Thế giới giao thông

Các nước quy định vận chuyển hàng hóa qua hầm thế nào?

11/09/2017, 14:05

Việc “cân đong đo đếm” mức độ rủi ro khi cho các phương tiện chở hàng hóa nguy hiểm qua hầm...

26

Nhiều nước vẫn cho vận tải hàng hoá nguy hiểm qua hầm nhưng áp các quy định rất đặc biệt và nghiêm ngặt

Việc “cân đong đo đếm” mức độ rủi ro khi cho các phương tiện chở hàng hóa nguy hiểm qua hầm hay các cung đường đặc biệt khác khiến nhiều giới chức quản lý giao thông trên thế giới đau đầu bấy lâu nay.

Xác định rủi ro để phân loại hầm

Các loại hàng hóa nguy hiểm như: Xăng dầu, khí hóa lỏng... tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây thảm họa nghiêm trọng nếu xảy ra sự cố hoặc tai nạn trong quá trình vận chuyển nhưng là những sản phẩm quan trọng cho sản xuất công nghiệp cũng như đời sống của con người.

Theo Hiệp hội Đường bộ thế giới (PIARC), các vụ tai nạn liên quan tới hàng hóa nguy hiểm khá hiếm nhưng nếu xảy ra sẽ để lại thảm họa với số lượng nạn nhân lớn, gây tổn hại cấu trúc đường bộ cũng như môi trường. Để vận chuyển các loại hàng hóa đặc biệt này một cách an toàn, người ta cần áp dụng các biện pháp rất đặc thù.

Tuy nhiên, nếu cấm vận tải hàng hoá nguy hiểm lưu thông trong hầm thì các quy định này có thể gây ra lãng phí kinh tế không đáng có. Mặt khác, khi không được di chuyển qua hầm, các nhà khai thác vận tải phải sử dụng đường đi thay thế khác như các khu vực dân cư đông đúc hay đường đèo hiểm trở… và tiềm ẩn nhiều rủi ro gây thảm hoạ còn lớn hơn.

Theo PIARC, giới chức nhiều nước cũng đau đầu tìm lời lý giải cho các câu hỏi: Nên chăng cấm vận chuyển hàng hóa ở một số đường hầm; Cần áp dụng các quy định như thế nào để hạn chế vận tải hàng hóa nguy hiểm qua đường hầm; Nếu cho phép vận tải hàng hóa nguy cơ cao, các biện pháp hạn chế rủi ro cần được thực thi như thế nào và hiệu quả ra sao?

Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế thế giới (OECD) từng phối hợp với PIARC thực hiện dự án nghiên cứu chung mang tên “Vận tải hàng hóa nguy hiểm qua hầm đường bộ”, khảo sát nhiều nước trên thế giới trong giai đoạn từ năm 1996 - 2001. Kết quả cho thấy, nhiều nước vẫn cho phép vận tải hàng hoá qua hầm đường bộ nhưng phải qua quá trình đánh giá, phân loại rủi ro rất nghiêm ngặt và phức tạp.

Từ khảo sát, có thể thấy, phần lớn các quy định vận tải hàng hóa nguy hiểm được chuẩn hóa theo khu vực. Ví dụ, Châu Âu và một phần của Liên bang Nga áp dụng quy định về vận tải hàng hóa nguy hiểm trên đường bộ (ADR). Hầu hết các bang tại Mỹ và các tỉnh tại Canada áp dụng theo các quy định phù hợp với Quy định của Liên hợp quốc. Australia và Nhật Bản có quy định riêng.

OECD và PIARC hiện cũng đã phát triển một mô hình đánh giá định lượng rủi ro (QRA) để so sánh mức độ an toàn của các tuyến hầm đường bộ và dựa vào đó để cân nhắc cấm/ cho phép/ điều tiết các phương tiện chở hàng nguy hiểm. Mô hình này đang được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới.

Mô hình đánh giá QRA dựa trên kịch bản 13 trường hợp tai nạn thường thấy đối với từng loại hàng hóa trong 5 hạng mục đường hầm. Hệ thống này sẽ phân tích các rủi ro mang tính xã hội (như người sử dụng đường hầm, dân cư xung quanh), rủi ro mang tính cá nhân, thiệt hại cho đường hầm và môi trường. Dựa trên hệ thống này, các nước sẽ xác định được đường hầm nào cần phải cấm vận tải hàng hóa nguy hiểm, đường hầm nào không để hạn chế lãng phí về chi phí vận chuyển, đảm bảo an toàn đường hầm.

Dẹp xe trong hầm, cần xe hộ tống trước khi lưu thông

Một khi được phép vận chuyển hàng nguy hiểm qua hầm, người điều khiển và phương tiện dùng để vận chuyển phải tuân thủ các quy định bắt buộc nghiêm ngặt. Chẳng hạn, tại Anh, người điều khiển phương tiện bắt buộc phải mang theo các giấy tờ để kiểm tra như hướng dẫn bằng văn bản đối với các hàng hoá nguy hiểm, giấy chứng nhận đã được đào tạo kỹ năng điều khiển phương tiện chở hàng hoá nguy hiểm.

Ngoài ra, ở phía trước và phía sau các xe, đoàn xe chở hàng hóa nguy hiểm, cồng kềnh buộc phải có xe chuyên dụng (sơn màu sáng, bật đèn và sử dụng còi cứu hộ khi cần). Giờ được phép cơ động của các xe chở hàng nguy hiểm cũng được quy định và giới hạn nghiêm chỉnh để giảm thiểu khả năng gây ảnh hưởng cho công trình giao thông cũng như các phương tiện xung quanh.

Ngoài ra, một số khu vực/quốc gia còn có các quy định đặc biệt khác để hạn chế rủi ro. Chẳng hạn, tỉnh Quebec (Canada) yêu cầu các phương tiện được phép chạy qua hầm phải lắp đèn để dẹp tất cả các phương tiện giao thông khác trong đường hầm trước khi xe tải chở hàng hóa nguy hiểm đi qua.

Tỉnh này còn cung cấp một bản đồ lộ trình dành riêng cho xe tải, trong đó đánh dấu rõ dấu hiệu “hầm cấm” đối với các tuyến đường hầm không cho phép phương tiện chở hàng hóa nguy hiểm đi qua. Xe bồn phải được trang bị thêm thiết bị chèn bánh; gần mỗi bồn phải có một bình cứu hỏa, được đặt ở nơi dễ tiếp cận...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.