và treo bảng cho thuê.

“Công trình đã bàn giao được 3 năm rưỡi mà chủ đầu tư vẫn chưa thanh toán dứt điểm số tiền còn nợ. Trong khi đó, chủ trương là chủ đầu tư lập dự án chợ phân ki-ốt từng quầy bán cho tiểu thương thu tiền thanh toán cho đơn vị thi công. Trên thực tế đã bán hơn 50 quầy, còn lại 30 quầy chưa bán.

Để giải quyết khó khăn cho chủ đầu tư, chúng tôi đã nhiều lần thương thảo mua lại quầy ki-ốt để trừ vào khoản nợ trên nhưng bị chủ đầu tư khước từ. Tôi không hiểu vì lý do gì mà họ cũng không bán cho người khác mà cứ để dành trong suốt thời gian dài cho những tiểu thương ở khu chợ cũ hiện chưa giải tỏa được”, ông Trung bức xúc.

Theo ông Trung, quá trình thi công khu chợ này có đến 3 nhà thầu tham gia xây dựng. Thời điểm đó ông Lê Tấn Phát là Chủ tịch UBND thị trấn Đầm Dơi (hiện là Huyện ủy viên, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đầm Dơi) đã thanh toán dứt điểm cho 2 đơn vị, riêng Công ty Miền Tây thì chỉ được cho tạm ứng 2 tỷ đồng.

Số tiền còn lại được chia ra thanh toán nhiều lần. Đến nay đã nhiều năm trôi qua nhưng phía chủ đầu tư vẫn chưa có động thái để thanh toán dứt điểm cho Công ty Miền Tây. Đơn vị này đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu chủ đầu tư thanh toán dứt điểm để doanh nghiệp trang trải nợ nần nhưng vẫn không nhận được sự phản hồi.

img

Do có nhiều tiểu thương từ chối vào khu vực chợ mới nên nhiều quầy sạp cửa đóng then cài vì không có người thuê.

“Tôi chủ động gặp chủ đầu tư để thương thảo mua lại ki-ốt đủ với số tiền họ còn nợ, nhưng họ nói phải chờ ý kiến của UBND huyện đồng ý thì mới bán.

Doanh nghiệp của tôi đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn, ngân hàng siết nợ, công ty hoạt động kém hiệu quả nên khó khăn trong việc đóng lãi các khoản nợ, hiện đang rơi vào bế tắc. Trong hơn 3 năm qua, tôi đã gồng gánh đóng lãi với số tiền lên đến hơn 400 triệu đồng, giờ thì kiệt quệ rồi”, ông Trung nói.

Hơn 3 năm, vẫn chờ xin ý kiến

Qua tìm hiểu của PV, cuối tháng 11/2017, ông Nguyễn Chí Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi khi đó đã ký quyết định phê duyệt hồ sơ báo cáo kinh tế - kỹ thuật công trình xây dựng nhà lồng chợ tại khóm 4, thị trấn Đầm Dơi theo hạng mục xây dựng mới từ nguồn vốn thu thuê mặt bằng nhà lồng chợ. Theo quyết định này, UBND huyện Đầm Dơi đã giao cho Chủ tịch UBND thị trấn Đầm Dơi - khi đó là ông Lê Tấn Phát làm chủ đầu tư.

img

Một cơ sở kinh doanh tại khu vực chợ mới xây dựng nhưng rất vắng khách.

Ông Huỳnh Trung Quang, Chủ tịch UBND thị trấn Đầm Dơi hiện nay, cho biết: “Chợ có quy mô là 86 quầy (thực tế 90 quầy) để cấp cho tiểu thương, số quầy phát sinh dùng làm khu vực vệ sinh. Tháng 7/2018 là xây dựng xong, đến tháng 9/2018 tiến hành họp dân để đưa bà con vào mua bán.

Mục tiêu xây dựng nhà lồng chợ là để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh doanh mua bán, từng bước sắp xếp khu chợ thị trấn và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thị trấn Đầm Dơi nói riêng, của huyện Đầm Dơi nói chung.

Quá trình triển khai xây dựng, chẳng biết chính quyền địa phương có lấy ý kiến tiểu thương hay không nhưng khi đưa vào sử dụng thì có người đồng ý vào mua bán, người thì thẳng thừng từ chối không vào. Từ đó, khiến cho việc thu tiền cho thuê của chủ đầu tư gặp không ít khó khăn.

Mục đích xây dựng chợ là không dành cho người mới mà dành cho đối tượng ngoài khu chợ cũ sau khi giải tỏa. Tuy nhiên, sau đó có người chịu vào, có người không chịu vào khu chợ mới nên kéo dài đến nay”.

Theo ông Quang hiện chủ đầu tư đã sắp xếp được 53 người với 53 quầy vào được khu chợ mới, số còn lại đã ký biên bản từ chối không vào.

“Trong số những tiểu thương chịu vào, họ đóng tiền thuê không đủ, người nộp 50%, người thì nộp 1/3, cũng có người nộp 5 - 10 triệu đồng.

Sau khi được phân công về công tác ở UBND thị trấn, tôi có xin chủ trương huyện để cho người mới vào để mình thu tiền cho thuê để trả nhà thầu, vì số người được ưu tiên họ đã không vào rồi.

Tuy nhiên, sau khi họp bàn, huyện muốn nắm lại quá trình đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua. Nếu huyện cho chủ trương bán cho đối tượng mới thì sau khi sắp xếp mình thu tiền thuê trả cho nhà thầu liền chứ không có vấn đề gì”, ông Quang nói.

Riêng việc nhà thầu muốn mua lại quầy ki-ốt cho đủ số tiền chủ đầu tư đang nợ nhưng thị trấn không bán là do đang xin chủ trương. Hiện giá cho thuê mỗi ki-ốt từ 50-60 triệu đồng (tùy vị trí) cho thời gian là 5 năm.

“Quy trình đầu tư là mình chỉ dành cho những đối tượng ở khu vực giải tỏa chợ cũ nên không thể bán được cho đối tượng mới. Nếu huyện cho chủ trương, chúng tôi sẵn sàng giao cho nhà thầu”, ông Quang cho biết thêm.

Theo tìm hiểu của PV, khi quyết định chủ trương đầu xây dựng chợ thị trấn Đầm Dơi thì người có thẩm quyền đã không đưa chủ trương ra họp bàn để thông qua với Ban Thường vụ Huyện ủy Đầm Dơi. Từ đó, do không cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng trước khi đầu tư và gặp khó khăn về vốn do tiểu thương không chịu vào chợ mới mua bán.

img

Biển cho thuê quầy là hình ảnh dễ thấy khi vào khu vực này.

Từ đó đã dẫn đến việc chủ đầu tư không chủ động về nguồn vốn đối ứng (thu của tiểu thương trả cho nhà thầu) nên đã xảy ra tình trạng chưa quyết toán hết cho nhà thầu. Vậy với thiệt hại của nhà thầu phải gồng mình đóng lãi từ nhiều năm qua hơn 400 triệu đồng thì đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm?

PV đã liên hệ với UBND huyện Đầm Dơi, nhưng chưa nhận được phản hồi.

Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin về việc này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.