Thế giới giao thông

Các nước đau đầu lo chống ngập cho tàu điện ngầm

26/07/2021, 07:04

Trong trận lụt “ngàn năm có một” tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc vừa qua, hệ thống tàu điện ngầm hiện đại tại Trịnh Châu đã thiệt hại nặng nề.

Hình ảnh những hành khách bị kẹt hàng giờ, nước lụt trong tàu điện ngập tới vai, cổ người lớn và hậu quả 12 hành khách thiệt mạng khiến thế giới không khỏi đặt câu hỏi về mức độ an toàn của hệ thống giao thông ngầm trong mùa mưa lũ.

img

Hành khách bị kẹt trong tàu điện ngầm tại Trịnh Châu, Trung Quốc

Hồi chuông cảnh báo

Đánh giá một loạt diễn biến thời tiết bất thường vừa qua, sau hàng loạt trận lũ lớn chưa từng có về quy mô, tần suất, mức độ thiệt hại diễn ra từ khu vực Tây Âu, đến Trung Quốc, Ấn Độ… các chuyên gia cảnh báo xu hướng biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn và kéo theo nhiều kiểu thời tiết bất thường, khắc nghiệt, khó đoán.

Cộng với tỉ lệ người sống ở các thành phố lớn dự kiến tăng lên hơn 70% dân số tính đến năm 2050, tình trạng đô thị hóa nhanh, bê tông hóa làm nước không thể ngấm xuống mặt đất. Kết quả, nguy cơ lũ lụt gia tăng.

Khi đó, những hệ thống giao thông dưới mặt đất, đặc biệt là tàu điện ngầm, sẽ là những nơi có thể phải gánh chịu ngập lụt đầu tiên.

Năm 2012, do ảnh hưởng từ siêu bão Sandy, hệ thống tàu điện ngầm TP New York, Mỹ cũng phải chịu thiệt hại nặng, đóng cửa nhiều ngày.

Trước trận bão Sandy, thành phố đã thực hiện nhiều dự án ngăn lũ lụt trị giá tới 30 triệu USD, giúp bảo vệ, ngăn lũ tốt nhất cho các nhà ga, lắp đặt hệ thống van xả giúp bơm nước ra khỏi hệ thống ngầm, cải thiện hệ thống cống thoát nước để phòng ngập lụt.

Thành phố giàu có của Mỹ đã sử dụng 700 máy bơm có thể bơm trung bình 50 triệu lít nước (cỡ 20 bể bơi tiêu chuẩn thi Olympic)/ngày ra khỏi hệ thống tàu điện.

Nhưng tàu điện ngầm vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì hệ thống bơm không thể hoạt động khi mất điện. Trận bão Sandy đã khiến hệ thống tàu điện New York thiệt hại 5 tỷ USD.

img

Cơ quan Giao thông Đô thị New York lắp đặt thêm “Flex Gate” phòng ngập lụt

Tại Đài Bắc, Đài Loan - nơi quá quen với mưa lũ lớn, trung bình 3 - 4 lần/năm, tàu điện ngầm Đài Bắc (MRT) vẫn là phương tiện đón 2 triệu lượt khách/ngày. Đài Bắc đã nâng mặt bằng tại cổng nhà ga, những khu vực mở của hệ thống lên cao khoảng 60 - 120cm so với mặt đất, xây dựng thêm cửa xả lũ, các cấu trúc kiểm soát lũ trên sông.

Song, khi bão Nari càn quét Đài Loan vào tháng 9/2001, trong đó miền Bắc Đài Loan chứng kiến lượng nước mưa cao nhất trong lịch sử, kéo theo lũ quét, các hệ thống máy bơm hệ thống tàu điện bị quá tải và hậu quả nghiêm trọng vẫn xảy ra.

Thêm nhiều công nghệ mới phòng lũ lụt

Mỗi trận bão qua, chính quyền địa phương lại chi thêm số tiền lớn để gia cố, tăng cường năng lực chống ngập lụt. Vì tàu điện ngầm vẫn được coi là hệ thống được đánh giá cao về khả năng vận tải công cộng, giúp hạn chế khí thải, góp phần giảm biến đổi khí hậu nên các nước không ngại ngần chi ra số tiền khủng để giúp hệ thống vận hành trong mọi điều kiện thời tiết.

Cơ quan giao thông đô thị New York đã đầu tư thêm 2,6 tỷ USD vào các dự án gia cố như tăng cường thêm cửa thoát nước, cầu thang, thang máy chống ngập… sau trận bão Sandy. Đặc biệt là thiết bị “Cổng mềm” (Flex- Gate) có thiết kế như tấm mành chịu lực cao, làm bằng sợi Kevlar (có độ bền gấp 5 lần thép nhưng rất dẻo dai), trải ngang, che chắn cho phần cổng đi xuống tàu điện ngầm.

img

Bể chứa nước ngầm khổng lồ bảo vệ thành phố Tokyo khỏi ngập lụt

Chỉ cần một người là đủ để thực hiện thao tác lắp đặt thiết bị trong vài phút. Thiết bị này do chính ILC Dover - công ty sản xuất bộ đồ cho các phi hành gia Mỹ thực hiện.

Để bảo vệ hơn nữa, Mỹ phát triển kỹ thuật mới, gọi là các “nút chặn khổng lồ” có hình dạng và cách hoạt động như những quả bóng lớn. Nút chặn có thể được bơm căng trong vài phút, ngăn nước tràn vào bên trong hầm. Khi không sử dụng, thiết bị có thể được thu gọn lại, dễ cất gọn, sẵn sàng điều khiển, bơm phồng trong trường hợp khẩn, theo The Conversation.

Tại Nhật, TS. Taisuke Ishigaki đang làm việc tại Khoa Kỹ thuật Dân dụng Đại học Kansai, Osaka, Nhật Bản chia sẻ thêm công nghệ kiểm soát lũ lụt đang được áp dụng trong hệ thống tàu điện ngầm Osaka. Đó là hệ thống giám sát đặc biệt tình hình nước ngập trên mặt đất.

Khi lượng nước vượt quá mức nguy hiểm, hệ thống bắt đầu kích hoạt quy trình khẩn cấp như sơ tán hành khách ra khỏi hầm, đóng cửa có nguy cơ ngập cao (trong vài phút)…

Nhật Bản cũng đang đầu tư rất nhiều vào hạ tầng phòng lũ như bể ngầm, cửa xả lũ tại các cổng đi xuống tàu điện ngầm. Năm ngoái, với sự hỗ trợ của chính phủ, đơn vị vận hành tư nhân Tokyu đã hoàn thành một bể chứa khổng lồ cho phép đưa tới 4.000 tấn nước lũ ra khỏi nhà ga Shibuya, nhà ga chính ở Thủ đô Tokyo.

Dù vậy, ông Ishigaki nhấn mạnh, trong trường hợp nguy cấp khi mực nước trên nhiều sông cùng dâng cao, đổ về các thành phố Nhật Bản, những biện pháp này vẫn chưa đủ, ông Ishigaki nhấn mạnh.

Quan trọng nhất là ngăn biến đổi khí hậu

Theo các chuyên gia, điều quan trọng nhất vẫn là giải quyết tận gốc vấn đề biến đổi khí hậu. Đó chính là giảm ô nhiễm, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tăng cường các hệ thống cảnh báo sớm, phối hợp các biện pháp phòng ngập lụt đô thị, hạn chế thiệt hại và tổ chức khắc phục hậu quả nhanh, hiệu quả. “Tôi cũng như nhiều nhà khoa học về thời tiết thực sự kinh ngạc khi chứng kiến những gì đang xảy ra. Đang có sự thay đổi đột ngột về tần suất xảy ra các thảm họa thời tiết cực đoan”, ông Chris Rapley, Giáo sư về khoa học thời tiết tại Đại học London nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.