Bóng đá

Các “ông lớn” bóng đá châu Âu mất vị thế do đâu?

04/03/2021, 06:30

Mùa giải 2020-2021 của bóng đá châu Âu đang xuất hiện những trật tự mới khi nhiều ông lớn suy yếu.

img

Juventus không còn duy trì được sức mạnh ở Serie A. Ảnh: Euro Sport

Liệu đây đơn thuần là hiện tượng hay nó đang định hình một trật tự mới tại các giải bóng đá ở lục địa già?

Những trật tự mới

Các giải bóng đá vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu đang chứng kiến những thay đổi thú vị. Nhiều ông lớn có thói quen thống trị phải nhường lại vị trí quen thuộc. Tại Ligue 1, Lille là đội đang đứng đầu bảng chứ không phải gã nhà giàu PSG.

Tại Serie A, Juventus tụt lại phía sau hai đội bóng thành Milan. Trong khi đó, tại La Liga, Atletico Madrid vượt lên trên cả Barcelona lẫn Real Madrid.

Ở Bundesliga, Bayern Munich dù vẫn đang dẫn đầu nhưng không còn duy trì sự độc tôn như những mùa gần đây. Điều này thể hiện qua việc Hùm xám chỉ hơn RB Leipzig 2 điểm. Thậm chí, hồi đầu mùa, RB Leipzig mới là đội đứng vị trí đầu tiên và còn tạo ra khoảng cách đáng kể với thày trò HLV Hansi Flick.

Tại Ngoại hạng Anh, Man City không phải là thế lực mới nhưng sự vươn lên của họ ở mùa giải năm nay cũng cho thấy sự mới mẻ nhất định. Không nhiều người nghĩ tới kịch bản một Liverpool đang vào guồng cùng dàn cầu thủ đạt độ chín khựng lại đầy bất ngờ như thế.

Đâu là nguyên nhân khiến các ông lớn đồng loạt suy yếu, đánh mất quyền lực? Báo giới châu Âu cho rằng, đại dịch Covid-19 đã tạo ra tác động tiêu cực, khiến những đội bóng hàng đầu lao đao bởi “cây cao thì gió lớn”.

Nhưng theo cây bút Jonathan Liew của tờ The Guardian, Covid-19 chỉ đóng góp một phần nhỏ vào sự sa sút vừa nêu, cốt lõi nằm ở chỗ bản thân các CLB hàng đầu đã quá mệt mỏi với những vòng xoáy liên tục.

“Lợi nhuận khổng lồ do bóng đá đem lại khiến các nhà tổ chức liên tục nghĩ ra cách thức để tăng số trận thi đấu trong một mùa giải. Các câu lạc bộ hàng đầu châu Âu đang thảo luận về những thay đổi quan trọng đối với Champions League, vòng bảng sẽ được mở rộng từ 32 lên 36 đội, mỗi đội thay vì chơi 8 trận sẽ chơi 10 trận.

Nhiều đội bóng còn lên ý tưởng về một siêu giải đấu tách bạch ngoài các giải vô địch quốc gia. Liệu họ đã khi nào nhìn lại phía sau, nơi mỗi đội bóng phải thi đấu liên tục từ tháng 9 năm nay tới tháng 6 sang năm. Nên nhớ, các CLB lớn tham dự nhiều sân chơi hơn, cầu thủ của họ bị vắt kiệt sức”, Jonathan phân tích.

Đồng quan điểm, tờ DnaIndia đánh giá, các CLB lớn ở châu Âu gần như phải thi đấu với mật độ dày đặc 2-3 trận/tuần, từ cúp châu Âu, giải vô địch quốc gia, cúp quốc gia và những giải đấu nhỏ khác.

“Cầu thủ của họ không có thời gian để hồi phục thể trạng. Ai cũng hiểu rằng sẽ đến lúc họ không thể tiếp tục theo cách như vậy cùng bước chân mệt mỏi. Nhưng họ cũng chẳng có cách nào khác, các khoản doanh thu khổng lồ buộc họ phải ra sân”.

Vị thế “ông lớn” bị đe dọa

Thực tế cho thấy, trong lịch sử, việc các CLB mạnh sa sút rồi hồi phục không phải chuyện gì quá lạ lẫm. Tuy nhiên, cây bút Jonathan Liew khẳng định, bản thân những ông lớn châu Âu khó duy trì thứ quyền lực mềm, nói cách khác là tầm ảnh hưởng, kể cả khi chiến thắng các danh hiệu, bởi sự bão hòa.

“Có một khái niệm trong thiết kế web được gọi là cuộn vô hạn. Bạn sẽ quen thuộc nếu bạn đã từng sử dụng Twitter, Facebook hoặc bất kỳ trang mạng xã hội phổ biến nào khác. Về cơ bản, nó là một đoạn mã tự động thêm các trang mới bất cứ khi nào bạn đến cuối trang cũ, cho phép bạn tiếp tục cuộn mãi mãi. Cuộn vô hạn của bóng đá ra đời lâu hơn, nhưng tác dụng của nó tương tự. Những bữa tiệc bóng đá gần như không ngừng nghỉ, khiến người xem không có thời gian để dự đoán hoặc hồi tưởng. Cảm xúc vì thế cũng mất đi, tất cả trở thành những cỗ máy xem bóng đá”, Jonathan phân tích.

Tờ Euro Sport cho rằng, vấn đề không phải khối lượng quá nhiều hay quá ít bởi ai cũng có thể lựa chọn trận đấu mình muốn. Vấn đề nằm ở chỗ, bóng đá đang bị san mỏng, bằng phẳng, thiếu tính đặc thù.

Những trận cầu nảy lửa, đầy hận thù giữa Real Madrid và Barcelona, giữa Inter Milan và AC Milan giờ đều trở nên nhàn nhạt, giống như bao trận đấu khác.

Nếu như trước đây Champions League là thứ gì đó cao quý, khác biệt thì giờ cũng chẳng còn nhiều sức hút, ngoại trừ bản nhạc hiệu. Nhìn rộng hơn, tất cả các cuộc đọ sức đều có nhịp điệu giống nhau, đầy uể oải. Sẽ đến lúc các đại gia không còn nhận được nhiều sự quan tâm.

Ở góc nhìn khác, Jonathan Liew còn tin rằng, bản thân nhiều CLB lớn ở châu Âu đang mất kiểm soát với chính những thứ diễn ra xung quanh. “Bất bình đẳng gia tăng, khoảng cách giàu nghèo được đào sâu giữa các đội bóng. Nhưng tin tôi đi, sự giàu có sẽ đem lại mệt mỏi cho nhóm ông lớn bởi nhiều khi họ không thể thực hiện mọi việc theo ý mình”.

Mặc dù có những xáo trộn về trật tự nhưng theo nhận định của tờ Euro Sport, nhóm CLB lớn đương nhiên không chịu ngồi yên. Thay vào đó, họ sẽ hành động để nhanh chóng trở lại. “PSG ký hợp đồng với một trong những chiến lược gia hàng đầu - HLV Pochettino. Họ hoặc Man City nhiều khả năng sẽ có chữ ký của Lionel Messi ở mùa giải năm sau. Bayern Munich gần như đạt thỏa thuận chiêu mộ Dayot Upamecano từ Leipzig và nhiều ví dụ khác nữa. Nếu những thay đổi này hiệu quả, các đội bóng mạnh không sớm thì muộn cũng sẽ lấy lại sự thống trị”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.