Văn hóa - Giải Trí

Các nhà hát tại TP.HCM bây giờ ra sao?

09/10/2018, 14:11

TP.HCM đã thông qua chủ trương xây nhà hát 1.500 tỷ tại Thủ Thiêm, vậy những nhà hát cũ ở TP.HCM hiện ra sao?

nha-hat_28944596

Hiện nay ở TP.HCM chỉ có Nhà hát thành phố còn giá trị của một nhà hát đúng nghĩa. Ảnh báo Phụ Nữ

Liên quan đến chủ trương xây dựng Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), ngày 8/10, UBND TP.HCM đã có tờ trình do ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch ký trình HĐND TP Hồ Chí Minh về dự án này để các đại biểu cho ý kiến.

Theo ông Liêm, trước đây vào thời Pháp, thành phố có 3 nhà hát là Nhà hát Opera (nay là Nhà hát TP.HCM), Nhà hát Phiharmonie (nay là Kho bạc TP Hồ Chí Minh) và Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, tuy nhiên đến nay chỉ còn Nhà hát TP Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, các nhà hát xây dựng sau giải phóng như Hòa Bình, Bến Thành hiện đang xuống cấp cũng như không đạt tiêu chuẩn để có thể tổ chức các buổi diễn theo yêu cầu của các đoàn, nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế.

Báo Giao thông mời độc giả cùng điểm lại các nhà hát trên địa bàn TP.HCM qua chùm ảnh dưới đây.

Nhà hát Bến Thành: là một nhà hát thuộc Trung tâm Văn hóa Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Nhà hát được xây dựng nhằm phục vụ cho hoạt động biểu diễn đáp ứng yêu cầu của một trung tâm văn hóa cấp quận. Nhà hát Bến Thành có sức chứa 1.041 chỗ ngồi, gồm 2 tầng: Dưới nhà 753 ghế, trên lầu 288 ghế.

Dù sau này được người Nhật tài trợ nâng cấp hệ thống kỹ thuật âm thanh nhưng nhà hát này vẫn ở mô hình là rạp hát nhỏ.

nha-hat-ben-thanh1

Nhà hát Bến Thành có sức chứa 1.041 chỗ ngồi, gồm 2 tầng: Dưới nhà 753 ghế, trên lầu 288 ghế.

Nhà hát Hòa Bình: Là một trong những nhà hát lớn của Thành phố Hồ Chí Minh, tọa lạc trên đường 3/2, phường 12, quận 10 có tổng diện tích 16.500 m2. Công trình được xây dựng và đưa vào hoạt động chính thức từ ngày 26/4/1985 nhân kỷ niệm 10 năm giải phóng miền Nam. Khi mới đưa vào sử dụng, cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, được đánh giá là nhà hát lớn nhất tại Việt Nam.

Nhà_hát_Hòa_Bình

Nhà hát Hòa Bình có sức chứa hơn 2000 ghế

Trước đây, Nhà hát Hòa Bình phục vụ được hầu hết các chương trình nghệ thuật của các nghệ sĩ danh tiếng quốc tế như Bryan Adams, John Denver, Air Supply, Patricia Kass, Jean-jacques Goldman, Enzo - enzo và các chương trình nghệ thuật nước ngoài đến biểu diễn tại Thành phố Hồ Chí Minh như: Thời trang Pierre Cardin Pháp , Thời trang Yumi Katsura Nhật, dàn nhạc giao hưởng Philadelphia Orchestra Mỹ, Rối bóng Nhật Bản, các đoàn nghệ thuật Hàn Quốc Nanta, Chang Pogo, Liên hoan âm nhạc Châu Á, Xiếc Trung Quốc...

Tuy nhiên, đến nay, do thời gian xây dựng đã quá lâu, cơ sở vật chất, trang thiết bị đã cũ không còn đáp ứng được yêu cầu của các đoàn biểu diễn nghệ thuật mang đẳng cấp quốc tế nữa.

Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh: Là một học viện chuyên ngành chuyên đào tạo và nghiên cứu nhóm ngành âm nhạc từ trình độ trung cấp đến bậc tiến sĩ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trường có trụ sở tại đường Nguyễn Du, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một trong ba nhạc viện tại Việt Nam (hai cơ sở kia là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Học viện Âm nhạc Huế).

nhac-vien-tp.hcm

Nhạc viện TP.HCM

Trường được thành lập ngày 12 tháng 4 năm 1956 với tên ban đầu là trường Quốc gia Âm nhạc trên cơ sở nâng cấp Trường Quốc gia Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên thủy là thành lập năm 1956. 

Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh (thường được gọi ngắn gọn là Nhà hát Thành phố hoặc Nhà hát Lớn) là một nhà hát có mặt tiền hướng ra Công trường Lam Sơn và đường Đồng Khởi, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Nằm ở một vị trí thuận lợi tại trung tâm thành phố, nhà hát được xem là nhà hát trung tâm, đa năng chuyên tổ chức biểu diễn sân khấu nghệ thuật đồng thời cũng được sử dụng để tổ chức một số sự kiện lớn. Đây cũng là nhà hát thuộc loại lâu đời theo kiến trúc Tây Âu và được xem như một địa điểm tham quan của thành phố này.

nha hat

Nhà hát lớn TP.HCM

Đây là nhà hát được xây dựng từ năm 1897 với mục đích phục vụ lính Pháp, là địa điểm giải trí phổ biến của giới thượng lưu. Sau năm 1975, Nhà hát được trả lại chức năng ban đầu là tổ chức biểu diện nghệ thuật. Năm 1998, nhân dịp 300 năm khai sinh thành phố Sài Gòn.

Chính quyền thành phố đã cho tu bổ lớn với phương châm bảo tồn phong cách kiến trúc ban đầu, với một số trang trí, điêu khắc nổi ở mặt tiền nhà hát như tượng nữ thần nghệ thuật, các dây hoa... được phục chế.

Đến tháng 11//2017, Hội đồng nhân dân TP.HCM đã phê chuẩn dự án tân trang nhà hát này với kinh phí dự trù 1,6 tỷ đồng. Đến thời điểm này, Nhà hát lớn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là Nhà hát còn nguyên giá trị.

Theo dự án trình HĐND TP.HCM, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM nhằm để đáp ứng và nâng cao trình độ thưởng thức văn hóa nghệ thuật cho hơn 10 triệu người dân và hàng triệu du khách đến viếng thăm mỗi năm, với vai trò là đầu tàu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Dự án còn góp phần nâng cao trình độ hưởng thụ văn hóa của người dân TP trong bối cảnh hội nhập với quốc tế. Đồng thời nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc, các giá trị văn hóa mang nét đặc trưng của nhân dân TP; đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa tiêu biểu; phát triển thiết chế văn hóa cơ sở.

Đây sẽ là một công trình văn hóa mang tính biểu tượng, điểm nhấn về kiến trúc, nghệ thuật của TP mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.