Điều tra

Các đối tượng chống đối tại Đồng Tâm đối mặt mức án nào?

20/01/2020, 07:05

Luật sư cho rằng, hậu quả 3 chiến sỹ hy sinh, có căn cứ xác định là đồng phạm thì các đối tượng phải đối mặt hình phạt cao nhất đến tử hình.

img
Một số đối tượng gây rối trật tự và chống người thi hành công vụ tại xã Đồng Tâm, Hà Nội

Đối mặt mức án cao nhất

Liên quan đến các đối tượng gây vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) làm ba cán bộ, chiến sỹ công an hy sinh, ngày 20/1, trao đổi Báo Giao thông, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh - Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, hiện đã có 20 bị can bị khởi tố về tội Giết người - con số kỷ lục trong một vụ án.

Luật sư Thơm phân tích, đây là vụ án Giết người, Chống người thi hành công vụ với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội. Các đối tượng đã lên kế hoạch chặt chẽ, phân công nhiệm vụ và chuẩn bị vũ khí, hung khí nguy hiểm để đối phó với các lực lượng thực thi nhiệm vụ.

Xét hành vi phạm tội của các đối tượng đã cấu thành tội Giết người và tội Chống người thi hành công vụ. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a, d, n, o Khoản 1 Điều 123 và Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015.

Cụ thể, Điều 123 Bộ luật Hình sự quy định người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: Giết 02 người trở lên; Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; Có tính chất côn đồ; Có tổ chức.

Điều 330 tội chống người thi hành công vụ quy định, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; Phạm tội 02 lần trở lên; Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm.

"Về nguyên tắc, khi quyết định hình phạt phải căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự. Hình phạt tử hình được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có tội Giết người khi xét thấy không có khả năng giáo dục cải tạo, là kẻ chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực và không còn tính người.

Trong vụ án này, với hậu quả 03 chiến sỹ hy sinh, nếu có căn cứ xác định là đồng phạm thì các đối tượng vẫn phải đối mặt hình phạt cao nhất đến tử hình", luật sư Thơm cho biết.

img
Hung khí các đối tượng ở Đồng Tâm dùng để gây rối, tấn công người thi hành công vụ

Cần khởi tố đối tượng quốc tế tài trợ tiền cho hành vi khủng bố

Về thông tin các đối tượng ở nước ngoài gửi tiền cho các đối tượng ở xã Đồng Tâm thực hiện hành vi tàng trữ vũ khí quân dụng, khủng bố, theo luật sư Thơm, cơ quan CSĐT có thể tiến hành khởi tố đối tượng quốc tế, đồng thời phối hợp với công an nước ngoài bắt giữ, xử lý đối tượng tài trợ tiền về hành vi Khủng bố và tội tài trợ khủng bố theo qui định.

"22 đối tượng đã khởi tố tội Giết người, Chống người thi hành công vụ, Tàng trữ vũ khí quân dụng có thể sẽ bị khởi tố bổ sung về tội Khủng bố theo Điều 299 Bộ luật Hình sự", luật sư Thơm nhận định thêm.

“Tài trợ khủng bố là việc huy động tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố theo quy định tại khoản 1, Điều 300 của Bộ luật Hình sự là hành vi vận động, kêu gọi cá nhân, tổ chức cung cấp, tặng, cho vay tiền, cho mượn tài sản hoặc dưới hình thức khác cho tổ chức, cá nhân khủng bố”, Luật sư Nguyễn Anh Thơm phân tích.

Theo đó, người nào huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố, thì bị phạt tù từ 05 - 10 năm; Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 1 - 5 năm; Người phạm tội còn có thể bị phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 - 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản;

Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, có thể bị phạt tiền từ 1 - 5 tỷ đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 - 3 năm.

Liên quan đến vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) làm ba cán bộ, chiến sỹ công an hy sinh, hiện Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 22 người trong vụ án xảy ra tại xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Sau khi thu thập chứng cứ, lấy lời khai những người liên quan, Cơ quan điều tra đủ căn cứ ra quyết định khởi tố bị can và tạm giam 20 người về hành vi giết người, gồm: Lê Đình Công, Lê Đình Uy, Bùi Văn Niên, Nguyễn Văn Tuyến, Trần Thị La, Bùi Thị Nối, Bùi Văn Tiến, Nguyễn Thị Lụa, Bùi Viết Hiểu, Bùi Văn Tuấn, Nguyễn Quốc Tiến, Lê Đình Doanh, Bùi Thị Đục, Lê Đình Quân, Lê Đình Quang, Nguyễn Văn Duệ, Nguyễn Thị Bét, Trịnh Văn Hải, Nguyễn Văn Quân; Lê Đình Chức.

Khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với 2 bị can về hành vi chống người thi hành công vụ gồm Lê Đình Hiển, Bùi Viết Tiến.

Cơ quan điều tra đang tạm giữ Nguyễn Thị Dung để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ và Nguyễn Xuân Điều, Trần Thị Phượng, Đào Thị Kim về hành vi giết người.

Trước đó, ngày 9/1, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án kể trên để làm rõ 3 tội danh: giết người; tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép; và chống người thi hành công vụ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.