Quản lý

Các Ban quản lý chạy đua giải ngân vốn giao thông

04/02/2023, 06:30

Các Ban Quản lý dự án thuộc Bộ GTVT đang rốt ráo lập kế hoạch, đẩy nhanh tiến độ để đáp ứng khối lượng giải ngân năm 2023.

Tăng tốc ngay đầu năm

Sau Tết Nguyên đán, gần 2.000 kỹ sư, công nhân dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết nhanh chóng được đưa trở lại công trường để ổn định lại các mũi tổ chức thi công.

“Thời hạn cán đích trước ngày 30/4/2023 cận kề, trong dịp Tết, hơn 20 mũi thi công đã được duy trì với giá trị sản lượng thực hiện hơn 23 tỷ đồng. Song, khối lượng công việc còn lại vẫn rất lớn khi những tháng cuối cùng, giá trị giải ngân tại dự án được giao hơn 3.200 tỷ đồng”, ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc Ban Điều hành dự án đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết chia sẻ.

img

Số vốn giải ngân năm 2023 của Bộ GTVT tập trung chủ yếu ở các dự án cao tốc Bắc - Nam với tổng số vốn được giao hơn 63.100 tỷ đồng, chiếm 67% tổng kế hoạch vốn. Ảnh: Tạ Hải

Theo ông Huy, giá trị giải ngân năm 2023 của dự án chủ yếu tập trung ở hạng mục bê tông nhựa (chiếm hơn 40% tổng giá trị giải ngân). Mục tiêu đặt ra trong tháng 3/2023 phải cơ bản xong phần thảm để dồn lực chuyển sang hoàn thiện các hạng mục khác.

Một lãnh đạo Ban QLDA 7 cho biết, năm 2023, đơn vị được giao vốn kế hoạch vốn lên tới 12.531 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2022.

Bên cạnh dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, số vốn được tập trung nhiều vào hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 là Chí Thạnh - Vân Phong (3.283 tỷ đồng) và Vân Phong - Nha Trang (3.593 tỷ đồng). Đứng trước khối lượng giải ngân lớn trong bối cảnh các dự án mới khởi công, Ban đang yêu cầu các nhà thầu khẩn trương huy động thiết bị, vật tư, cấu kiện đến công trường, tập trung thi công các cầu trên tuyến.

Hơn 1 tháng kể từ ngày khởi công, tại gói thầu XL02 dự án cao tốc đoạn Vũng Áng - Bùng, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành cùng nhà thầu liên danh cũng đang cấp tập thực hiện các công tác chuẩn bị, đào đắp hữu cơ, khoan cọc khoan nhồi công trình cầu...

Theo đại diện Ban QLDA 6, năm 2023, Vũng Áng - Bùng là một trong những dự án phải “tiêu” tiền nhiều nhất trong các dự án đơn vị được giao phụ trách.

Với kế hoạch vốn năm 2023 được giao là 10.885 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với năm 2022, bên cạnh số vốn 3.531 tỷ đồng phải giải ngân tại dự án Vũng Áng - Bùng. Số vốn còn lại tập trung ở các dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu (2.675 tỷ đồng); đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (1.869 tỷ đồng); đoạn Bùng - Vạn Ninh (2.613 tỷ đồng).

Là một trong những Ban QLDA được giao kế hoạch vốn tăng vọt (gấp gần 2,1 lần so với năm 2022), ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, năm 2023, tổng số vốn đơn vị được Bộ GTVT giao là 10.587 tỷ đồng, tập trung ở 3 dự án lớn: Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (900 tỷ đồng), cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Hậu Giang (2.802 tỷ đồng) và đoạn Hậu Giang - Cà Mau (4.337 tỷ đồng).

Đứng trước yêu cầu giải ngân nguồn vốn lớn, từ thời điểm khởi công đến nay, dự án đoạn Cần Thơ - Hậu Giang đã được huy động triển khai 6 mũi thi công; 4 mũi thi công cũng được triển khai trên toàn tuyến Hậu Giang - Cà Mau.

Dự kiến, trong tháng 1/2023, sản lượng giải ngân của Ban QLDA Mỹ Thuận đạt 319 tỷ đồng (đạt 3,01% kế hoạch vốn năm 2023) tập trung ở dự án cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau. Mục tiêu lũy kế giải ngân từ đầu năm đến hết tháng 2/2023 của đơn vị sẽ là 2.357 tỷ (đạt 22,26% kế hoạch vốn năm 2023).

Thay biện pháp thi công

Đại diện Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, trên cơ sở kết quả phân khai chi tiết đợt 1, số vốn giải ngân năm 2023 của Bộ GTVT tập trung chủ yếu ở các dự án cao tốc Bắc - Nam với tổng số vốn được giao hơn 63.100 tỷ đồng, chiếm 67% tổng kể hoạch vốn.

Khối lượng vốn giải ngân này đòi hỏi biện pháp thi công phải thay đổi. Đặc biệt tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 có phạm vi công địa lớn (từ 20 - 30 km/gói thầu), nếu biện pháp tổ chức thi công duy trì như trước đây (thông thường từ 3 - 5km/mũi thi công) sẽ khó đáp ứng được kế hoạch giải ngân.

“Các chủ đầu tư cần chỉ đạo nhà thầu tập trung tăng mũi thi công, vị trí nào có công địa thuận lợi có thể thi công cuốn chiếu ngay các hạng mục thay vì chờ đợi thi công tuần tự để tăng giá trị giải ngân”, đại diện Vụ Kế hoạch - Đầu tư nêu quan điểm.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), để đảm bảo tiến độ dự án gắn với hiệu quả giải ngân, ngay sau khi tổ chức khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, đơn vị này đã tham mưu Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư xây dựng ngay kế hoạch chi tiết, từ việc huy động thiết bị, nhân lực để tổ chức thi công ngay.

Đặc biệt, các chủ đầu tư đều đặt ra mục tiêu năm 2023 phải đưa sản lượng thi công dự án đạt 30 - 35% giá trị hợp đồng. Đây là tỷ lệ khá lớn trong giai đoạn đầu chủ yếu thi công nền, giá trị sản lượng thấp. Song, phải đạt được kết quả này, việc giải ngân khối lượng vốn lớn của các chủ đầu tư mới có thể hoàn thành.

“Đối với các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, công tác GPMB đã cơ bản hoàn thành, các khó khăn về mỏ vật liệu cũng được tháo gỡ, các nhà thầu cần tập trung nguồn lực tài chính để triển khai thi công, tranh thủ thời tiết thuận lợi, thi công “3 ca, 4 kíp” để lấy lại tiến độ bị chậm”, ông Minh nói.

Hồ sơ không phải lần lượt qua từng phòng ban

Là một trong những Ban QLDA liên tục xếp top đầu về tỷ lệ giải ngân trong 3 năm gần đây (tỷ lệ giải ngân đều đạt hơn 99%), ông Phùng Tuấn Sơn, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (Ban QLDA Thăng Long) cho rằng, mấu chốt để đẩy nhanh được tiến độ giải ngân là phải có khối lượng.

“Riêng năm 2022, để giải ngân hết số vốn khoảng 13.000 tỷ đồng (chiếm 23,6% vốn của cả Bộ GTVT), một trong những giải pháp đột phá Ban QLDA Thăng Long là đơn giản hóa khâu nghiệm thu, thanh toán. Hồ sơ thanh toán từ hiện trường gửi về sẽ chuyển qua một nhóm chuyên môn gồm đại diện tất cả các phòng liên quan cùng xem và trình lãnh đạo Ban phê duyệt. Không phải qua từng phòng, ban nhằm rút ngắn thời gian, xoay vòng dòng tiền cho nhà thầu một cách nhanh nhất”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, trong bối cảnh ảnh hưởng bởi biến động giá cả vật liệu, để nhà thầu có nguồn lực tập kết vật tư, vật liệu đẩy nhanh tiến độ thi công, tạo khối lượng giải ngân, trong khuôn khổ cho phép của quy định pháp luật hiện hành, Ban QLDA Thăng Long đã có sự linh hoạt về cơ chế tài chính với nhà thầu.

Nếu trước đây, trong quá trình thanh toán hạng mục gói thầu hoàn thành, 7% giá trị sẽ được giữ lại (5% tiền bảo hành công trình theo thỏa thuận, 2% tiền phục vụ công tác quyết toán công trình) thì có giai đoạn, Ban đã giảm bỏ khoản giữ lại 2% tiền phục vụ quyết toán và cho nhà thầu làm bảo lãnh đối với khoản tiền bảo hành công trình (có thể bảo lãnh một phần), thực hiện các thủ tục vay ngân hàng để có dòng tiền đưa về công trường.

Vụ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, năm 2023, tổng số kế hoạch Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao là 94.161 tỷ đồng. Đến nay, Bộ GTVT đã kịp thời giao chi tiết đợt 1 cho các dự án đủ thủ tục với tổng số 94.135 (đạt 99,97%).

Theo nhóm các chủ đầu tư/Ban QLDA, các đơn vị thuộc Bộ được giao 86.094 tỷ đồng (chiếm 91,5%); các đơn vị khác được giao 8.040 tỷ đồng (chiếm 8,5%).

Theo nhóm dự án, các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 được giao 17.889 tỷ đồng (chiếm 19% kế hoạch vốn được giao năm 2023); các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 được giao 45.266 tỷ đồng (chiếm 48%); Các dự án ODA được giao 7.784 tỷ đồng (chiếm 8,3%); Các dự án trọng điểm, cấp bách được giao 2.259 tỷ đồng (chiếm 2,4%); Các dự án giao thông trong nước còn lại được giao 20.977 tỷ đồng (chiếm 22,3%).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.