Hạ tầng

"Các vệt hằn lún trên QL1 đang được theo dõi chặt chẽ"

24/03/2015, 12:05

Nếu mức hằn lún sâu hơn 2,5 cm, chủ đầu tư, nhà thầu phải xử lý ngay để đảm bảo êm thuận trên tuyến.

ql1-thanh-hoa--ha-tinh-1133
Lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông: "Không có chuyện dự án QL1 đoạn Thanh Hóa - Hà Tĩnh vừa khánh thành đã bị hằn lún"

Chủ đầu tư BOT chịu mọi chi phí khắc phục hằn lún

Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) Triệu Khắc Dũng cho biết, thông tin đoạn QL1 vừa đưa vào khai thác hơn hai tháng đã xuất hiện hằn lún là không chính xác mà thực tế đoạn đường hằn lún này (đoạn Nam cầu Bến Thủy 2 - tránh Hà Tĩnh) đã khánh thành từ giữa tháng 1 năm 2014.

Ông Dũng nói, cuối năm 2013, tình trạng hằn lún mặt đường xảy ra ở nhiều tuyến đường trên cả nước, lãnh đạo Bộ GTVT đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc để xác định nguyên nhân, tìm các giải pháp khắc phục. Riêng các đoạn hằn lún sâu trên truyến Nam cầu Bến Thủy – tránh TP. Hà Tĩnh, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cienco 4 xử lý xong ngay cuối năm 2014.

 

Dự án nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn Thanh Hóa – Hà Tĩnh gồm 8 dự án sử dụng vốn TPCP với chiều dài 206km (TMĐT 12.660 tỷ đồng) và  4 dự án được thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa theo hình thức BOT với tổng chiều dài 109km (TMĐT 7.249 tỷ đồng).

Trong đó, dự án Nam cầu Bến Thủy 2 – tuyến tránh TP. Hà Tĩnh được thực hiện theo hình thức BOT do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4) làm chủ đầu tư dài 34km.

Chủ đầu tư đã tiến hành cào bóc phần mặt đường bị lún sâu trên 2,5cm và thảm lại bằng nhựa polymer. Đối với những đoạn mặt đường bị lún trong mức cho phép, Bộ GTVT yêu cầu chủ đầu tư và các nhà thầu tiếp tục quan sát, theo dõi để đưa ra các biện pháp xử lý.

Trước thông tin một số tờ báo phản ánh, đoạn phía Bắc cầu Bến Thủy đến đường phía Nam cầu Bến Thủy 2 xuất hiện nhiều điểm hằn lún vệt bánh xe với chiều sâu từ 1-2cm, ông Dũng khẳng định, về mặt kỹ thuật, đây là mức lún nằm trong giới hạn cho phép và những khu vực này đang được chủ đầu tư và các đơn vị thi công theo dõi, quan sát.

Cục sẽ cho kiểm tra ngay các vị trí hằn lún sâu hơn 2,5 cm như báo chí phản ánh, nếu có phải xử lý ngay để đảm bảo êm thuận cho phương tiện qua lại. Đây là dự án BOT nên nếu đường hư hỏng, sau thời gian bảo hành, chủ đầu tư phải chịu mọi chi phí khắc phục sửa chữa trong suốt thời gian thu phí dự án, ông Dũng cho hay.

Nâng thời gian bảo hành dự án từ 2 lên 4 năm

Trong khi đó, liên quan đến thông tin mặt đường bị bong tróc, hư hỏng trên QL1 đoạn qua xã Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu, Nghệ An), trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Duy Khánh, Phó Tổng giám đốc Ban QLDA 85 cho biết, nguyên nhân của sự việc là do dầu diesel của một xe tải gặp tai nạn gây ra.

Cụ thể, vào hồi 2h sáng 24/12/2014 tại Km406 + 280 đoạn đường thuộc xã Quỳnh Giang, xe tải 37C-126.65 chạy hướng Hà Nội – Vinh đã đâm vào dải phân cách giữa và lật ngang đường. Mặc dù vụ tai nạn không gây ảnh hưởng về người nhưng toàn bộ dầu diesel trong động cơ của xe đã chảy ra mặt đường bê tông nhựa.

 “Việc dầu diesel đổ ra mặt đường bê tông nhựa mới thi công là rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến chất lượng mặt đường bê tông nhựa trong quá trình khai thác. Trong quá trình theo dõi, đến đầu tháng 3/2015, chúng tôi phát hiện thấy mặt đường khu vực dầu diesel loang đọng xuất hiện tình trạng bong tróc một số vị trí. Đến ngày 17/3, các vị trí bong tróc trở thành các vệt lõm có nguy cơ ảnh hưởng đến ATGT với các phương tiện lưu thông qua khu vực này”, ông Khánh nói.

Theo ông Khánh, để xử lý tình trạng này, Ban QLDA85 đã chỉ đạo các nhà thầu cắt bỏ hết phần mặt bê tông nhựa bị bong tróc từ Km406+284 – Km 406+315 với diện tích 52,5m2. Đồng thời tiến hành thi công lại lớp bê tông nhựa theo đúng hồ sơ thiết kế, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho biết chất lượng các dự án mở rộng QL1, QL14 đang được Bộ GTVT kiểm soát rất chặt chẽ, đồng bộ. Máy móc, thiết bị, vật liệu đầu vào thi công đều được kiểm tra kỹ lưỡng. Chẳng hạn, máy móc, thiết bị quá 7 năm không được đưa vào công trường. Nguồn vật liệu phải qua thí nghiệm mới đưa vào thi công. Chủ đầu tư, nhà thầu nào để xảy ra hiện tượng chất lượng kém đều phải chịu trách nhiệm và bị thay thế ngay. Trước đây, thời hạn bảo hành công trình chỉ 2 năm, nay được nâng lên 4 năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.