Thế giới giao thông

Các nước ngăn “ma men” dịp năm mới thế nào?

04/02/2021, 06:46

Nhiều quốc gia còn buộc cả người bán rượu, thậm chí người tổ chức tiệc tùng phải chịu trách nhiệm trước việc tài xế say rượu, gây TNGT.

img

Quán bar, nhà hàng phải chịu trách nhiệm nếu bán thêm rượu cho người đã say xỉn và để lại hậu quả TNGT

Mỗi dịp bước sang năm mới, không riêng Việt Nam, giới chức rất nhiều nước đều chung nỗi lo người dân ham vui, mê tiệc tùng để rồi không ít trường hợp “ma men dẫn lối” gây ra những vụ TNGT nghiêm trọng. Nâng cao ý thức về tác hại của rượu bia, kiểm soát hành vi người tham gia giao thông chưa đủ, nhiều quốc gia còn buộc cả người bán rượu, thậm chí người tổ chức tiệc tùng phải chịu trách nhiệm trước việc tài xế say rượu, gây TNGT.

Trách nhiệm của quán bar, nhà hàng, người tổ chức tiệc rượu

Quy định xử phạt cơ sở kinh doanh bia, rượu có thể là mới so với Việt Nam nhưng rất nhiều quốc gia trên thế giới như: Canada, New Zealand, Australia... đã áp dụng và hầu hết được gọi với cái tên “Dram Shop Law”.

Mỗi quốc gia, thậm chí mỗi tỉnh/thành/bang lại áp dụng chế tài xử phạt khác nhau. Có nơi áp dụng chung “Dram Shop Law” với cả những trường hợp bán rượu cho trẻ vị thành niên, người tổ chức tiệc rượu.

Một số nơi tách riêng việc xử phạt các cơ sở kinh doanh và người tổ chức tiệc rượu thành hai quy định khác nhau. Nhưng mục đích chung đều hướng đến điều chỉnh hành vi bán/phục vụ rượu một cách có trách nhiệm, ngăn chặn hậu họa nghiêm trọng từ “ma men”.

Chẳng hạn tại Canada, các nhà hàng, quán bar sẽ phải chịu trách nhiệm nếu biết khách đã say xỉn nhưng vẫn phục vụ rượu và sau đó, người này gây TNGT nghiêm trọng. Người tổ chức tiệc và có khách say xỉn gây tai nạn không bị quy trách nhiệm tại nước này.

Nhiều chuyên gia về luật đánh giá, việc áp dụng các quy định trên từng gây tranh cãi bởi việc đánh giá mức độ say xỉn, rủi ro khi dùng thêm rượu là của bản thân cá nhân. Chưa kể, để quyết định chính xác trách nhiệm của nhà hàng, quán bar, người tổ chức tiệc... trong những trường hợp này là rất khó.

Nhưng theo một số chuyên gia đến từ Đại học Luật James Cook của Australia, những cá nhân đã bị ảnh hưởng vì tác dụng của bia, rượu vốn không thể tỉnh táo, tự chủ để xác định và thừa nhận mình đã say nhằm điều chỉnh hành vi. Do đó, các nhà hàng, quán bar, những người phục vụ rượu phải có trách nhiệm nhận biết, để ngăn chặn trường hợp xấu xảy ra.

Nhiều tổ chức phản đối bia rượu, trong đó có tổ chức “Các bà mẹ phản đối hành vi uống rượu lái xe” (Mothers Against Drunk Driving - viết tắt là MADD) cực lực vận động thực thi luật này rộng rãi trên thế giới.

Nạn nhân có thể kiện đòi bồi thường 250 nghìn USD

Nói đến quốc gia áp dụng hình phạt nhà hàng, quán bar và người tổ chức tiệc rượu... toàn diện và triệt để nhất phải kể đến Mỹ - nơi có tỷ lệ người nghiện rượu rất cao và hậu họa về TNGT mà bia, rượu để lại rất nặng nề.

Bang đầu tiên thông qua “Dram Shop Law” là Wisconsin vào năm 1849, xuất phát từ phong trào kịch liệt phản đối rượu mạnh từ thế kỷ 19. Đến nay, có khoảng 50 bang áp dụng quy định cho phép kiện và xử phạt với các cửa hàng bán rượu, quầy bar...

Các trường hợp áp dụng phổ biến nhất là nạn nhân/gia đình các nạn nhân trong các vụ TNGT liên quan đến bia, rượu nộp đơn kiện cơ sở bán rượu vì phục vụ quá mức, không ngăn chặn kịp thời và có trách nhiệm.

Để ngăn chặn quy cơ bị kiện, các cơ sở kinh doanh bia, rượu tại Mỹ phải đào tạo kỹ nhân viên về thủ tục và cách xác định người chưa đủ tuổi uống rượu hoặc đã say xỉn bằng mắt thường, thông qua các biểu hiện như nói chậm, lắp bắp, mắt đỏ, mất thăng bằng, có thái độ hành vi hung dữ, quá khích...

Với người tổ chức tiệc tùng tại gia, có sử dụng rượu, bia nếu chủ bữa tiệc cố ép người uống rượu, phục vụ rượu, bia cho người chưa đủ tuổi hoặc đã biết người tham gia tiệc say mà không ngăn cản họ điều khiển phương tiện dẫn đến hậu quả TNGT gây thương vong, cũng có thể bị kiện và chịu mức phạt nặng. Hiện, có 31 bang áp dụng quy định này.

Mỗi bang quy định và chế tài xử phạt riêng, tùy vào mức độ nghiêm trọng của sự việc nhưng mức bồi thường thiệt hại tối đa mà nạn nhân TNGT có thể yêu cầu lên tới 250.000 USD.

Hiện, chưa có nhiều thống kê cụ thể về hiệu quả của biện pháp này với việc kéo giảm hành vi uống rượu lái xe tại Mỹ. Nhưng theo báo cáo năm 1993 từ Cơ quan Nghiên cứu kinh tế Quốc gia và một cuộc khảo sát được thực hiện năm 2011 với 7 nghiên cứu đo lường mức độ giảm thiểu thiệt hại nhờ các quy định trên cho thấy, có hiệu quả thực sự trong việc kéo giảm thương vong do TNGT liên quan tới “ma men”.

Mỹ: Mỗi năm có 300 người chết trong dịp Giáng sinh và năm mới

Ở đất nước có lượng tiêu thụ bia, rượu “khủng” như Mỹ, vào những dịp Giáng sinh, năm mới, số người thiệt mạng vì TNGT luôn ở mức cao. Theo thống kê từ Bộ Giao thông Mỹ, trong vòng 5 năm qua, trung bình mỗi năm có khoảng 300 người thiệt mạng vì TNGT liên quan tới bia, rượu trong thời gian 7 ngày từ Lễ Giáng sinh đến ngày đầu năm mới.

Năm nay, chỉ trong 6 giờ chiến dịch ra quân thực thi pháp luật dịp năm mới ngày 1/1/2021, lực lượng tuần tra đường cao tốc bang California đã bắt giữ 244 trường hợp lái xe trong khi bị ảnh hưởng bởi chất kích thích, bao gồm bia, rượu.

Trên quy mô toàn cầu, cứ 10 vụ TNGT nghiêm trọng thì có một vụ liên quan tới bia, rượu, theo nhận định từ ông Christoph Lauterwasser, người đứng đầu Trung tâm Allianz về Công nghệ (AZT). Trong đó, phân tích của Allianz chỉ ra, khu vực Đông Âu và Trung Á chứng kiến tỉ lệ TNGT vì bia, rượu cao nhất với 18,1%; khu vực châu Mỹ là 12,9%.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.