Hồ sơ tài liệu

Các Ngoại trưởng ASEAN yêu cầu giải pháp hoà bình cho biển Đông

11/05/2014, 09:32

Động thái đưa giàn khoan HD - 981 vào sâu trong khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trở thành vấn đề nóng trên bàn nghị sự Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Myanmar.

Động thái đưa giàn khoan Hải Dương- 981 và nhiều tàu hộ tống, trong đó có cả tàu quân sự vào sâu trong khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hiện đang phủ bóng lên Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN đang diễn ra tại Nay Pyi Taw, Myanmar.    

Ngoại trưởng nước chủ nhà Myanmar Wuna Maung Lwin nói: “Ngoại trưởng các nước ASEAN đã nhất trí ra Tuyên bố thể hiện sự quan ngại về tình hình hiện nay. Chúng tôi yêu cầu các bên giải quyết căng thẳng bằng giải pháp hòa bình”.

Các vị ngoại trưởng của Hiệp hội các nước Đông Nam Á tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 ở Naypyitaw, Myanmar, thứ Bảy 10/5/2014
Các Ngoại trưởng đã thống nhất cách ứng xử cần có để giải quyết vấn đề biển Đông đang nóng lên tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 ở Naypyitaw, Myanmar

Trong bối cảnh bất ổn chính trị trong nước đang căng thẳng, Phó Thủ tướng chính phủ tạm quyền Thái Lan - Phongthep Thepkanjana hôm qua (10/5) khẳng định Thái Lan vẫn giữ vững vai trò của mình trong ASEAN, bất chấp khủng hoảng chính trị hiện nay: “Thái Lan sẽ tiếp tục có đóng góp quan trọng trong ASEAN. Chính phủ Thái Lan sẽ làm hết sức mình để đưa đất nước hướng tới dân chủ thông qua bầu cử với sự quyết tâm của người dân”.

Các Ngoại trưởng hôm qua cũng đã ra Tuyên bố riêng về tình hình phức tạp hiện nay ở Biển Đông, trong đó yêu cầu các bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện kiềm chế và không được có các hành động có thể ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định ở khu vực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc ngày 01/5 vừa qua, Trung Quốc lần đầu tiên hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương - 981 và đưa tàu hộ tống vào sâu trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý. Cho đến nay, Trung Quốc đã điều hơn 80 tàu, bao gồm cả tàu quân sự, tới khu vực giàn khoan. Các tàu của Trung Quốc đã cố tình đâm va vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, gây thương tích về người và hư hỏng về tài sản. Hành động của Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình và ổn định ở khu vực, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông. 

Việt Nam đã tiến hành nhiều cuộc tiếp xúc ở các cấp khác nhau với phía Trung Quốc, phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay tàu và giàn khoan ra khỏi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Quang Minh (Theo Bangkok Pos, AFP)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.