Đời sống

Cà Mau: Nhân viên karaoke, massage, yoga mất việc do Covid-19 được hỗ trợ

13/08/2021, 12:09

Chính sách hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bắt đầu từ ngày 9/8/2021, kết thúc vào ngày 31/12/2021.

Ngày 13/8, theo Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh này vừa ký Quyết định ban hành quy định đối tượng, mức chi hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh theo quy định tại điểm 12, Mục II, Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ.

Đối tượng hỗ trợ là người lao động không giao kết hợp đồng lao động, làm công cho các cơ sở, dịch vụ hoạt động kinh doanh ngành nghề, công việc bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu cơ quan thẩm quyền, để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19.

img

Đối tượng là người lao động không giao kết hợp đồng lao động ở Cà Mau được nhận hỗ trợ do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. (Ảnh minh họa).

Cụ thể là những người làm ở các điểm du lịch; quán bar; vũ trường; karaoke; bida; rạp chiếu phim; game; internet công cộng; massage; thẩm mỹ; tập thể hình; thể dục dụng cụ; hồ bơi; yoga; sân bóng đá; dịch vụ ca hát tập trung đông người; bán lẻ vé số kiến thiết lưu động và các dịch vụ ăn uống hàng quán (trừ hình thức bán hàng mang về).

Đối tượng được hỗ trợ phải đảm bảo có thời gian ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên (tính từ ngày 6/5/2021 đến ngày 31/12/2021); không trong thời gian đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp; bị mất việc làm hoặc ngừng việc có mức thu nhập hàng tháng dưới 1,5 triệu đồng/người.

Theo đó, mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người, chi trả 1 lần cho người lao động. Chính sách hỗ trợ này bắt đầu từ ngày 9/8/2021, kết thúc vào ngày 31/12/2021.

Người lao động có nhu cầu sẽ có đơn đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ gửi đến UBND cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu hoặc nơi thường trú.

Trường hợp người lao động có nơi đăng ký hộ khẩu và nơi làm việc khác địa bàn hành chính, nhưng đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ tại địa bàn lao động thường xuyên làm việc, thì phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu là chưa hưởng chính sách hỗ trợ theo quyết định này tại địa phương.

Ngược lại, nếu đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ tại địa bàn đăng ký hộ khẩu thì phải có xác nhận chính quyền địa phương nơi lao động thường xuyên làm việc.

Việc chi hỗ trợ đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, công khai minh bạch, không để trục lợi, lợi dụng chính sách.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau cũng đã có báo cáo về tiến độ triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Chính phủ, cập nhật đến ngày 30/7/2021.

Lũy kế kết quả, Nhóm 1: Hoàn thành xong, “giảm mức đóng Bảo hiểm Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bằng 00 đồng”. Kết quả đã thực hiện cho 1.720 đơn vị, trên 36.905 người, số tiền giảm 12,401 tỷ đồng.

Nhóm 4: UBND tỉnh đã duyệt nhóm lao động “tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương” cho 16 lao động, số tiền hỗ trợ hơn 59,3 triệu đồng, thuộc địa bàn TP Cà Mau.

Nhóm 8: Trình và được UBND tỉnh phê duyệt 54 người hoạt động nghệ thuật, số tiền 200.340 triệu đồng (ngành VHTT Du lịch có 1 hướng dẫn viên du lịch).

Nhóm 9: UBND tỉnh đã duyệt hỗ trợ 216 hộ kinh doanh, số tiền 648 triệu đồng (huyện Trần Văn Thời 38 hộ; Năm Căn 29 hộ; Ngọc Hiển 26 hộ; Cái Nước 43 hộ; Phú Tân 31 hộ; Đầm Dơi 14 hộ; Thới Bình 35 hộ).

Tổng kinh phí thực hiện đến ngày 30/7/2021 là hơn 15,7 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ người bán lẻ vé số là hơn 2,4 tỷ đồng (mức 750.000 người/tháng).

Lũy kế theo kết quả rà soát số lao động tự do bị tác động bởi dịch Covid-19 được hưởng chính sách hỗ trợ do UBND tỉnh quyết định là 11.909 người, trong đó bán lẻ vé số lưu động là 3.296 người. Dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ trên 17,8 tỷ đồng, trong đó bán lẻ vé số hơn 4,9 tỷ đồng.

Kết quả đã chi người bán lẻ vé số lưu động là 3.296 người, mức chi 750.000 đ/người và sẽ tiếp tục chi thêm 750.000 đ/người sau khi UBND tỉnh phê duyệt nhóm tự do.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.