Đường bộ

Các dự án ODA giao thông trọng điểm đang triển khai thế nào?

07/01/2022, 14:15

Trong số 4 dự án giao thông sử dụng vốn ODA, 1 dự án đã hoàn thành, 3 dự án còn lại đang rốt ráo triển khai thi công…

Thông tin về tiến độ các dự án giao thông sử dụng vốn ODA, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng CTGT (Cục QLXD&CLCTGT, Bộ GTVT) cho biết, trong số 4 dự án triển khai, dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long đã cơ bản hoàn thành vào tháng 12/2021, hội đồng kiểm tra nhà nước đã chấp thuận kết quả nghiệm thu có điều kiện.

Bộ GTVT cũng chấp thuận thông xe các nhánh kết nối lên xuống cầu cạn từ ngày 27/12/2021.

img

Cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long là một trong 4 dự án ODA đã cơ bản hoàn thành

Đối với dự án WB6 - Kênh nối Đáy - Ninh Cơ, tính đến hết tháng 12/2021, sản lượng thi công 4 gói thầu đạt khoảng 25%, tăng 5% so với tháng 11/2021, song chậm 20% so với kế hoạch đề ra trong tháng 12. Nguyên nhân do nhà thầu thi công chậm, thời tiết khu vực dự án mưa nhiều.

“Hiện, các nhà thầu đang triển khai thi công nạo vét, đóng cọc bê tông cốt thép, đúc dầm. Thế nhưng với tiến độ hiện nay, dự án khó có thể hoàn thành theo kế hoạch vào tháng 6/2022. Ban QLDA Đường thủy cần chỉ đạo nhà thầu lập lại tiến độ thi công, bám sát tiến độ đã được chấp thuận để cải thiện tình hình”, Cục QLXD&CLCTGT đề nghị.

Về dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, Cục QLXD&CLCTGT cho biết, hiện nay, mặt bằng phục vụ dự án đã bàn giao 114/143km (đạt 80%), phần mặt bằng còn lại dự kiến bàn giao trong quý 1/2022.

Tính đến nay, 6/8 gói thầu đã được khởi công. Trong đó, 2 gói thầu khởi công cuối tháng 8/2021 (XL-03, XL-04A) đang thi công hệ thống thoát nước, thi công cầu, nền đường,…. 4 gói thầu khởi công trong tháng 11/2021 (XL-02, XL-05, XL-06, XL-07) đang tổ chức khảo sát thiết kế bản vẽ thi công, huy động công trường, tập kết vật liệu,…

Hai gói thầu còn lại dự kiến khởi công trong quý 1/2022. Ban QLDA 2 tập trung hoàn thành các thủ tục lựa chọn nhà thầu của hai gói thầu còn lại, phối hợp với địa phương ban giao toàn bộ mặt bằng cho dự án.

Với Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, hiện, gói A5 đã đạt sản lượng hơn 74% (chậm khoảng gần 14%), gói A7 đạt sản lượng 54,89% (chậm khoảng 6,8%). Sản lượng toàn dự án ước đạt hơn 80,3%.

“Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đang phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước hoàn thành thẩm định phương án tài chính 5 dự án của VEC và gửi Bộ Tài chính làm cơ sở trình Chính phủ xem xét, quyết định sử dụng Hiệp định vay ADB lần 2 hoàn thành các gói thầu đoạn phía Tây dự án; VEC tạm sử dụng khoản tiền nhàn rỗi chưa đến hạn trả nợ các khoản vay và nguồn vốn hợp pháp khác của doanh nghiệp để thanh toán cho nhà thầu”, Cục QLXD&CLCTGT cho hay.

Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ là một hợp phần rất quan trọng của Dự án WB6, gồm nhiều hạng mục như: Xây dựng kênh nối giữa sông Đáy và sông Ninh Cơ với chiều dài khoảng 1km; Xây dựng âu tàu; Cầu vượt kênh nối Đáy Ninh Cơ; Hạng mục phụ trợ khác. Sau khi hoàn thành cụm công trình này giúp cho tàu có trọng tải 2.000 tấn đầy tải và 3.000 tấn giảm tải có thể đi sâu vào đất liền đến cụm cảng Ninh Bình, Ninh Phúc.

Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (QL19) có chiều dài hơn 143km đi qua địa bàn hai tỉnh Gia Lai (dài 126km) và Bình Định (dài 17km). Dự án được thiết kế với quy mô cấp 3, hai làn xe, bề rộng mặt đường 11m với tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 57 km, đi qua Long An, TP.HCM, Đồng Nai. Dự án khởi công năm 2014 có tổng đầu tư 31.300 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ADB, JICA và vốn đối ứng trong nước. Ban đầu, cao tốc dự kiến hoàn thành năm 2019, nhưng vướng mắc về vốn nên chậm tiến độ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.