Đời sống

Cách nào gửi thực phẩm an toàn cứu trợ người dân vùng lũ?

23/10/2020, 10:00

Việc đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ cũng cần được coi trọng.

img
Để những chiếc bánh chưng đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm đến được tay người dân vùng lũ cần lưu ý đến quá trình bảo quản, vận chuyển (Trong ảnh: Người dân, phật tử tại chùa Đình Quán, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội gấp rút gói hàng nghìn chiếc bánh chưng để gửi tới đồng bào miền Trung). Ảnh: Tạ Hải

Hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm, trong đó có hàng vạn chiếc bánh chưng được người dân cả nước gửi về cứu trợ người dân miền Trung. Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ cũng cần được coi trọng.

Bánh chưng chưa đến tay bà con đã hỏng

Nhằm chia sẻ khó khăn với đồng bào bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, hàng vạn chiếc bánh chưng được người dân nhiều tỉnh, thành ngày đêm làm, gửi tới người dân các tỉnh miền Trung.

Tuy nhiên, việc bảo quản lượng bánh lớn này thế nào để đảm bảo chất lượng khi tới tay người dân vùng lũ lại là điều băn khoăn lớn.

Mới đây, anh Xuân Huy, chủ nhiệm câu lạc bộ thiện nguyện tại Thanh Hóa đã ghi lại hình ảnh 3 nghìn chiếc bánh chưng bị hư hỏng khi chưa đến được nơi cứu trợ, kèm lời nhắn “Hơn 3 nghìn chiếc bánh bị hư chưa thể tới tay bà con, xót lắm!”.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề làm bánh, chị Phan Thu Thương (Hà Nội) chia sẻ: “Đâu đâu cũng gói bánh với số lượng lớn, tốn nhiều thời gian và công sức nhưng khi đến tay người dân vùng lũ mà bánh hư hỏng không ăn được thì thật đáng tiếc”.

Theo chị Thương, bánh chưng nếu muốn để lâu thì khâu bảo quản phải rất công phu.

“Bánh sau khi nấu xong phải ép nước thật kĩ; dùng khăn lau thật sạch nhựa chảy ra xung quanh. Muốn để được khoảng 10 ngày, bánh cần được ép chân không khi đã để nguội lạnh.

Còn nếu làm vội, đóng thùng kín thì bánh rất dễ bị thiu, đặc biệt ở nhiệt độ trên 300C tại miền Trung”, chị Thương nói và chia sẻ: “Người dân vùng lũ cần nhiều thứ thiết yếu khác như: Đèn pin, bình sạc dự phòng, quần áo, sách vở, chăn, màn, chiếu , gối, nước uống, sữa...”.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, BS. Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Với bà con vẫn sống ở khu vực ngập lụt, lương thực, thực phẩm khô vẫn là ưu tiên hàng đầu, tiếp đến là rau, củ, quả tươi...

Với các khu vực có thể nấu nướng được thì nên hỗ trợ thêm thực phẩm tươi sống khác. Riêng với bánh chưng, cần cân nhắc số lượng gửi cứu trợ sao cho phù hợp. Bởi, để đến được tay người dân có khi phải mất đến vài ngày, trong khi để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, loại bánh này chỉ khuyến khích dùng trong ngày.

“Do bánh chưng khó bảo quản, dễ nấm mốc nên số lượng bánh ủng hộ dân vùng lũ cần được tính toán phù hợp, vừa tránh lãng phí tiền bạc, công sức của người ủng hộ vừa đảm bảo an toàn sức khỏe người sử dụng”, ông Hưng cho biết.

Cảnh giác với bệnh dịch sau mưa lũ

Tính đến ngày 22/10, vẫn còn hơn 46 nghìn nhà dân tại 2 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình bị ngập. Trong đó, trọng điểm là ở các huyện Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh, Can Lộc (Hà Tĩnh); Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch (Quảng Bình)…

Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân vùng lũ, mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đề nghị sở Y tế các tỉnh/thành phố từ Quảng Ninh đến Phú Yên, phối hợp với ngành chức năng tuyên truyền, giám sát và kiểm soát, tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết làm thực phẩm, thức ăn chế biến.

Kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm các loại lương thực, thực phẩm, nước uống do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ đồng bào vùng lũ lụt nhằm đảm bảo không để các sản phẩm bị hỏng, mốc, dập vỡ, hết hạn sử dụng… đến tay người dân.

Đồng thời, hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, tổng vệ sinh nguồn nước cung cấp cho ăn uống và các công trình công cộng.

Bên cạnh đó, khuyến cáo người dân vùng lũ thực hiện triệt để việc ăn chín, uống sôi, rửa tay bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa với nước sạch. Vệ sinh toàn bộ bề mặt và dụng cụ chế biến thực phẩm bằng nước sạch và chất tẩy rửa sau mỗi lần chế biến.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS.TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Sau mưa lũ, ngập lụt, điều kiện vệ sinh môi trường sẽ không đảm bảo, bị ô nhiễm, người dân sẽ phải đối mặt với nguy cơ bệnh dịch.

Việc thiếu lương thực, thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến thể trạng, sức đề kháng của người dân vùng lũ, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ như: Sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, nấm da, cảm cúm, đau mắt đỏ…

“Để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát ở khu vực ngập lụt, các địa phương, cơ sở y tế phải thực hiện tổng thể các biện pháp gồm: Vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch cho người dân trong và sau lũ lụt.

Khi nước lũ rút, giếng nước phải được nạo vét, làm sạch. Cần phun khử trùng, tẩy uế môi trường xung quanh. Các đơn vị phải tăng cường rà soát, phát hiện sớm người mắc bệnh, chủ động điều trị, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh bùng phát”, ông Phu nhấn mạnh.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người dân vùng lũ nếu không có nước sạch thì phải khử trùng nguồn nước trước khi sử dụng.

Đối với nước sông suối, ao hồ hoặc nước giếng bị nhiễm bẩn, phải làm trong nước bằng cách dùng phèn chua hòa vào nước (với tỷ lệ 1gam phèn chua/20 lít nước), chờ 30 phút cho cặn lắng xuống đáy rồi gạn lấy nước trong.

Trong trường hợp không có phèn chua có thể dùng túi vải để lọc nước. Sau đó, nước cần được khử trùng bằng hóa chất chloramine B hoặc clorua vôi. Sau khử trùng, nước phải có mùi clo thì việc khử trùng mới có tác dụng. Nước sau khử trùng 30 phút là sử dụng được.

Một điều cần lưu ý, tuyệt đối không được khử trùng đồng thời với đánh phèn vì phèn sẽ hấp thụ hết clo hoạt tính, làm mất tác dụng khử trùng của clo. Nước xử lý bằng clo vẫn phải đun sôi mới uống được.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.