Xã hội

Các địa phương chuẩn bị giải ngân gói 62.000 tỷ thế nào?

17/04/2020, 07:02

Liên quan đến việc triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, dù chưa có hướng dẫn chi tiết song nhiều địa phương đã chủ động lên kế hoạch thực hiện.

img
Người nghèo đang mong ngóng từng ngày nhận được khoản hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng (Trong ảnh: Người dân tới nhận gạo miễn phí tại điểm “ATM gạo” do Hội Chữ thập đỏ Nha Trang - Khánh Hòa tổ chức ngày 16/4). Ảnh: Quốc Nhựt

Tại Thanh Hóa, ông Ngô Hoàng Kỳ, Chánh văn phòng UBND tỉnh cho biết, hiện tỉnh đã giao cho Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các ngành rà soát, hoàn thiện các văn bản theo đúng quy định trình UBND tỉnh trong thời gian sớm nhất.

Theo bà Đinh Cẩm Vân, Giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa, hiện ngành LĐ-TB&XH đang rà soát, chưa có số liệu cụ thể. Khi có kết quả gửi sang, Sở sẽ trình UBND tỉnh và gửi ra Trung ương để xin cấp kinh phí.

Về việc này, ông Trịnh Ngọc Dũng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa cho hay, việc rà soát thống kê đang được tiến hành. Khó khăn chủ yếu hiện này là rà soát các trường hợp lao động tự do. Khi được hỏi liệu có xảy ra tiêu cực, ông Dũng nói: “Khi có thông tin về gói hỗ trợ thì không ít người cũng đặt những câu hỏi như vậy. Bản thân những người làm trực tiếp công tác rà soát, chi trả có cảm giác buồn, chạnh lòng. Tôi khẳng định là sẽ làm đúng trách nhiệm và chi trả đủ cho từng người dân”.

Tại TP HCM, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP cho biết, sẽ có khoảng 18.700 người trên địa bàn được nhận hỗ trợ từ gói an sinh. Việc rà soát sẽ được triển khai ở từng khu phố, phường, xã. Hiện, Sở vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ LĐ-TB&XH, tuy nhiên tiền hỗ trợ sẽ được chuyển đến tay người lao động trong tháng 4 này. Về khả năng xảy ra tiêu cực, ông Tấn cho rằng việc giám sát sẽ được thực hiện nghiêm, ai sai phải chịu trách nhiệm.

Tương tự, ông Trần Văn Hà, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang cũng cho rằng, khi đã thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, mọi người đều nắm rõ quy trình, đối tượng, điều kiện được hỗ trợ và người dân cùng vào cuộc giám sát chặt chẽ thì hoàn toàn có thể ngăn chặn được sai sót, trục lợi.

Tại Quảng Ninh, ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh thông tin: “Đối tượng chính sách rất rộng, liên quan đến nhiều người dân. Thậm chí, nhiều đối tượng có thể thụ hưởng được nhiều chính sách nên công tác rà soát, thẩm định khó khăn. Nhưng khó đến đâu thì gỡ đến đấy. Hiện, chúng tôi đang tập trung rà soát, xác minh hỗ trợ đối với nhóm đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo. Dự kiến cuối tháng 4 có thể giải ngân được. Còn nhóm đối tượng khác như mất việc làm, thất nghiệp… có thể cần có thời gian lâu hơn”.

Trong khi đó, theo ông Hà Văn Trọng, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh, từ kinh nghiệm và bài học trong đợt chi trả đền bù sự cố môi trường biển năm 2016 (vụ Formosa), Sở Tài chính sẽ tham mưu cho UBND tỉnh triển khai theo hướng công khai, minh bạch và để người dân tự giám sát. “Các đối tượng là người có công với cách mạng; các hộ nghèo, cận nghèo thì cơ bản đã có danh sách, số lượng. Riêng đối với lao động tự do thì hướng sẽ là giao cho các khu dân cư và thôn, xóm rà soát, lập danh sách. Sau đó, sẽ niêm yết công khai để người dân tự giám sát lại một lần nữa”, ông Trọng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.