Không gian lễ khai mạc hoành tráng |
Tối ngày 10/3, tại Quảng trường 10/3 (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã diễn ra chương trình khai mạc “Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017” với chủ đề “Hội tụ tinh hoa – Phát huy bản sắc – Liên kết phát triên”. Tham dự lễ khai mạc, có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và nhiều quan khách trong và ngoài nước.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ hội (ảnh: Ngọc Hùng). |
Lễ hội là dịp quảng bá thương hiệu mang tên gọi xuất xứ hàng hóa “Cà phê Buôn Ma Thuột”, khẳng định vị thế của cà phê Đắk Lắk nói riêng và vị trí quan trọng của mặt hàng cà phê Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới. Việc tổ chức lễ hội nhằm nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng về việc bảo tồn, giới thiệu, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đặc trưng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt là không gian văn hóa công chiêng Tây Nguyên.
Các nghệ nhân đến từ nhiều tỉnh tham gia biểu diễn tại đêm khai mạc (ảnh: Ngọc Hùng). |
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Hạt cà phê và cồng chiêng là “báu vật” của vùng đất Tây Nguyên, đã làm cho vùng đất “thay da đổi thịt”. Chúng ta cần phải đưa vùng đất Tây Nguyên trở thành "Thủ phủ của cà phê" và tạo điểm đến lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước, đưa thương hiệu cà phê Tây Nguyên lan tỏa ra thế giới. Trong những năm qua, hạt cà phê đã góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập và làm giàu cho người dân Tây Nguyên. Vì vậy, cần giúp cho người nông dân được hưởng lợi sản phẩm họ làm ra và cùng nhau góp sức xây dựng thương hiệu cà phê Tây Nguyên ngày càng vững mạnh, và chung tay bảo tồn các giá trị di sản, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên".
|
Nằm trong chương trình của Lễ hội, vào khoảng 15h, chiều ngày 10/3, tại Ngã 6 trung tâm TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) diễn ra lễ hội đường phố với chủ đề "Cà phê Buôn Ma Thuột - Sức sống đại ngàn từ mạch nguồn văn hóa". |
Được biết, cà phê Tây Nguyên với diện tích khoảng 600 ngàn hécta, sản lượng bình quân đạt 1,3 triệu tấn, hiện chiếm tới 94% tổng diện tích cả nước, xuất khẩu đến 80 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột đã được 10 quốc gia và vùng lãnh thổ chấp thuận bảo hộ nhãn hiệu “Buôn Ma Thuột coffee”. Ngoài ra, đồng bào Tây Nguyên hiện cũng lưu giữ được hơn 9.880 bộ cồng chiêng. Sau 10 năm được UNESCO ghi danh, di sản văn hóa và Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã đóng góp tích cực vào đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Qua đó, góp phần bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa, tính đa dạng văn hóa vùng miền, quốc gia và quốc tế.
Lễ hội đã thu hút nhiều cá nhân, doanh nghiệp đến quảng bá sản phẩm. |
Lễ hội cà phê đã thu hút nhiều du khách đến với TP. Buôn Ma Thuột. |
Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 diễn ra từ ngày 8 đến 13/3. Lễ hội bao gồm các chương trình đặc sắt như: Trưng bày chuyên đề lịch sử Cồng chiêng Tây Nguyên, triển lãm chuyên ngành cà phê, hội thảo về Phát triển cà phê Việt Nam, hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên, lễ hội đường phố, hội Đua voi và Đua thuyền độc mộc ở hồ Lắk, thi tạc tượng gỗ dân gian v.v...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận