Những bí ẩn 10 năm chưa có lời giải
Cách đây 10 năm, Malaysia Airlines rơi xuống hố sâu tuyệt vọng khi liên tiếp chứng kiến hai vụ tai nạn thảm khốc xảy ra trong 1 năm.
Trong quý 1/2014, chuyến bay MH370 đang trên hành trình từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh mất tích bí ẩn ở Ấn Độ Dương vào ngày 8/3/2014 khi đang chở 239 người trên máy bay.
Hình ảnh máy bay MH17 được khôi phục.
Trong khi tung tích về chiếc máy bay còn là ẩn số, dư luận tại Malaysia và cả thế giới còn hoang mang thì chỉ 4 tháng sau, ngày 17/7/2014, chuyến bay mang số hiệu MH17 trên đường từ Amsterdam (Hà Lan) đến Kuala Lumpur (Malaysia) khi bay qua miền đông Ukraine (do lực lượng ly khai kiểm soát) đã bị tên lửa đất đối không bắn hạ, khiến 298 hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Ngày hôm đó, có 160 máy bay bay qua vùng chiến sự nhưng chỉ chuyến bay MH17 bị bắn trúng.
Bốn năm sau, một nhóm điều tra chung bao gồm: Hà Lan, Australia, Bỉ, Ukraine đã đưa ra kết luận máy bay MH17 bị tên lửa Buk thuộc Lữ đoàn tên lửa phòng không 53, đóng tại vùng Kursk thuộc Nga bắn trúng. Dựa vào đó, chính phủ Hà Lan và Australia buộc Nga phải chịu trách nhiệm.
Các công tố viên buộc tội ba người Nga và một người Ukraine với các tội danh giết người liên quan đến việc bắn hạ chiếc Boeing 777, song đến nay phía Nga vẫn bác bỏ mọi thông tin, không chấp nhận kết quả điều tra. Đồng nghĩa, ai thực sự là thủ phạm trong vụ việc này vẫn là ẩn số.
Tái cơ cấu để vượt bão
Trước những đau thương, bí ẩn chưa sáng tỏ, Malaysia Airlines vốn từ vị thế một hãng hàng không quốc gia đã rơi xuống vực sâu của hoài nghi, tuyệt vọng.
Theo thông báo của Malaysia, tháng 9/2014, vì lo sợ và tâm lý, chỉ 2 tháng sau khi hai thảm kịch liên tiếp xảy ra, 200 thành viên phi hành đoàn phải nghỉ việc. Bên cạnh đó, rất nhiều hành khách vì tâm lý lo sợ đã né tránh hãng bay này.
Kết quả, rất nhiều chuyến bay vận hành trong khi khoang hành khách lác đác người. Chỉ trong quý 1/2014, hãng lỗ 140,8 triệu USD, quý II lỗ tiếp 97,6 triệu USD. Để vực dậy, hãng hàng không này không còn cách nào khác ngoài tái cơ cấu.
Công ty đầu tư nhà nước Khazanah Nasional đã mua lại toàn bộ hãng hàng không thay vì chỉ sở hữu 69% cổ phần như trước và trở thành tài sản thuộc sở hữu 100% của chính phủ Malaysia.
Malaysia Airlines hủy niêm yết trên sàn chứng khoán và thành lập một công ty mới để tiếp quản hoạt động kinh doanh của hãng và cùng chính phủ thực hiện kế hoạch mang tên "Xây dựng lại biểu tượng quốc gia".
Thời điểm đó, dư luận Malaysia đã đặt rất nhiều câu hỏi vì sao chính phủ Malaysia nhất quyết phải duy trì hoạt động của Malaysia Airlines. Thủ tướng Malaysia lúc đó là ông Dato’ Sri Mohd Najid bin Tun Abdul Razak cho biết: "Đó không chỉ là một công ty mà còn là một phần lịch sử của Malaysia. Đó là biểu tượng của niềm tự hào dân tộc, tham vọng và vị thế của Malaysia trên thế giới".
Hãng đã cắt giảm hàng loạt đường bay để củng cố tài chính, giảm giá vé máy bay và tái định vị thương hiệu, nhấn mạnh vào an toàn.
Cụ thể, Malaysia Airlines từ bỏ các đường bay dài, không có lãi đến những nơi như: Bắc, Nam Mỹ và Nam Phi, bao gồm cả những chuyến bay đến New York và Stockholm. Cuối cùng Malaysia Airlines đã cắt tất cả chuyến bay thẳng đến các điểm đến ở châu Âu, ngoại trừ London.
Khẳng định lại vị thế
Sau gần 10 năm nỗ lực tái cơ cấu, cuối năm 2023, Giám đốc điều hành Malaysia Airlines cho biết công ty đang trên đà đạt được lợi nhuận ròng năm đầu tiên. Cùng với đó, Malaysia Airlines dần lấy lại niềm tin của khách hàng dù đó là khoảng thời gian rất dài.
Ngày nay, sân bay Heathrow ở London là điểm dừng chân duy nhất ở châu Âu của Malaysia Airlines. Tuyến bay này mang về lợi nhuận quan trọng, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19.
Máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines.
Malaysia Airlines cũng tận dụng thời điểm hàng không toàn cầu tạm dừng trong dịch Covid-19 để cơ cấu lại các khoản nợ. Đồng thời, vẫn để các máy bay vận hành trong thời gian này, là một trong những hãng vận chuyển chủ chốt khai thác các chuyến bay hồi hương từ châu Âu đến châu Á. Do đó, khi các quy định hạn chế đi lại được dỡ bỏ, Malaysia Airlines đã ở vị trí khởi đầu thuận lợi, sẵn sàng hoạt động.
Hiện nay, Malaysia Airlines đang được đánh giá là hãng vận chuyển hạng trung, với hoạt động cốt lõi là ở châu Đại Dương, châu Á và Vương quốc Anh.
Giá cả và sự tiện lợi
BBC dẫn lời nhà phân tích hàng không Ellis Taylor cho biết: "Malaysia Airlines đã cố gắng duy trì hoạt động nhờ sự hỗ trợ của chính phủ Malaysia, đưa hoạt động về trạng thái ổn định, xây dựng đội bay hiện đại".
Cách tiếp cận này dường như đã có hiệu quả. Nhiều hành khách quốc tế cân nhắc đến thực tế hơn những vấn đề trong quá khứ. "Họ chú ý nhiều hơn tới giá cả và sự tiện lợi", chuyên gia theo dõi ngành hàng không Greg Waldron chia sẻ với hãng tin BBC.
Như Hannah Blackiston người Australia, cô từng đi chuyến bay của Malaysia Airlines từ London trở về Adelaide (Australia) vào cuối năm 2022 vì đây là hãng hàng không duy nhất khai thác chuyến bay thẳng trên tuyến này. Cô nói: "Tôi đã đặt vé mà không nghĩ nhiều đến thảm kịch vì vé rẻ và tôi cần quay lại thăm bố đang ốm".
Khi đặt vé, Blackiston cho biết những thảm kịch trước đó cũng thoáng qua trong tâm trí nhưng không quá khiến cô lo lắng.
Còn với sinh viên người Australia đang theo học ngành y, Abdullah Naji, hiện đang sống ở thành phố Penang của Malaysia, anh thường xuyên bay cùng hãng hàng không này, chủ yếu là các tuyến nội địa. "Tất nhiên, ban đầu có sự do dự vì quá khứ từng xảy ra nhiều vấn đề như vậy, nhưng chính những hành động hãng thực hiện sau vụ MH370 đã khôi phục lại niềm tin của tôi", anh nói.
Theo hãng tin BBC, việc một hãng hàng không mất hai máy bay chở khách trong vòng 5 tháng là một sự kiện chưa từng có cho đến ngày nay. Đặc biệt, đối với hãng hàng không đã hoạt động an toàn suốt hơn 70 năm, có thành tích an toàn xuất sắc và thậm chí còn giành được nhiều giải thưởng về dịch vụ, sở hữu một đội phi cơ khổng lồ, sải cánh khắp thế giới thì việc này càng hiếm xảy ra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận