Hạ tầng

Cà Mau sẽ không còn xa lắm…

31/12/2022, 14:46

Với việc khởi công tuyến cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau dài 110,9 km đưa vào khai thác năm 2026, Cà Mau sẽ không còn xa lắm.

“Nghe nói Cà Mau xa lắm, nơi cuối cùng bản đồ Việt Nam!”... là câu hát trong bài hát Áo mới Cà Mau quen thuộc với nhiều người. Nhưng với việc khởi công tuyến cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau dài 110,9 km, hoàn thành năm 2026, Cà Mau sẽ không còn xa lắm mà trở nên gần gũi hơn khi giao thông được kết nối thuận lợi.

Sẽ có thêm 352 km cao tốc ở ĐBSCL

Đồng băng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm 13 tỉnh thành phố, từ lâu được xem là vùng trũng của cao tốc đường bộ. TP.HCM - Trung Lương là tuyến cao tốc đầu tiên trên cả nước được xây dựng và đã phát huy rất hiệu quả trong việc lưu thông. Tuy vậy, phải mất hơn 10 năm sau mới có thêm tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đưa vào khai thác.

img

Cắm mốc giải phỏng mắt bằng cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau

Các tuyến đường như Cao Lãnh - Vàm Cống, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi cũng được đầu tư to, rộng nhưng cũng chỉ được khai thác như đường cao tốc, chứ chưa phải là đường cao tốc.

Tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đang được Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cùng các nhà thầu tích cực triển khai thi công và sẽ đưa vào khai thác trong năm 2023.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trong giai đoạn 2021 - 2025 đã có nhiều tuyến đường cao tốc ở vùng ĐBSCL bổ sung đầu tư. Cụ thể là cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau (110,9 km); cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (188,2km); An Hữu - Cao Lãnh (27,43km); Mỹ An - Cao Lãnh (26,42km). Tổng chiều dài của các tuyến cao tốc sắp đầu tư ở vùng ĐBSCL khoảng 325 km.

Như vậy, đến năm 2025 tổng số các tuyến cao tốc ở ĐBSCL là khoảng hơn 500km. Bên cạnh đó là các dự án cầu lớn khác như cầu Mỹ Thuận 2, Rạch Miễu 2 cũng đang được đầu tư và đưa vào khai thác trong những năm tới.

Tập trung thi công ngay sau khởi công

Giai đoạn 2 của dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 có 12 dự án thành phần, với tổng chiều dài…. Km. Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang có chiều dài 37,65km đi qua địa bàn Cần Thơ, Hậu Giang. Dự án có điểm đầu giao với đường Nam Sông Hậu, điểm cuối tại huyện Vị Thuỷ, Hậu Giang. Tổng mức đầu tư của đoạn này là 10.370 tỷ đồng. Tuyến sẽ được đầu tư 4 làn xe hoàn chỉnh.

Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau có chiều dài 73,223km qua các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau. Điểm đầu tiếp nối với cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang, điểm cuối tại đường nối vào Hành lang ven biển phía Nam huyện Thới Bình. Tổng mức đầu tư đoạn cao tốc này hơn 17.152 tỷ đồng. Tuyến đường đầu tư 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100km/h.

img

Các nhà thầu đều thể hiện quyết tâm sẵng sàng thi công sau khi khởi công và hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

Cả hai đoạn tuyến này đều do Ban QLDA Mỹ Thuận làm chủ đầu tư và hoàn thành cơ bản năm 2025, đưa vào khai thác năm 2026. Theo ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận, trong năm 2022 các đơn vị đã rất nỗ lực thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư để các tuyến sắp khởi công vào đầu năm mới 2023. Các địa phương cũng đã vào cuộc gấp rút đẩy nhanh công tác GPMB.

“Ngay sau khi khởi công, Ban QLDA Mỹ Thuận sẽ yêu cầu các nhà thầu sẽ bắt tay ngay vào công việc để đảm bảo tiến độ chung của dự án”, ông Thi khẳng định.

Với khoảng cách 350km từ TP.HCM đến Cà Mau hiện nay phải mất hơn 7 tiếng đồng hồ đi ô tô. Nhưng khi nối thông toàn tuyến cao tốc, với tốc độ bình quân 100km/h, chỉ còn khoảng hơn 3 tiếng đồng hồ.

Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, chính quyền và người dân mong chờ tuyến cao tốc này rất lâu, bởi Cà Mau là vùng tận cùng đất nước, giao thông đi lại khó khăn. Khi có tuyến cao tốc nối thông từ Cà Mau lên Cần Thơ, TP.HCM sẽ rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hoá, đi lại của người dân và thu hút đầu tư.

“Cà Mau đã quy hoạch khu kinh tế Năm Căn, cảng Hòn Khoai, KCN Khánh An, Hoài Trung, Sông Đốc,.. để đầu tư hạ tầng, thu hút nhà đầu tư. Cùng với đó là quy hoạch các tuyến giao thông để kết nối các khu du lịch lớn như KDL Dầm Thị Trường, Đất Mũi.

Tỉnh còn kiến nghị nâng cấp sân bay Cà Mau để không chỉ thuận lợi về đường bộ mà cả đường không, để Cà Mau không còn xa với cả nước”, ông Việt nói.

Để triển khai tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, các địa phương đã vào cuộc rất tích cực và đã đã bàn giao trên 85% mặt bằng. Tuy nhiên, việc hoàn thành 100% mặt bằng còn lại trong quý I/2023 theo NQ18 của Chính phủ sẽ là tiền đề quan trọng để dự án thi công đúng tiến độ. Do đó, rất cần các địa phương tập trung quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới.

Cùng với đó, theo khảo sát, để thi công tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài 182km cần 18,6 triệu khối cát, gần 2 triệu khối đất đắp. Các địa phương đã rất trách nhiệm trong việc chia sẻ nguồn vật liệu cho dự án cao tốc trục dọc. Tuy nhiên, khối lượng đất cát cần cung cấp cho dự án còn rất lớn.

“Chúng tôi kiến nghị các địa phương tạo điều kiện tối đa để cung cấp nguồn vật liệu cho các nhà thầu, đảm bảo tiến độ thi công của dự án”, ông Thi nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.