Vận tải

Các hãng taxi vì sao không dùng chung một ứng dụng đặt xe?

02/10/2017, 07:05

Taxi truyền thống đua nhau triển khai các phần mềm đặt xe “made in Vietnam”... nhưng hiệu quả rất hạn chế.

1

Taxi truyền thống đang chạy đua công nghệ để đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân và cạnh tranh với Uber, Grab - Ảnh: Tạ Tôn

Để tránh phá sản trước sự cạnh tranh gắt gao của Grab, Uber, các hãng taxi truyền thống đang chạy đua đầu tư ứng dụng công nghệ. Tuy nhiên, chưa có ứng dụng nào thực sự mang lại hiệu quả.

Sức ép lớn, thi nhau phát triển ứng dụng công nghệ

Gần đây nhất vào cuối tháng 9, Công ty CP Nội Bài đã ra mắt ứng dụng đặt xe trên nền tảng các công nghệ điện toán đám mây; công nghệ bản đồ tìm đường chính xác; công nghệ xử lý dữ liệu lớn - Big Data và công nghệ Mobile APP. Các công nghệ mới này giúp hệ thống Nội Bài online có thể đáp ứng được hàng trăm nghìn yêu cầu đặt xe mỗi ngày và giúp Nội Bài online cung cấp đa dạng phương thức đặt xe cho khách hàng. Ông Nguyễn Quang Vương, Giám đốc hãng này cho biết, thay vì cách đặt xe ra sân bay truyền thống trước đây, khách hàng có thể chọn lựa nhiều hình thức linh hoạt như đặt xe qua website, đặt xe qua hotline và qua hệ thống tin nhắn miễn phí.

“Trong bối cảnh hiện tại, hoạt động kinh doanh vận tải, nhất là hình thức vận tải taxi đang gặp nhiều khó khăn, cạnh tranh khốc liệt, giá thành cao, nhiều loại hình vận tải cùng tham gia…, buộc các công ty phải ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động kinh doanh”, ông Vương nói.

Không riêng gì taxi Nội Bài, khi sức ép từ Uber và Grab ngày một lớn, nhiều hãng taxi truyền thống đã bắt đầu “phản công” để giành lại thị phần bằng cách đua nhau tung ra các App (phần mềm) đặt xe “made in Vietnam”. Ngoài một số hãng nằm trong Đề án thí điểm của Bộ GTVT như Vinasun, Mai Linh, Thành Công,… các hãng Mai Linh Đông Đô (Open99), Thế Kỷ Mới, Taxi Group, Taxi Đất Cảng cũng liên tiếp cho ra mắt các ứng dụng gọi xe riêng của mình.

Ông Hồ Huy, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Mai Linh cho biết, tập đoàn đã lắp ứng dụng gọi xe bằng phần mềm trên smartphone cho hơn 15.000 xe toàn hệ thống với vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng. Hiện, đã có khoảng 10.000 lượt tải App. Việc bỏ ra số tiền lớn làm thay đổi thói quen cũng như cách thức quản lý theo lãnh đạo hãng này, không gì ngoài mục đích cạnh tranh với dịch vụ Uber và Grab taxi hiện nay. “Lúc này, chúng tôi đang tính toán để đưa ra chính sách giá cước và các hình thức khuyến mại cạnh tranh nhất”, ông Huy cho hay.

Thừa nhận 2 “tác nhân” Uber và Grab đã gây thiệt hại về kinh tế cho các hãng taxi truyền thống, Giám đốc Công ty CP Vận tải, thương mại và dịch vụ Đất Cảng Khúc Hữu Thanh Hải cho biết đã đầu tư khoảng 300 triệu đồng xây dựng ứng dụng Đất Cảng App cho hơn 300 taxi.

Nói về cuộc đua công nghệ này, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, đây là xu thế tất yếu, nhưng hiệu quả hiện nay vẫn khá hạn chế. Theo ông Bình, thói quen của khách vẫn khó đổi khi nghĩ đến di chuyển bằng taxi là gọi tổng đài, số lượng người tải về để cài đặt ứng dụng của các hãng này trong thiết bị di động rất ít. Qua thống kê, App của Thế Kỷ Mới chỉ có khoảng 500 lượt tải; Thành Công khoảng 5.000 lượt; Taxi Group đông đảo hơn với 10.000 lượt tải về.

Thậm chí, nhiều ứng dụng còn bị người dùng phản ánh là rắc rối, kém thân thiện, hay không thể sử dụng được. Anh Mai Văn Hạnh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay, anh và người nhà có sử dụng thử một vài ứng dụng gọi xe của các hãng taxi truyền thống. Tuy nhiên, “nhiều ứng dụng khó sử dụng, còn nhiều lỗi vặt, không thuận tiện bằng Uber, Grab” nên anh và gia đình không tiếp tục sử dụng.

2

Thành Công taxi đã phát triển ứng dụng Thành Công Car cạnh tranh với Uber, Grab - Ảnh: Tạ Tôn

Có nên lập phần mềm chung “made in Việt Nam”?

Cũng theo ông Đỗ Quốc Bình, chi phí làm App gọi xe của các hãng rất đa dạng. Có hãng chỉ mất vài chục triệu đồng, nhưng có hãng mất vài trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng. Khi được hỏi, App gọi xe có làm cho tình hình kinh doanh của các hãng taxi truyền thống tốt hơn không, ông Đỗ Quốc Bình cho rằng, điều đó rất khó đánh giá, bởi một ứng dụng làm xong không có nghĩa là có khách hay cạnh tranh được. Ứng dụng đặt xe chỉ là một cách đặt xe trong một tổng thể đa phương thức như: website, tổng đài, ứng dụng trên thiết bị di động.

Phó phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) Nguyễn Tuyển nhận định, các hãng taxi nên xây dựng một ứng dụng gọi xe chung cho tất cả. Quy chế quản lý taxi của Hà Nội cũng định hướng xây dựng một App điều hành chung đối với taxi của thành phố nhưng không nhận được sự đồng thuận của các doanh nghiệp. Các hãng taxi truyền thống đang mạnh ai nấy làm, dẫn đến tính cạnh tranh, chất lượng dịch vụ không cao.

“Một doanh nghiệp taxi không thể có đủ xe để “phủ” toàn địa bàn thành phố. Nếu trên 19.000 xe taxi của Hà Nội cùng chung một App, độ phủ sẽ dày hơn, chủng loại xe phong phú, đa dạng hơn Uber, Grab. Các doanh nghiệp có một App chung là taxi Hà Nội chẳng hạn, khách hàng sẽ rất dễ biết và tải ứng dụng. Mỗi hãng là một tên App khách hàng sẽ khó nhận biết và không thể biết đâu là App của Mai Linh hay Group”, ông Tuyển nhìn nhận.

Thực tế, dù bỏ số tiền lớn để đầu tư ứng dụng, nhưng gần như chưa đơn vị nào thành công trong việc “bắt chước” các ứng dụng gọi xe nước ngoài, kết quả sản xuất kinh doanh không mấy khả quan. Giống như đối thủ trong phân khúc taxi truyền thống là Vinasun, không lâu sau khi Vinasun cắt giảm 8.000 nhân sự, Mai Linh là hãng taxi truyền thống tiếp theo phải co hẹp phạm vi hoạt động khi 25% nhân viên đã nghỉ việc chỉ trong vòng 6 tháng. Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh cho biết, trong số 24.000 nhân viên làm việc với Mai Linh từ đầu năm 2017, gần 6.000 người đã nghỉ việc chỉ trong nửa năm, chiếm 25% tổng số nhân viên. Tổng lợi nhuận trong kỳ của hãng chỉ còn 26 tỷ đồng, chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2016. Lũy kế đến hết ngày 30/6, Mai Linh lỗ trên 790 tỷ đồng.

Ông Trương Quốc Hùng, Giám đốc Công ty CP Phát triển thương mại và du lịch quốc tế Ngôi Sao - đơn vị sở hữu thương hiệu Vic taxi với phần mềm Vic Car thẳng thắn cho biết, với các doanh nghiệp nhỏ, ít xe, khó gánh được chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ. 

Tương tự, ông Khúc Hữu Thanh Hải thừa nhận, App gọi xe không phải là yếu tố có thể cạnh tranh với Uber, Grab và cho rằng đây chỉ là công cụ hỗ trợ doanh nghiệp điều hành, nâng cao chất lượng dịch vụ. Trước câu hỏi các hãng taxi truyền thống có nên xây dựng một ứng dụng chung “made in Viet Nam”, ông Hải cho rằng, việc xây dựng một App chung không khó nhưng để hoạt động hiệu quả, cạnh tranh với Uber, Grab là không thể.

Chuyên gia vận tải, PGS, TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên Đại học GTVT Hà Nội cho rằng, việc góp sức tạo nên một App chung vừa có thể giảm thiểu chi phí đầu tư, lại vừa tạo nên một lực lượng hùng hậu để đối trọng với Grab, Uber. Nhưng muốn tập hợp được các hãng taxi vào chung một phần mềm thống nhất quy định về mức giá, cung cách hoạt động và điều phối hợp lý, cần có một tổ chức trung gian đủ năng lực cũng như uy tín đứng ra làm đầu tàu. Tổ chức này có thể là một Hiệp hội do các hãng taxi lập nên, cũng có thể là một cơ quan quản lý nhà nước đủ thẩm quyền.

 

Nhờ đâu Didi có thể đánh bại Uber?

Nơi nào Uber có mặt, nơi đó đều có các ứng dụng của địa phương phát triển song song để cạnh tranh. Dù vậy, cho tới thời điểm này, ở hầu hết các nơi, Uber đều chiếm ưu thế chỉ trừ thị trường Trung Quốc. Ứng dụng địa phương Didi Chuxing do người Trung Quốc tự phát triển không chỉ lớn mạnh với tốc độ thần kỳ, mà còn đánh bật Uber khỏi thị trường đặt xe lớn thứ 2 trên thế giới.

Năm ngoái, Didi đã mua lại Uber Trung Quốc với giá 35 tỉ USD, trở thành công ty chiếm 90% thị phần trên thị trường đặt xe Trung Quốc. Nhận định về sự phát triển thần kỳ của Didi, ông Jacob Cooke, nhà tư vấn công nghệ làm việc tại Bắc Kinh chỉ ra: Didi dễ dàng kêu gọi vốn tại địa phương. Đây là điều mà Uber chắc chắn không bao giờ có thể cạnh tranh với họ tại Trung Quốc. Mặt khác, là công ty địa phương nên Didi hiểu rất rõ sở thích, thói quen của người dân địa phương và khai thác triệt để vấn đề này làm thế mạnh.

Trang Trần

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.