Dù có quy trình hoạt động liên hồ chứa trên sông Ba tuy nhiên, trận lũ hôm 30/11, khiến hạ du dòng sông này làm cho Phú Yên bị ngập nặng gần bằng các trận “đại hồng thủy” lịch sử vào các năm 1993 và 2009.
Lực lượng cứu hộ cứu nạn tại tỉnh Phú Yên trong đợt lũ dữ hôm 30/11.
Vận hành xả lũ liên hồ không đúng?
Mới đây, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã đến Phú Yên kiểm tra tình hình thiệt hại do lũ lụt gây ra tại Phú Yên và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả.
Tại ngày làm việc ở Phú Yên, vấn đề ông Hiệp quan tâm nhiều nhất là vì sao các hồ chứa thủy điện, thủy lợi thuộc lưu vực thượng nguồn sông Ba lại ồ ạt xả cùng thời điểm gây lụt sâu, nhanh khiến dân vùng hạ du ở Phú Yên không kịp trở tay, bị thiệt hại nặng nề.
Theo đó, cùng với việc vận hành liên hồ chứa của các chủ hồ chứa trong lưu vực sông Ba trong trận lũ ngày 30/11 có một số điểm không chuẩn, quy trình này bộc lộ điểm yếu.
Sau khi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh và Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ ngay tại khu vực cửa xả lũ của thủy điện này, ông Hiệp thông tin với báo chí rằng lưu vực sông Ba rộng đến 13.000km2, có 280 hồ chứa tích nước đến 1,6 tỉ m3, nhưng chỉ có 6 hồ trong số đó có khả năng cắt lũ với dung tích khiêm tốn 530 triệu m3. Với dung tích các hồ chứa trên, hầu như rất hạn chế trong việc cắt giảm lũ cho hạ du.
“Chúng tôi nhận thấy có một số vấn đề trong quá trình thực hiện quy trình vận hành liên hồ lưu vực sông Ba hiện nay cần rút kinh nghiệm, chỉ đạo quyết liệt hơn và kỹ hơn. Bản thân quy trình hiện nay đang nghiêng nhiều về an toàn hồ chứa, chưa tính toán nhiều đến việc cắt lũ hạ du. Đây là điều phải tính toán lại”, ông Hiệp nói.
Quy trình vận hành xả lũ liên hồ bộc lộ điểm yếu như thế, nhưng quá trình thực hiện quy trình này theo ông Hiệp vẫn còn một số điểm chưa chính xác. Đó là quy định khi có dự báo, cảnh báo mưa lũ đặc biệt lớn, các hồ chứa thủy điện, thủy lợi phải chủ động xả giảm xuống mực nước có lũ để đón lũ.
“Tuy nhiên, ngày 27/11, khi Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai có công điện gửi các địa phương chỉ đạo phòng chống lũ lớn, một số hồ chứa trên lưu vực sông Ba không thực hiện nghiêm việc xả nước trước để có dung tích hồ phòng lũ. Khi lũ về, các hồ bên trên đồng loạt xả, gây áp lực rất lớn cho thủy điện Sông Ba Hạ là “chốt chặn” cuối cùng trên bậc thang sông Ba. Lúc đó, chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên buộc phải ra lệnh hồ thủy điện Sông Ba Hạ xả ở mức độ rất lớn là 9.400m3/s dù lũ ở hạ du đang dâng cao, nhưng không còn cách nào khác cả”, ông Hiệp nói.
Đấy chính là những nguyên nhân khiến trận lũ vừa rồi vùng hạ du Phú Yên bị ngập nặng gần bằng các trận “đại hồng thủy” lịch sử vào các năm 1993 và 2009.
Trận lũ hôm 30/11 ở hạ du sông Ba tỉnh Phú Yên bị ngập nặng gần bằng các trận “đại hồng thủy” lịch sử vào các năm 1993 và 2009.
Theo ông Hiệp, có 2 giải pháp cho việc xử lý những khiến khuyết, tồn tại trong việc xả lũ liên hồ gây ngập lụt vừa qua.
Thứ nhất là giải pháp phi công trình, là vận hành liên hồ chứa. “Chúng tôi sẽ tham mưu, tính toán lại quy trình vận hành xả lũ liên hồ chứa ở toàn bộ lưu vực sông Ba, thậm chí ở những giai đoạn báo động cao như vừa rồi thì Trung ương chỉ đạo xả lũ. Cạnh đó phải tính toán chi tiết là hồ nào xả vào lúc nào để cắt lũ bớt cho các hồ bậc thang bên dưới và xả phải xen kẽ nhau, có như thế mới giảm ngập lụt cho hạ du”, ông nói.
Thứ hai là giải pháp về công trình, Bộ NN&PTNT nghiên cứu nâng dung tích hồ chứa, giao một số hồ thủy điện xây mới các hồ thủy lợi để tăng dung tích cắt lũ lên tối thiểu phải 1 tỉ m3 thì mới có thể cắt lũ lâu dài bền vững được cho hạ du.
Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên khẳng định lại rằng trong thời điểm lũ căng thẳng nhất hôm 30/11, ông không nhận được thông báo trao đổi nào của Gia Lai về xả lũ. Để việc phối hợp thông tin vận hành xả lũ liên hồ sắp tới tốt hơn, Phú Yên sẽ sớm có kế hoạch họp với lãnh đạo UBND hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk. “Một điều chúng tôi hết sức lo lắng là bậc thang bên trên thủy điện Sông Ba Hạ có hệ thống các thủy điện Đăk Srông với các đập lũ tự tràn, không có khả năng cắt lũ, lũ lớn đến bao nhiêu thì tràn về hạ du bấy nhiêu, như vậy rất khó kiểm soát”, ông Thế nói.
Với Phú Yên, ông cho hay đã giao ngay cho Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông số hóa bản đồ ngập lụt của tỉnh, xây dựng app điện thoại di động cung cấp cho người dân, để khi có cảnh báo xả lũ lưu lượng bao nhiêu thì vùng nào bị ngập, trong thời gian mấy giờ, để dân chủ động thông tin và di dời tài sản, sơ tán tránh lũ an toàn.
Cắt lũ thượng nguồn, giảm lũ hạ du bằng cách nào?
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phan Phước Thiện - Phó giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai cho biết, hiện nay, thực hiện theo quy trình hoạt động liên hồ chứa sông Ba, các hồ thuỷ lợi vẫn chưa tiến hành tích nước. Vậy nên lượng nước xả ra là xả nước ở mức đi bằng nước đến.
Theo đó, trung bình mỗi ngày hồ Ayun Hạ trong điều tiết bình thường mức nước điều tiết xả ở mức 20-80m3/s. Trong tối 30/11, lưu lượng điều tiết qua tràn là 30m3/s, tuy nhiên lượng nước đổ về hồ lớn ở mức 80m3/s, để cắt lũ ở hạ lưu đơn vị chủ động điều tiết qua tràn là 36m3/s.
Còn tại hồ Ia Mlá (Krông Pa) lưu lượng điều tiết bình thường là 80m3/s. Đêm 29/11 lưu lượng nước về hồ lớn nên sáng ngày 30/11 đơn vị đã xin ý kiến của Ban PCTT&TKCN tỉnh Gia Lai và được đồng ý cho phép xả nước với lưu lượng không vượt quá 130m3/s.
“Việc điều tiết hồ chứa được gửi thông tin cụ thể như: Thời gian xả nước, lưu lượng nước được gửi đến Sở NNPTNT tỉnh Phú Yên vì đây là cơ quan thường trực PCLB. Trong đêm 30/11 khi lưu lượng về hồ giảm đơn vị đã chủ động giảm lưu lượng từ 130m3/s xuống 100m3/s và đến sáng 1/12, mức xả nước này ở mức bình thường tức là 25m3/s”, ông Thiện cho hay.
Còn ông Lưu Trung Nghĩa - giám đốc Sở NN&PTNT, phó trưởng ban thường trực Ban PCTT&TKCN tỉnh Gia Lai - nói trong đợt lũ vừa rồi, các hồ thủy lợi, thủy điện ở tỉnh này xả về sông Ba lượng lũ chỉ 400-450m3/s. “Với lưu lượng này, ban chỉ đạo tỉnh đã lệnh xả lũ và giao nhiệm vụ các chủ hồ chứa thông báo cho tỉnh Phú Yên”, ông Nghĩa nói.
Riêng lưu lượng xả tràn của thủy điện Đăk Srông, ông Nghĩa nói thủy điện này hoạt động như một đập tràn, không có hồ đập, không giữ được nước lũ. “Do Ban PCTT&TKCN Gia Lai không có tài khoản để đăng nhập theo dõi số liệu quan trắc, nên các lưu lượng nước về qua các đập Đắc Srông 3B kể cả Gia Lai cũng như Phú Yên không thể biết sớm và chính xác được, nên sẽ bị động cho phía hạ du như điểm cuối là hồ thủy điện Sông Ba Hạ”.
Ông Nghĩa thừa nhận trận lũ vừa qua cho thấy nảy sinh một số vấn đề trong công tác phối hợp giữa hai tỉnh Gia Lai và Phú Yên. “Sắp tới chúng tôi sẽ đề xuất kiến nghị một số giải pháp như ứng dụng công nghệ thông tin trong cập nhật diễn biến lưu lượng lũ để ai cũng có thể theo dõi nhất là các địa phương phía hạ du tính toán và ứng phó kịp thời nhất. Chúng tôi cũng muốn quy chế hoạt động liên hồ chứa và công tác phối hợp phòng chống lụt bão giữa 2 tỉnh hoạt động tốt hơn để giảm thiệt hại cho dân” - ông Nghĩa nói.
Cũng theo ông Nghĩa, để giảm lũ cho hạ du thì tại phía thượng nguồn cần phải xây dựng thêm hồ chứa thuỷ lợi, các giải pháp về Công nghệ thông tin cập nhật diễn biến lũ ở thượng nguồn để có những cảnh báo sớm.
"Thời gian đến, chúng tôi cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương có thể cấp tài khoản để cập nhật số liệu quan trắc để tỉnh có thể vào xem thông tin vận hành các hồ thuỷ điện nhằm phục vụ cho công tác điều hành phòng chống thiên tai. Đề xuất thêm sớm đầu tư xây dựng các hồ chứa như Ia Thul và một số hồ chứa khác trên lưu vực Sông Ba để nâng cao khả năng tích nước, cắt lũ vào mùa mưa và phục vụ sản xuất sinh hoạt vào mùa khô", ông Nghĩa nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận