Giao thông

Cách nào huy động hàng trăm ngàn tỷ đầu tư hạ tầng giao thông?

09/08/2017, 08:53

Vấn đề nguồn lực đầu tư cho giao thông được đặc biệt quan tâm tại buổi làm việc của Phó chủ tịch Quốc hội...

13

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc

Vốn ngân sách mới đáp ứng 31% nhu cầu

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, giai đoạn 2016 - 2020, Bộ GTVT cần hơn 952 nghìn tỷ đồng (bao gồm: Gần 605 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước (NSNN) và gần 348 nghìn tỷ đồng vốn huy động ngoài NSNN) để thực hiện các mục tiêu chiến lược. Tuy nhiên, dự kiến kế hoạch vốn giai đoạn 2016 - 2020, Bộ GTVT mới được bố trí hơn 209 nghìn tỷ đồng (bao gồm hơn 97,2 nghìn tỷ đồng vốn ODA, hơn 36,8 nghìn tỷ đồng vốn trong nước và 75 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ (trong đó 5.000 tỷ đồng dành riêng cho công tác GPMB dự án CHK quốc tế Long Thành).

Đáng nói hơn, trước mắt, Bộ GTVT chỉ được phân bổ sử dụng 90% số vốn được thông báo. Như vậy, số vốn NSNN được phân bổ chỉ đáp ứng khoảng 31% tổng nhu cầu vốn NSNN (bao gồm vốn ODA, vốn ngân sách trong nước và vốn trái phiếu chính phủ) để thực hiện các mục tiêu Chiến lược đã đặt ra.

Thực hiện theo đúng chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ, Bộ GTVT đã xây dựng phương án phân bổ số vốn NSNN được thông báo (120,7 nghìn tỷ đồng). Cụ thể, bố trí trả 100% nợ đọng xây dựng cơ bản (1.950 tỷ đồng); hoàn trả khoảng 50% kế hoạch vốn ứng trước (hơn 9,9 nghìn tỷ đồng trên tổng số hơn 19,3 nghìn tỷ đồng kế hoạch đã ứng trước), đáp ứng khoảng 53% vốn đối ứng các dự án ODA đã ký kết Hiệp định, đang triển khai dở dang. Đáng lưu ý, ngành GTVT gần như không có vốn để triển khai dự án khởi công mới và đặc biệt là phải dừng, giãn toàn bộ 27 dự án sử dụng vốn NSNN đang triển khai dở dang.

Bố trí 31% vốn thì chỉ thực hiện được 31% mục tiêu chiến lược

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, nếu chỉ bố trí 31% tổng nhu cầu cũng đồng nghĩa với chiến lược chỉ thực hiện được 31%. Tuy nhiên, khả năng bố trí thêm vốn, thêm ngân sách Nhà nước là rất khó khăn. Đầu tư công trung hạn bị giới hạn bởi 2 triệu tỉ đồng. Vay nợ bị giới hạn ở 300 nghìn tỷ. Trong khi đó, bình quân hàng năm thu ngân sách tăng 15% nên khả năng bố trí vốn thêm là rất khó.

Đối với phần vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 dự kiến được phân bổ, Bộ GTVT dự kiến sẽ dành 55.000 tỷ đồng làm vốn hỗ trợ cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, 15.000 tỷ đồng cho các dự án giao thông quan trọng cấp bách khác (trong khi tổng nhu cầu của các dự án quan trọng, cấp bách trong giai đoạn này lên tới hơn 80.000 tỷ đồng).

“Do nguồn lực từ NSNN được phân bổ quá thấp so với nhu cầu nên Bộ GTVT không đủ điều kiện để thực hiện các mục tiêu mà Chiến lược phát triển GTVT Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra cho giai đoạn đến năm 2020. Trong khi đó, việc xây dựng kế hoạch 5 năm 2021-2025 tiếp theo để thực hiện Chiến lược phát triển GTVT phụ thuộc vào kết quả thực hiện kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020”, Thứ trưởng Nhật nói và cho rằng, trong trường hợp không thể cân đối bổ sung được nguồn lực so với nhu cầu, các mục tiêu chiến lược chưa đạt được cho giai đoạn đến năm 2020 sẽ phải chuyển sang thực hiện trong kỳ kế hoạch trung hạn 2021-2025. Đồng thời, cũng cần phải điều chỉnh lại Chiến lược phát triển GTVT cho phù hợp với điều kiện nguồn lực của đất nước.

Kiến nghị Quốc hội bổ sung nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nêu rõ: “Cần bố trí đủ vốn cho các dự án ODA đã ký kết Hiệp định, đang được triển khai dở dang. Cụ thể, được phân bổ bổ sung hơn 42 nghìn tỷ đồng kế hoạch vốn ODA nước ngoài, bổ sung 13,9 nghìn tỷ đồng vốn đối ứng. Cùng đó, Bộ GTVT cũng đề nghị bố trí đủ vốn để hoàn thành tới điểm dừng kỹ thuật hợp lý cho 27 dự án sử dụng vốn NSNN đang được triển khai dở dang để tránh gây lãng phí phần vốn đã đầu tư, mất ATGT, đi lại khó khăn; Có chủ trương cho phép bố trí 28,5 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 để triển khai các dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt Bắc - Nam và một số dự án giao thông quan trọng, cấp bách khác; Bổ sung khoảng 10.787 tỷ đồng kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để trả nợ 4 dự án BT đã thực hiện: La Sơn - Túy Loan, QL20 thành phần 1, QL20 thành phần 2, nút giao ngã ba Huế”.

Ngân sách chỉ là vốn mồi

Báo cáo Phó chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, một trong những vấn đề mà Bộ GTVT và Chính phủ đang quan tâm là vốn cho các dự án giao thông cấp bách. “Hàng không thời gian qua phát triển quá nóng. Song song với việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, Bộ GTVT, Chính phủ cũng đang tìm giải pháp cấp bách nâng năng lực sân bay Tân Sơn Nhất. Đầu tư các sân bay khác như Chu Lai, Cát Bi, Phú Bài… tới đây cũng sẽ kêu gọi nguồn vốn xã hội hoá chứ không dùng NSNN”, Bộ trưởng nói.

Với đường sắt, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, thời gian qua lĩnh vực này không những không được đầu tư mở rộng mà thậm chí còn bị thu hẹp lại. Các địa phương đều nhằm vào những khu vực có thể lấy lại được của đường sắt để phát triển đô thị. Mặc dù vậy, thời gian qua đường sắt đã bước đầu có những thay đổi hợp lý. “Xác định không thể chạy đua với hàng không trên tuyến Bắc - Nam, đường sắt đã tập trung đầu tư tuyến ngắn như Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang”, Bộ trưởng nói.

Trong khi đó, về hàng hải, đường thuỷ nội địa, Bộ trưởng nhận định việc tăng cường kết nối sẽ có thể đẩy thị phần vận tải lên.

Đánh giá cao thành tựu mà ngành GTVT đạt được, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: “Trong sự phát triển của đất nước suốt 30 năm đổi mới, ngành GTVT luôn giữ vai trò tiên phong. Tăng trưởng kinh tế bình quân 30 năm đạt được trên 7%, có sự đóng góp rất lớn của GTVT. Sự bùng nổ về giao thông, dịch vụ giao thông, công nghiệp giao thông đã tạo ra sự phát triển hết sức tích cực bền vững về kinh tế, giúp tăng cường giao lưu văn hoá, phát triển giữ vững được an ninh quốc phòng”.

Vấn đề đặt ra hiện nay là Chiến lược phát triển GTVT đã rõ nhưng nguồn lực còn rất thiếu. Vốn NSNN chỉ đáp ứng khoảng 31% tổng nhu cầu để thực hiện các mục tiêu Chiến lược đã đặt ra, ông Hiển đặt vấn đề.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội, trong điều kiện hiện nay, phải tính được phân kỳ đầu tư như thế nào, cách thức huy động như thế nào, phải tính lại nguồn lực sao cho ngân sách chỉ là vốn mồi. Về mục tiêu thực hiện trên 2.000km đường cao tốc Bắc-Nam, ông Hiển cho rằng, phải tính đủ nguồn lực cho dự án. Quốc hội chỉ bấm nút khi nào Chính phủ chỉ rõ được nguồn vốn ở đâu. Muốn vậy, phải phân kỳ đầu tư, tuy nhiên, cũng phải tính trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2030, không thể sớm hơn được.

Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển cũng ủng hộ quan điểm đầu tư cho đường sắt để đảm bảo đồng tốc, đồng tải, nhanh chóng nghiên cứu trình Quốc hội Báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao, đẩy mạnh việc triển khai các phần việc phục vụ dự án CHK quốc tế Long Thành…

“Gỡ” cơ chế cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam

Đẩy nhanh tiến độ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT kiến nghị Quốc hội cho phép, trong bước nghiên cứu tiền khả thi chỉ thực hiện đánh giá tác động môi trường sơ bộ; việc đánh giá tác động môi trường thực hiện trong bước nghiên cứu khả thi.

Bộ GTVT cũng đề nghị Quốc hội giao Chính phủ quyết định đầu tư các dự án thành phần và áp dụng nhiều hình thức đầu tư, hình thức hợp đồng trong cùng dự án. Đồng thời, để rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư, cần thiết cho phép chỉ định thầu các gói thầu tư vấn tham gia lập dự án đầu tư. Mục đích: Để phù hợp với điều kiện cụ thể từng dự án, đảm bảo tính khả thi kêu gọi đầu tư tư nhân; đồng thời, rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư. Hàng năm, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện dự án; Cho phép không áp dụng quy định về nguyên tắc xác định giá “phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển KT-XH của Nhà nước trong từng thời kỳ”. Trường hợp Nhà nước điều chỉnh mức giá dịch vụ so với mức giá ban đầu làm ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính, Nhà nước phải bù đắp kinh phí để hỗ trợ phần thiếu hụt, bảo đảm không ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính theo phương án đã mời thầu nhà đầu tư và ký hợp đồng dự án.

Cùng đó, Bộ GTVT đề nghị cho phép quy định trong hợp đồng dự án việc huy động vốn chủ sở hữu phù hợp với tiến độ triển khai dự án như quy định của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP, không áp dụng quy định của Luật Doanh nghiệp để sử dụng hiệu quả nguồn vốn huy động, tránh lãng phí nguồn lực.

T.Bình

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.