Điện ảnh

Cả một đời ân oán xứng đáng bom tấn “chốt hạ” năm 2017

18/12/2017, 11:05

Cả một đời ân oán là cú chốt hạ ấn tượng cho một năm tràn ngập khởi sắc của màn ảnh nhỏ Việt Nam.

24

Một cảnh trong phim “Cả một đời ân oán”

Tiếp công thức Việt hóa

Phần lớn khán giả truyền hình chia sẻ chung một cảm nhận: 2017 là năm của những bộ phim Việt hóa. Các kịch bản nước ngoài không còn là phương án chữa cháy tạm bợ. Mà ngược lại, sau những: Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử, Việt hóa đã trở thành xương sống để tạo ra các sản phẩm chất lượng. Tiếp nối và chốt hạ năm 2017 là Cả một đời ân oán, bộ phim đang làm mưa làm gió trên VTV trong khung giờ 21h45 mỗi tối thứ tư, thứ năm hàng tuần. Phim vay mượn kịch bản từ sản phẩm điện ảnh đình đám của Hong Kong ra mắt năm 2006: Cô dâu triệu phú.

Đề tài hôn nhân gia đình không mới với khán giả Việt. Đếm sơ qua có thể kể một vài cái tên như: Ngược chiều nước mắt; Ngang phố; Hôn nhân trong ngõ hẹp. Thế nhưng tất cả chỉ dừng ở mức tạo ra nhân vật có cá tính khác biệt, rồi đặt chung dưới một mái nhà. Cả một đời ân oán lại khác, đẩy những mâu thuẫn lên tới cấp độ thù hận, biến đại gia đình trở thành một chiến trường không thuốc súng. Trong nhà họ Vũ, mọi nhân vật đều ở thế xung đột. Hai nam chính Đăng và Phong đối đầu vì lợi ích gia tộc và tình cảm. Dung và Phong mâu thuẫn vì tình cảm xưa cũ. Diệu mâu thuẫn với Dung vì lòng đố kỵ giữa các cô con dâu chung một nhà chồng. Tất cả tạo nên bầu không khí đậm chất drama (kịch tính), vốn là đặc sản của các phim tâm lý xã hội Hong Kong thập niên 2000.

Dĩ nhiên, phiên bản Việt có những điều chỉnh nhất định so với bản gốc. Đạo diễn Trọng Trinh chia sẻ: “Khi Việt hóa, mình chỉ mượn câu chuyện. Còn lại đã xử lý cắt bớt khá nhiều cho phù hợp. Ví dụ như phần các nhân vật còn trẻ là cắt hết, phim mở đầu khi tất cả đã ở độ tuổi trưởng thành và nối dài đến khi về già”. Phim cũng gia giảm vai trò của các nhân vật. Cô con dâu Dung không còn là trung tâm cho mọi mâu thuẫn như Lâm Mẫn Quân ở bản gốc, tự các nhân vật khác nhau cũng có những mối quan hệ tương tác riêng. Hiếm có bộ phim Việt nào tập hợp được nhiều mối quan hệ mang tính chất oan gia đến vậy: Vợ cả - vợ lẽ, con chung - con riêng, anh chồng - em dâu, mẹ chồng - nàng dâu… trong cùng một mái nhà.

Diễn xuất nửa quen, nửa lạ

Cả một đời ân oán sử dụng nhiều gương mặt quen thuộc trên sóng truyền hình vừa qua. Điểm sơ qua đã có ít nhất 2 trường hợp đóng “lại” các hình tượng quen thuộc. Hồng Diễm hóa thân vào Dung, con dâu của Vũ gia với tính cách theo Hồng Diễm chia sẻ: “Một dạng vai cô gái hết lòng với tình yêu, hết lòng với gia đình, luôn đặt gia đình lên trên hết”. Nghĩa là về cơ bản không khác mấy so với những Mộc Miên (Cầu vồng tình yêu), Phương (Matxcơva - Mùa thay lá) do cô thủ vai trước đó. Hay một trường hợp khác là Diệu của nữ diễn viên Lan Phương. Vốn đã quen thuộc qua các vai ác nữ trong Cô gái xấu xí; Trở về; Đẹp không cần ghen, Lan Phương lần này tiếp tục trở thành một người phụ nữ đầy mưu mô, nham hiểm. Khi các diễn viên được khoác những chiếc áo vừa vặn, yếu tố diễn xuất là điều được đảm bảo.

Tuy nhiên, không có nghĩa phim chỉ toàn dập khuôn. Hai diễn viên thường bị đóng khung hình tượng trước đây là Hồng Đăng và Mạnh Trường đều có màn lột xác khác lạ. Hồng Đăng lột bỏ vẻ ngoài soái ca đĩnh đạc, khoác lên mình dáng vẻ bặm trợn với chòm râu sặc mùi nguy hiểm. Khác với kiểu nhân vật chính diện miệng ra rả đạo lý, nhân vật Phong là quả bom nổ chậm ôm đầy thù hận trong lòng. Mạnh Trường trước đây luôn gắn chặt với các vai thứ chính, những chàng trai trẻ si tình cùng cực. Nay, anh chuyển sang vị thế một gã đàn ông đứng tuổi, phải làm mọi cách để bảo vệ tình yêu rơi vào tay kẻ khác.

Đầu tư nghiêm túc

Phim tiếp tục áp dụng hình thức thu tiếng trực tiếp, bắt gọn biểu cảm nhỏ nhất của nhân vật “từ từng cái sụt sịt tới từng cái nghẹn”. Nhưng cao hơn là chất lượng hình ảnh. Theo đạo diễn Trọng Trinh, Cả một đời ân oán được quay với chất lượng hình ảnh 4k, một tiêu chuẩn kỹ thuật chỉ xuất hiện ở những bộ phim chiếu rạp. Hình ảnh khi lên màn hình sẽ có chiều sâu, đẹp và vô cùng chân thực.

Hiển nhiên, công nghệ cao đi liền với sự phức tạp ghê gớm. “Đơn cử như việc điều chỉnh cự ly, không còn là zoom ra, zoom vào. Đoàn làm phim luôn phải đem theo một vali những ống kính đủ loại, bởi cứ mỗi lần thay đổi về khoảng cách là một lần thay đổi ống kính”, đạo diễn Trọng Trinh cho biết. Theo đó, Cả một đời ân oán là một bước tiến dài về kỹ thuật dựng của truyền hình Việt Nam, ngày càng rút ngắn khoảng cách với các tiêu chuẩn của truyền hình thế giới.

Phức tạp là vậy, nên không phải ngẫu nhiên NSƯT Mỹ Uyên thán phục với nhịp độ sản xuất tỉ mỉ của Cả một đời ân oán: “Mất tới 6 ngày cho một tập phim, trong khi chúng tôi ở trong Nam làm phim với tốc độ 2-3 tập phim mỗi ngày. Điều đó đã làm cho tôi thực sự ngạc nhiên. Ở đây mọi người làm phim kỹ càng như phim điện ảnh vậy”. Quả thực, Cả một đời ân oán xứng danh bom tấn chốt hạ một năm bùng nổ hoành tráng của truyền hình Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.