Quản lý

Cách nào giảm ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất?

07/11/2017, 10:31

Mở rộng đường, kết nối giao thông để phá đường độc đạo là các ý kiến tại hội thảo chống ùn tắc sân bay

IMG_4371
Hội thảo về giả tỏa ách tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh Đỗ Loan

Sáng 7/11, tại TP.HCM diễn ra hội thảo giải tỏa ách tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất do Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM và Sở GTVT TP.HCM chủ trì. Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến từ những chuyên gia, tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực hàng không, giao thông đô thị góp ý về cách giảm ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, vấn đề cốt yếu là đất dành cho giao thông quá thấp, TP HCM hiện nay chỉ có 8,5% đất dành cho sân bay trên đất quy chuẩn đô thị. Trong khi theo quy định là 24 – 26%. Mật độ giao thông 1,95km/ m2 đường, trong khi theo quy chuẩn là 13 – 18km/ m2, mật độ phương tiện giao thông quá cao, hơn 8 triệu xe máy, 640000 xe ô tô làm lưu lượng quá tải.

Le Van Tam
Ông  Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM phát biểu tại hội thảo

Theo nhận định của Sở GTVT, việc đưa vào vận hành cầu vượt Trường Sơn vừa qua, chỉ góp phần giảm bớt ùn tắc giao thông, nhưng chưa giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Theo Quy hoạch ngành hàng không đến năm 2020, lượng hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến sẽ đạt sản lượng là 25 triệu lượt khách/năm. Tuy nhiên, theo Cảng vụ hàng không Miền Nam, chỉ trong năm 2016 sân bay Tân Sơn Nhất đã phục vụ hơn 32 triệu lượt khách, tăng hơn 5,5 triệu lượt so với năm 2015, vượt 30% công suất thiết kế là 25 triệu lượt hành khách /năm.

Theo T.S Võ Kim Cương, nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, áp lực giao thông đô thị ở sân bay ùn tắc từ phía Bắc như Gò Vấp, QL22, Tây Ninh. Các giải pháp giúp giảm ùn tắc sân bay gồm: Mượn đường hoặc đổi đất để có đường qua đất quốc phòng phía Nam bân bay; Mượn đường qua doanh trại Quân khu 7; Mượn đường sắt đoạn từ Gò Vấp về Hòa Hưng. Tuy nhiên 3 giải pháp này không nằm trong tay thành phố mà cần kiến nghị Thủ tướng để giải quyết.

IMG_4381

T.S Nguyễn Hữu Nguyên, Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, đường Trường Sơn bị quá tải vì mượn đường chứ không phải nhiều xe ra vào sân bay. Ảnh Đỗ Loan

Trong khi đó, T.S Nguyễn Hữu Nguyên, Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, đường Trường Sơn bị quá tải vì mượn đường chứ không phải nhiều xe ra vào sân bay. Cầu vượt Tân Sơn Nhất không nằm vào mục tiêu giảm ùn tắc và chỉ giải quyết nhu cầu vào chứ không ra.

Việc thực hiện 22 dự án sẽ kéo dài vì khó khăn về kinh phí giải phóng mặt bằng - nên chưa chốt được thời điểm hoàn thành cụ thể. Sau khi làm xong 22 dự án kết quả sẽ thay đổi nhưng không bền vững, chỉ khi nào sân bay Long Thành xong, Tân Sơn Nhất mở nhiều cửa thì áp lực giao thông sẽ giảm đi.

Theo ThS. Cao Ngọc Thành (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM), các ràng buộc từ quan niệm của sân bay với các hiện trạng hiện tại đã làm cản trở việc hình thành các chính sách với các lực đủ lớn để khơi thông các tắc nghẽn. Vì vậy, để giải quyết ách tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cần phải có cách tiếp cận mới, bắt đầu từ việc hình thành một khái niệm mới là “Trung tâm hoạt động hàng không sân bay Tân Sơn Nhất” hoặc một khái niệm nào mới khác (tương ứng với đó là cách tiếp cận mới, phương tiện mới…) Từ khái niệm mới này, có thể hình thành khu vực sân bay Tân Sơn Nhất như một vùng lãnh thổ với các đặc điểm về sức ảnh hưởng, khả năng tác động lớn khác với đa phần lãnh thổ hay khu vực còn lại của TP HCM...

Sau khi nghe ý kiến của các chuyên gia, TS Trần Anh Tuấn, Q.Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng sự quan tâm nhất hiện nay là giao thông bên ngoài sân bay giải quyết căn cơ việc ùn tắc giao thông xung quanh khu vực sân bay. Đến nay thực sự giải pháp căn cơ vẫn chưa có. 

Với kết quả hội thảo, Ban tổ chức sẽ xây dựng bản kiến nghị, đề xuất đối với Chính phủ, Bộ GTVT Thành ủy và UBND TP về các giải pháp phát triển hạ tầng giao thông trong và ngoài khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực này nói riêng và TP.HCM nói chung.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.