Showbiz

Ca sĩ Việt, những “tay mơ” trên thị trường âm nhạc quốc tế

14/07/2018, 06:37

Việc thiếu hiểu biết, thậm chí chủ quan đến mức ngớ ngẩn của các ca sĩ Việt về bản quyền khiến hàng loạt MV...

25

MV “Chạm khẽ tim anh một chút thôi” của Noo Phước Thịnh từng bị gỡ vì vi phạm bản quyền

Khi “ông lớn” Youtube mạnh tay

Vừa qua, 3 MV của ca sĩ Min bao gồm: Có em chờ, Ghen và Chưa bao giờ mẹ kể đồng loạt bị gỡ khỏi YouTube. Các MV này đều sở hữu hàng chục triệu lượt xem. Lý do YouTube thông báo cho người dùng là “Video này không khả dụng ở quốc gia của bạn, do có khiếu nại về bản quyền của VCPMC (Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam)”. Đại diện của Min cho biết, đây chỉ là sự cố do giấy tờ bản quyền chưa được cung cấp đầy đủ và rõ ràng để xác minh bản quyền cho cơ quan quản lý bản quyền tại Việt Nam. Hiện tại, phía nữ ca sĩ bổ sung giấy tờ bản quyền, 3 MV này đã trở lại hoạt động bình thường.

Min không phải là trường hợp đầu tiên có MV bị gỡ bỏ trên YouTube vì vấn đề này. Trước đó, MV với hơn 30 triệu lượt xem Chạm khẽ tim anh một chút thôi của Noo Phước Thịnh cũng bất ngờ “bốc hơi” vì bị cho là vi phạm bản quyền từ Công ty Epic Elite. Theo đó, đoạn nhạc nền mà phía nam ca sĩ sử dụng một phân đoạn trong MV đã được cắt ghép từ nhạc của ca khúc The way, đã được Epic Elite mua độc quyền. Ê-kíp của Noo đã phải xin lỗi vì không hiểu luật nên dùng nhạc mà không xin phép. Phía Noo đã phải chỉnh sửa lại thì MV mới được xuất hiện, còn người hâm mộ của nam ca sĩ đã phải “cày” lượt xem lại từ đầu.

Ngay sau Noo Phước Thịnh, ca sĩ Bảo Anh cũng nhanh chóng phải bỏ ra 100 triệu đồng để mua bản quyền cho MV Sống xa anh chẳng dễ dàng. Động thái này diễn ra sau khi phía Bảo Anh bị YouTube nhắc nhở do sử dụng đoạn hai bản hòa âm Icarus và Glimmer Of Hope của nhà soạn nhạc Ivan Torrent. Ê-kíp của Bảo Anh thừa nhận, do không hiểu luật từ YouTube nên phía ê-kíp sản xuất đã sử dụng 2 đoạn nhạc ngắn mà chưa xin phép đơn vị giữ bản quyền.

Có thể thấy, việc vi phạm bản quyền của những MV ca khúc trên đều do sử dụng một đoạn nhạc nền mà không xin phép tác quyền. Thực tế, vấn đề bản quyền âm nhạc của Việt Nam từ trước tới nay vẫn là câu chuyện muôn thuở, từ bản quyền âm nhạc tới hình ảnh. Tình trạng vi phạm bản quyền diễn phổ biến đến mức chính những người làm nhạc cũng ngán ngẩm. Chỉ đến khi bị ông lớn YouTube mạnh tay, các nghệ sĩ trong nước mới tá hỏa. Anh Hoàng Thành Đồng, sáng lập The Red Team - đơn vị thực hiện MV Có em chờ, Chưa bao giờ mẹ kể của Min cho hay, ý thức bản quyền ở Việt Nam hiện nay còn yếu kém nên khi tham gia những “sân chơi” quốc tế dễ bị vi phạm mà chính bản thân cũng không biết mình vi phạm.

Chơi sân quốc tế, tránh khôn lỏi

Trong thời đại thế giới phẳng, các sản phẩm âm nhạc hầu hết đều được phát hành online và trên các nền tảng công nghệ số, vấn đề thực thi bản quyền ngày càng cần thiết. Các trang quốc tế như YouTube hay nhiều trang nhạc số như: Spotify, Apple music… đều có những phần mềm để bảo vệ bản quyền chính xác tới từng giây. Theo nhà sản xuất âm nhạc Trần Việt Dũng (Dũng NEO), YouTube sử dụng công nghệ Content ID. Đây là hệ thống quản lý bản quyền mà khi một sản phẩm âm nhạc được phát hành sẽ được đăng ký bản quyền với một tổ chức quốc tế về audio hoặc video. Chủ sở hữu sẽ được bảo vệ về mặt âm nhạc chính xác tới từng giây, còn video thì tính theo từng khung hình.

Các video tải lên YouTube sẽ được quét dựa vào cơ sở dữ liệu tệp mà chủ sở hữu nội dung đã gửi. Khi có tổ chức nào sử dụng trái phép, lập tức hệ thống Content ID sẽ báo về cho người sở hữu bản quyền, để họ dễ dàng phát hiện ra ai đang sử dụng bản quyền của mình. Chủ sở hữu bản quyền sẽ quyết định điều gì sẽ xảy ra, khi nội dung trong một video trên YouTube khớp với tác phẩm mà họ sở hữu. Việc bảo vệ bản quyền chính xác tới từng giây này sẽ loại bỏ được cách chơi khôn lỏi của nhiều nhà sản xuất âm nhạc trong nước.

“Việt Nam cũng buộc phải tuân thủ luật mà thế giới đã thống nhất và công nhận. Nghệ sĩ Việt hay các nhà sản xuất cũng cần chuyên nghiệp, biết thế nào là vi phạm bản quyền. Việc chỉ sử dụng trái phép một đoạn nhạc rất nhỏ đôi khi cũng gây ảnh hưởng tới sản phẩm sau cùng của cả một ê-kíp, khiến ca sĩ cũng bị ảnh hưởng danh tiếng”, Dũng NEO chia sẻ.

Tuy nhiên, Dũng NEO cũng chia sẻ thêm, Việt Nam chưa có những tổ chức hợp pháp đóng vai trò giống như trọng tài để bảo vệ nghệ sĩ Việt, phân định tranh chấp, đàm phán về bản quyền với bên còn lại. Do đó, đây cũng là một thiệt thòi đối với nghệ sĩ nếu không đưa ra được bằng chứng mình không vi phạm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.