Hạ tầng

Các trạm BOT phải giảm 15-20% mức phí

12/08/2016, 06:02

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường yêu cầu giảm từ 15 - 20% mức phí đối với tất cả các nhóm phương tiện.

1

Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang thu phí theo hình thức BOT - Ảnh: Tạ Tôn

Tại cuộc họp triển khai chỉ đạo của Chính phủ về việc giảm phí tại các trạm thu phí đường bộ BOT chiều qua (11/8), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường yêu cầu các Ban QLDA làm việc với các nhà đầu tư để thống nhất giảm từ 15 - 20% mức phí đối với tất cả các nhóm phương tiện.

Có cơ sở để điều chỉnh mức phí

Ông Phạm Huy Hiếu, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GTVT) cho biết, trước khi có chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT và Bộ Tài chính đã chủ động thực hiện việc giảm phí đối với một số dự án. Cụ thể, trong tháng 6 và tháng 7/2016, Bộ GTVT đã có 7 văn bản đề nghị Bộ Tài chính giảm phí tại 7 dự án. Đến thời điểm này, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư giảm phí tại 6 dự án. Các văn bản này đều trùng với chỉ đạo của Chính phủ là giảm phí đối với các xe nhóm 4 (xe có trọng tải từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; Xe chở hàng bằng container 20 feet) và nhóm 5 (xe tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng container 40 feet). Đến nay, đã có 5 trạm thu phí thực hiện giảm, như: Trạm đèo Hải Vân, hai trạm thu phí qua Quảng Ngãi (Tam Kỳ, Đức Phổ), cầu Cổ Chiên và trạm Bắc Bình Định.

Cũng theo ông Hiếu, đối với các trạm đang thu sẽ có thêm 26 trạm nữa phải tiếp tục giảm phí. Sau khi có văn bản của Phó Thủ tướng và chỉ đạo của Bộ GTVT, Bộ Tài chính, đến nay, đã có một số nhà đầu tư chủ động đề xuất giảm phí như: Công ty Cổ phần TASCO đề xuất giảm phí tại trạm Quảng Bình trên QL1 từ ngày 1/9/2016.

Ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ PPP (Bộ GTVT) kiến nghị, các Ban QLDA cần làm việc với các nhà đầu tư đẩy nhanh thực hiện việc quyết toán các dự án hoàn thành. Thực tế, hầu hết các dự án sau khi quyết toán đều có chi phí đầu tư thấp hơn tổng mức đầu tư ban đầu do chi phí dự phòng lớn nhưng không sử dụng đến. Đây là cơ sở để thực hiện việc điều chỉnh mức phí cũng như phương án tài chính của dự án. Ông Huy cũng đề nghị xem xét cụ thể với từng dự án. Dự án nào doanh thu đảm bảo so với phương án tài chính thì yêu cầu giảm, ngược lại thì có thể chưa giảm.

Là đơn vị quản lý nhiều dự án BOT, đại diện Ban QLDA 7 cho biết, 11 dự án do đơn vị này quản lý đều có cơ sở để giảm phí. Có dự án, giá trị quyết toán chỉ bằng 70% tổng mức đầu tư ban đầu. Vì vậy, Ban QLDA sẽ làm việc cụ thể với các nhà đầu tư để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ.

Ông Nguyễn Quốc Bình, Phó Tổng giám đốc Ban QLDA 1 cũng cho biết đang quản lý 5 dự án BOT, trong đó có 4 dự án đã thu phí. Hiện các dự án đang được đẩy nhanh công tác quyết toán. Ban sẽ sớm thống nhất với nhà đầu tư, tùy tình hình của từng dự án, sẽ có báo cáo phương án giảm phí cụ thể.

2

Trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ảnh: Ngô Vinh

Giảm phí 4 nhóm phương tiện

Sau khi nghe ý kiến của các đơn vị liên quan, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu các Ban QLDA, đơn vị của Bộ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ theo tinh thần của Văn bản số 6370 về phương án, giải pháp và lộ trình giảm thu phí đường bộ trên quốc lộ, cao tốc để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Về mức giảm, sẽ giảm phí đối với nhóm 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt) và nhóm 2 (xe từ 12 - 30 ghế ngồi, xe tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn) mức giảm là 15%, tương ứng với 10 nghìn đồng/lượt. Với nhóm 4 và nhóm 5, mức giảm sẽ là 20%, tương ứng với 20 nghìn đồng và được thực hiện thống nhất đối với tất cả các trạm. Bộ GTVT sẽ có văn bản thống nhất với Bộ Tài chính theo tinh thần yêu cầu giảm phí ngay, đồng thời đề nghị Bộ Tài chính ban hành Thông tư theo hướng rút gọn, chậm nhất có hiệu lực từ ngày 1-15/9/2016.

Thứ trưởng Trường cũng đề nghị Bộ Tài chính thực hiện các quy định trong Thông tư này đối với các trạm thu phí mới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.