Đường thủy

Cách nào giảm ô nhiễm môi trường từ cảng, bến thủy?

08/06/2021, 14:02

Bụi nhiều đến nỗi nhà cửa, cây cối hai bên đường đều phủ màu đen, nhà dân phải đóng cửa suốt ngày để tránh bụi, nhiều người không dám ra đường.

img

Ở nhiều khu vực cảng, bến thủy thường gắn liền với ô nhiễm bụi nặng nề (Trong ảnh: Đường trước cụm cảng ven sông Công, Thái Nguyên)

Nghị định số 08/2021 của Chính phủ về quản lý hoạt động đường thủy nội địa (ĐTNĐ) quy định trách nhiệm bảo vệ môi trường của các chủ cảng, bến và phương tiện thủy cụ thể hơn, kỳ vọng tạo chuyển biến trong lĩnh vực bảo vệ môi trường GTVT đường thủy.

Phổ biến cảng, bến gây ô nhiễm

Thời gian qua, hàng chục hộ dân sống ven sông Lô đoạn gần Tỉnh lộ 323 (xã An Đạo, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) thường xuyên phải sống chung với bụi do hàng loạt xe ben, xe tải thùng hở chở tro than chạy từ các cảng, bến thủy khu vực cảng thủy của nhà máy giấy Bãi Bằng.

Bụi nhiều đến nỗi nhà cửa, cây cối hai bên đường đều phủ màu đen, nhà dân phải đóng cửa suốt ngày để tránh bụi, nhiều người không dám đi ra đường.

“Bụi màu đen nâu, trông giống như tro than và xỉ than, được vận chuyển bằng đường thủy đến bãi tập kết gần Công ty giấy Bãi Bằng và trộn tại bãi, sau đó được chở đi đâu chúng tôi không rõ. Khi trộn tại bãi, bụi phát tán vào khu dân cư không nhiều nhưng khi các xe vận chuyển ra đường gây bụi kinh khủng. Có đợt vận chuyển kéo dài hàng tháng trời khiến người dân bức xúc lên tiếng mới thấy đường được tưới nước để giảm bụi. Nhưng nhiều chỗ tưới xong lại tạo lớp bùn nhão trên đường”, một người dân phản ánh.

Theo Đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Phú Thọ, tình trạng trên kéo dài trong nhiều tháng đầu năm 2021, vì vậy lực lượng cảng vụ thường xuyên giám sát, yêu cầu chủ bến tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động tại cảng, bến thủy.

“Tại các cảng, bến thủy vận chuyển các mặt hàng rời như: Than, xỉ tro, clinker, quặng, lưu huỳnh... có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Nguy cơ gây ô nhiễm do bụi phát tán trong không khí, quá trình vận chuyển, bốc dỡ từ phương tiện thủy lên bờ hoặc từ cảng ra ngoài, khi gặp trời mưa, gió lớn”, đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Phú Thọ cho biết.

Không riêng sông Lô, tại một số cảng, bến thủy khác ven sông Hồng, sông Công, sông Đuống cũng phổ biến tình trạng gây ô nhiễm bụi, không khí từ hoạt động bốc xếp, vận chuyển hàng rời khá phổ biến.

Trên tuyến sông Hồng đoạn khu vực huyện Thường Tín hay TX Sơn Tây, dễ dàng nhận thấy các lớp bụi bay lơ lửng tại các cảng, bến than; hay các bến ven sông Công thuộc địa bàn tỉnh Thái Nguyên, các xe tải chở than, vật liệu rời khi ra khỏi cảng, bến đều không được phun rửa bánh, thành thùng xe khiến cả đoạn đường đê dài cả kilomet thường xuyên ngập trong bụi than.

Tương tự, tại nhiều bến bốc xếp đá trên sông Đáy thuộc địa bàn tỉnh Hà Nam, bụi từ các cảng bến tỏa mù mịt trên sông và ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Quy định rõ trách nhiệm của cảng, bến

Thực tế cũng cho thấy, dù tình trạng cảng, bến thủy gây ô nhiễm môi trường phổ biến, song lực lượng cảng vụ đường thủy khó xử phạt do thẩm quyền xử phạt hạn chế so với mức độ vi phạm. Những trường hợp vi phạm nghiêm trọng đều do lực lượng chức năng về môi trường xử lý.

Gần đây, UBND tỉnh Ninh Bình xử phạt cảng K.P tại huyện Yên Khánh, Ninh Bình hơn 100 triệu đồng do không thực hiện đúng đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt. Trước đó, cuối tháng 4/2021, công an địa phương qua kiểm tra, lập biên bản vi phạm đối với cảng trên.

Ông Hoàng Văn Kiên, Trưởng phòng Pháp chế Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II cho biết, theo quy định tại Nghị định số 08/2021 về quản lý hoạt động ĐTNĐ (có hiệu lực từ ngày 15/3/2021), trách nhiệm về bảo vệ môi trường trong khai thác cảng, bến thủy được quy định rõ ràng, cụ thể hơn so với trước.

Vì vậy, kỳ vọng sẽ nâng ý thức, trách nhiệm của chủ thể khai thác cảng, bến thủy về bảo vệ môi trường và tạo sự chuyển biến tích cực về môi trường trong hoạt động cảng, bến thủy.

“Hiện dự thảo Nghị định xử lý VPHC trong lĩnh vực giao thông ĐTNĐ (thay thế Nghị định 132/2015) cũng bổ sung hành vi vi phạm và nâng cao mức phạt để răn đe, góp phần nâng ý thức bảo vệ môi trường đường thủy ”, ông Kiên nói.

Từ thực tế quản lý cảng, bến thủy, theo ông Nguyễn Đức Minh, Trưởng đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Phú Thọ cho biết, cùng với việc nâng chế tài xử phạt, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn của các lực lượng chuyên ngành về môi trường để kiểm soát ô nhiễm từ cảng, bến.

“Có những cảng, bến thủy nhìn bằng mắt thường cũng thấy được gây phát tán bụi kinh khủng, song để có sự đo đạc, đánh giá mức độ mới có thể có căn cứ xử lý”, ông Minh nói.

Theo lãnh đạo một đơn vị cảng vụ, việc kiểm tra, xử lý phương tiện thủy xả thẳng nước thải sinh hoạt, nước làm mát, nước dằn phương tiện (có chứa thành phần dầu, mỡ công nghiệp, gỉ sắt...) rất khó khăn do cần căn cứ để đối chiếu, đánh giá.

“Trên các tàu, cảng bến đều quy định thùng chứa đựng các chất thải rắn nên việc kiểm soát dễ hơn. Còn đối với việc xả nước thải từ phương tiện thủy cỡ lớn, cần có quy định hoặc cụ thể như nhật ký xả thải... để chủ phương tiện dễ thực hiện và góp phần kiểm soát phương tiện tốt hơn”, ông này đề xuất.

Cảng, bến phải tiếp nhận, xử lý chất thải từ phương thủy

Theo quy định tại Nghị định số 08/2021 về quản lý hoạt động ĐTNĐ, có hiệu lực từ ngày 15/3/2021, người quản lý khai thác cảng, bến thủy có các trách nhiệm cụ thể trong việc bảo vệ môi trường.

Cụ thể: Xây dựng và thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu; bố trí nhân sự quản lý, thực hiện công tác bảo vệ môi trường cảng, bến; thu gom, xử lý các loại chất thải, nước thải phát sinh trong quá trình hoạt động của cảng, bến; bố trí phương tiện, dụng cụ, thiết bị tại cảng, bến để tiếp nhận chất thải rắn thông thường từ phương tiện thủy; giảm thiểu bụi và hạn chế tiếng ồn, độ rung gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường xung quanh và người lao động...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.