Quản lý

Các địa phương cần phối hợp Chính phủ, Bộ GTVT tạo điều kiện về nguồn VLXD

02/06/2022, 19:34

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết theo báo cáo từ địa phương thì trữ lượng cát vẫn còn, hiện chỉ vướng về thủ tục.

Chiều 2/6, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cùng Đoàn công tác của Bộ GTVT đã có buổi làm việc cùng UBND tỉnh Đồng Tháp về vật liệu xây dựng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2022 - 2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau.

img

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Lê An

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, thống kê nhu cầu sử dụng cát cho dự án thành phần cao tốc Cần Thơ -Cà Mau, phần cát xây dựng cần 0,8 triệu m3, cát đắp nền đường 18,46 triệu m3.

Qua khảo sát các mỏ cát trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cho thấy, trữ lượng dự kiến còn lại là 32,8 triệu m3, khả năng khai thác theo giấy phép là 3,13 triệu m3/năm.

“Rất mong UBND tỉnh xem xét các nguồn còn lại, hoặc nâng công suất các mỏ hiện hữu. Toàn bộ vùng ĐBSCL chỉ mới có 90km cao tốc, chiếm 7% so với số km cao tốc cả nước.

Vì vậy, việc triển khai cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài 110km cùng với cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ là cơ hội để ĐBSCL phát triển, cất cánh. Do đó, rất mong UBND tỉnh chia sẻ, hỗ trợ nguồn vật liệu cho dự án”, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận kiến nghị.

Ông Huỳnh Văn Nguyên, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện UBND tỉnh cấp phép khai thác với tổng khối lượng 5,466 triệu m3/năm và 3 dự án nạo vét khoảng 0,7 triệu m3, với sản lượng khoảng 6,616 triệu m3.

Trong khi đó, nhu cầu cát của địa phương trong giai đoạn 2022-2025 là 44,68 triệu m3, đã bao gồm 2 công trình trọng điểm của Trung ương qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp là cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh và An Hữu - Cao Lãnh với tổng trữ lượng 2,81 triệu m3.

“Với tổng khối lượng khai thác và nạo vét nêu trên hiện nay chưa thể đáp ứng nhu cầu của tỉnh. Tuy nhiên, thời gian qua, UBND tỉnh cũng đã ưu tiên cung ứng cho công trình cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ là 1,27 triệu m3”, ông Nguyên cho biết thêm.

Đối với các công trình trọng điểm Quốc gia ngoài tỉnh, UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết rất khó đáp ứng do vật liệu rất khan hiếm để cung cấp.

Dù vậy, ông Trần Trí Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, địa phương sẽ ghi nhận nhu cầu này và khi thực hiện quy hoạch mới, sẽ cân nhắc và cân đối việc hỗ trợ cát cho dự án.

img

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Lê An

Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm nhấn mạnh, khu vực ĐBSCL thì hệ thống hạ tầng giao thông được xem là điểm nghẽn, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải.

Thời gian qua, Chính phủ đã hết sức quan tâm, quyết liệt chỉ đạo xây dựng quy hoạch, kế hoạch, các cơ chế chính sách, tập trung ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của khu vực ĐBSCL.

Hiện nay các dự án của ngành giao thông đang triển khai tại ĐBSCL và trong thời gian tới, Chính phủ, Bộ GTVT triển khai đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam và tuyến trục dọc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Việc này có vai trò quan trọng, hoàn thành hệ thống đường cao tốc, kết nối liên vùng. Do nhiều dự án lớn triển khai cùng lúc thì nhu cầu vật liệu là rất lớn, đòi hỏi các địa phương phối hợp cùng Chính phủ, Bộ GTVT, tạo điều kiện về nguồn vật liệu.

“Các vấn đề quan trọng nhất đó là nguồn vốn, GPMB và nguồn vật liệu. Do vậy cần phải có sự vào cuộc quyết liệt và ủng hộ từ các địa phương cùng với Chính phủ, Bộ trong quá trình triển khai dự án”, Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ GTVT, trong khi đó, theo báo cáo từ địa phương thì trữ lượng cát vẫn còn, hiện chỉ vướng về thủ tục. Từ đó, Thứ trưởng đề nghị địa phương nâng công suất khai thác các mỏ cát hiện hữu lên 50%, rà soát quy hoạch các mỏ cát mới.

Kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp bày tỏ sẽ ủng hộ các công trình giao thông trên ĐBSCL. Qua đó, tỉnh sẽ giao Sở TN&MT tham mưu tỉnh tăng sản lượng khai thác cát tại các mỏ.

Đồng thời, khẩn trương rà soát việc thực hiện quy hoạch trữ lượng 33 triệu m3 khối cát sớm trình UBND tỉnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.