Quản lý

Các dự án ODA giao thông đang giải ngân thế nào?

20/07/2022, 07:20

Sáu tháng đầu năm, nguồn vốn ODA trên địa bàn cả nước giải ngân rất chậm chạp và gần như bị đóng băng.

Tuy nhiên, các dự án ODA giao thông đang vượt khó, chạy đua với thời gian và thời tiết để tăng tốc giải ngân đúng kế hoạch…

img

Thi công dự án tăng cường kết nối giao thông Tây Nguyên đoạn qua thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai

Chạy đua với thời tiết

Trung tuần tháng 7/2022, ông Nguyễn Ngọc Tân, Giám đốc điều hành dự án tăng cường kết nối giao thông Tây Nguyên nặng trĩu tâm tư khi hai tuần vừa qua, những trận mưa đêm liên tiếp xuất hiện tại khu vực công trường dự án.

Theo ông Tân, hiện, ngoài gói thầu XL8 mới khởi công đầu tháng 6/2022 trên địa bàn tỉnh Bình Định có thời tiết ổn định, hầu hết các gói thầu còn lại đều đang trong tình trạng thi công cầm chừng.

Tại các gói thầu XL2, XL4A, XL4B, XL5 và XL7, hiện hơn 30 đầu máy, thiết bị và 5 trạm trộn bê tông nhựa đã được huy động tăng cường, sẵn sàng chạy đua với thời tiết.

Chia sẻ thêm, ông Tân cho biết, năm 2022, dự án được giao kế hoạch vốn 626 tỷ đồng. Trong đó, 10 tỷ đồng là vốn đối ứng, 616 tỷ đồng là vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB).

Tính từ đầu năm đến hết tháng 6/2022, kết quả giải ngân dự án đã vượt kế hoạch được giao hơn 50%. Riêng vốn GPMB giao đầu năm (150 tỷ đồng) đã giải ngân xong và tiếp tục xin bổ sung thêm 88 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành giải ngân trong tháng 9/2022.

Riêng tháng 7/2022, khối lượng giải ngân dự kiến đạt khoảng 50 tỷ đồng, vượt từ 5 - 6% so với kế hoạch yêu cầu.

Những ngày qua, dự án tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP Long Xuyên cũng đang tận dụng tối đa thời gian “trời quang mây tạnh” để gia tăng sản lượng trên công trường.

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, tính đến ngày 14/7, sản lượng thi công dự án đạt 11,57% giá trị hợp đồng, vượt 0,21% so với kế hoạch. Kết quả thi công tích cực giúp cho khối lượng giải ngân tại dự án đến nay đạt hơn 243 tỷ đồng trong tổng số gần 466 tỷ đồng kế hoạch vốn được giao trong năm 2022.

Được giao kế hoạch vốn năm 2022 gần 489 tỷ đồng, trong đó vốn ODA gần 353 tỷ đồng, ông Lê Quang Thảo, Giám đốc điều hành dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ cho biết, tính đến ngày 30/6/2022, số vốn ODA đã được giải ngân là hơn 168 tỷ đồng (đạt 47%), cơ bản đáp ứng theo kế hoạch đăng ký.

Hiện, cả 4 gói thầu tại dự án đều đã được khởi công. Trong đó, các gói thầu khởi công trong tháng 5 và tháng 6/2022 (cầu Bến Mới, Sông Trường, Nước Oa, Đoan Hùng, Đa Phúc) đang trong giai đoạn huy động nhân sự, thiết bị, các thủ tục cấp phép để triển khai thi công.

Riêng gói thầu thi công cầu Xóm Bóng khởi công từ tháng 3/2022, nhà thầu đã hoàn thành công tác phá dỡ cầu cũ, đang thi công cọc khoan nhồi. Đến nay, sản lượng đạt được khoảng 9%.

Lo lắng nhất ở thời điểm hiện tại trong số các dự án ODA giao thông đang triển khai là dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc. Theo đại diện Ban điều hành dự án, năm 2022, dự án được giao kế hoạch vốn khoảng 665 tỷ đồng, trong đó, vốn ODA khoảng 500 tỷ đồng. Thế nhưng đến nay, khối lượng giải ngân tại dự án mới chỉ đạt khoảng 60 tỷ đồng cho hai gói thầu đã khởi công là XL08 và XL09.

Đáng nói, đây mới chỉ là khối lượng Ban QLDA tạm ứng cho nhà thầu, công tác nghiệm thu, thanh toán khối lượng thực tế vẫn chưa được tiến hành.

Nguyên nhân do thời tiết khu vực bước vào mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 10. Gói thầu XL08 đã triển khai đào nền nhưng phải tạm dừng, nhà thầu chỉ đang tập trung làm cấu kiện đúc sẵn. Gói thầu XL09 mới khởi công gần 2 tháng, nhà thầu đang huy động nhân sự khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công để trình phê duyệt.

Dù vậy, đại diện ban điều hành dự án vẫn lạc quan, từ nay đến tháng 9/2022, 9 gói thầu còn lại của dự án được khởi công, Ban QLDA sẽ làm hồ sơ tạm ứng cho mỗi gói thầu 15% giá trị hợp đồng. Nguồn vốn ODA 500 tỷ đồng sẽ được giải ngân hết trong năm nay.

Vẫn nỗi lo vật liệu, mặt bằng

Nơm nớp nỗi lo thời tiết, điều khiến các dự án giao thông nói chung và các dự án giao thông sử dụng vốn vay nước ngoài nói riêng là khó khăn về nguồn vật liệu và sự leo thang của giá vật tư, vật liệu.

Dẫn chứng cụ thể, ông Nguyễn Ngọc Tân cho biết, so với thời điểm bỏ thầu, hiện giá vật liệu đá thi công dự án kết nối giao thông Tây Nguyên đã tăng 1,3 lần; Giá dầu tăng từ 14.000 đồng/lít lên 30.000 đồng; nhựa đường tăng từ 11.000 đồng lên 18.000 đồng/kg. Chỉ số trượt giá vật liệu tăng cả vài chục phần trăm trong khi chỉ số giá xây dựng địa phương công bố không nổi 4 - 5%.

Trong 5 dự án ODA giao thông đang triển khai, hiện dự án WB6 - Kênh nối Đáy - Ninh Cơ không thể hoàn thành theo kế hoạch 30/6/2022. Hiện, Ban QLDA Đường thủy đang hoàn thiện các thủ tục gia hạn hợp đồng với WB. WB đang xem xét các điều kiện để thống nhất gia hạn hiệp định đến ngày 30/6/2023. Lũy kế sản lượng dự án đến nay đạt 51%.


Chưa kể, vật liệu thi công dự án cũng đang rơi vào cảnh ăn đong bởi chủ mỏ vật liệu luôn yêu cầu phải tiền tươi.

“Để nhà thầu tránh cảnh “hụt hơi”, Ban điều hành dự án đang làm việc với Sở Xây dựng địa phương xem xét, công bố chỉ số giá xây dựng riêng cho dự án; bù giá cho nhà thầu theo chỉ số hiện tại, khi địa phương công bố chỉ số giá mới sẽ cập nhật lại cho nhà thầu. Thủ tục tạm ứng cũng được tiến hành linh hoạt”, ông Tân chia sẻ.

Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận Trần Văn Thi cũng chung nỗi lo khi giá vật liệu cát thoát nước thi công dự án tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP Long Xuyên cao khoảng 1,5 lần so với thời điểm bỏ thầu, ảnh hưởng đến việc mua cát của nhà thầu.

“Ban QLDA Mỹ Thuận đã tiến hành cảnh cáo 3 lần đối với nhà thầu tại các gói CW4A, CW4C và 2 lần đối với gói CW4B. Yêu cầu nhà thầu tăng cường thiết bị, tập trung nguồn lực vào dự án; rà soát và đề xuất giải pháp kỹ thuật đảm bảo hoàn thành dự án theo tiến độ yêu cầu.

Song, thời gian tới, việc giao các địa phương có nguồn cát như: An Giang, Đồng Tháp tham gia và ưu tiên cát cho các dự án theo thứ tự (Dự án quan trọng quốc gia, nhóm A, B…) cần phải được tính tới”, lãnh đạo Ban QLDA Mỹ Thuận kiến nghị.

Nỗ lực giải ngân hết 100% vốn ODA

Trao đổi về khó khăn trong công tác quyết toán, giải ngân, theo ông Lê Quang Thảo, thông thường thời gian từ lúc nhà thầu đệ trình hóa đơn thanh toán cho Ban QLDA đến khi nhà thầu nhận được tiền thường mất khoảng 3 - 4 tuần do đây là dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA song phương.

Trong đó, thủ tục phía Việt Nam (Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính) mất 1 - 2 tuần và thủ tục phía Nhà tài trợ là 2 tuần.

Để tạo điều kiện thuận lợi, hiệu quả giải ngân tại dự án, ông Thảo đề nghị các cấp thẩm quyền xem xét, trao đổi với Nhà tài trợ các quy trình giải ngân để hỗ trợ Dự án rút ngắn thời gian giải ngân của các dự án ODA, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn vay song phương (EDCF, JICA...).

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Vụ KH-ĐT, Bộ GTVT) cho biết, năm 2022, Bộ GTVT được giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước 50.328 tỷ đồng. Trong đó, có 4.877 tỷ đồng vốn nước ngoài.

Đến nay, Bộ GTVT đã phân bổ chi tiết cho các chủ đầu tư, ban QLDA toàn bộ 4.877 tỷ đồng (100%) vốn nước ngoài.

Đến hết tháng 6/2022, Bộ GTVT dự kiến giải ngân khoảng 17.200 tỷ đồng, đạt 34,2% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Riêng vốn nước ngoài giải ngân được 1.843 tỷ đồng, đạt 37,8%.

Xác định khối lượng phải giải ngân trong 6 tháng cuối năm là rất lớn, Bộ GTVT đã có nhiều văn bản đôn đốc, yêu cầu thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân tại các dự án có kế hoạch còn lại lớn, đặc biệt là tại các dự án trọng điểm, các dự án phải hoàn thành trong năm 2022.

Trong đó có các dự án ODA giao thông như: Tân Vạn - Nhơn Trạch, tuyến tránh Long Xuyên, kết nối giao thông Tây Nguyên, kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc.

Theo Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm 2022, giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài (ODA) của cả nước chỉ đạt 9,1%, chậm chưa từng thấy. Thậm chí, tại một số bộ, ngành, địa phương đến giờ này còn chưa giải ngân được đồng nào.

Năm 2022, Chính phủ giao kế hoạch vốn ODA ở mức 34.800 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, giải ngân vốn ODA chỉ đạt 9,12% kế hoạch vốn được giao (trong đó, bộ, ngành đạt 16,12%; địa phương đạt 5,38%).

Trong số này, các dự án của TP.HCM có tổng vốn ODA trên 10.000 tỷ đồng. Nhưng đã hết 6 tháng đầu năm, con số giải ngân vốn của địa phương này vẫn bằng 0. Tương tự, Bến Tre cũng là một trong những địa phương xếp "đội sổ” trong giải ngân ODA.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.