Giao thông

Cách nào huy động vốn nhàn rỗi đầu tư giao thông?

07/06/2019, 11:11

Chúng ta đều thấy vấn đề rất lớn hiện nay là thiếu vốn cho đầu tư giao thông. Trong khi đó, Quỹ BHXH là một nguồn lực tài chính rất lớn.

img
Tại Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang), Phó chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã nêu vấn đề sử dụng Quỹ BHXH đầu tư cho giao thông

Trong bối cảnh ngành GTVT thiếu vốn đầu tư trầm trọng, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT hôm 5/6, nhiều đại biểu đề xuất dùng tiền nhàn rỗi của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và huy động tiền nhàn rỗi trong dân để đầu tư. Giải pháp này liệu có khả thi?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH Nguyễn Hoàng Mai:Đầu tư vào giao thông, Quỹ BHXH sẽ tăng trưởng tốt

Tại diễn đàn Quốc hội, ông đã nêu vấn đề sử dụng Quỹ BHXH đầu tư cho giao thông. Từ đâu ông nảy ra ý tưởng này?

Rõ ràng, chúng ta đều thấy vấn đề rất lớn hiện nay là thiếu vốn cho đầu tư giao thông. Trong khi đó, Quỹ BHXH là một nguồn lực tài chính rất lớn.

Theo quy định của Luật BHXH, có thể sử dụng Quỹ BHXH để mua trái phiếu, gửi ngân hàng thương mại có uy tín và cho ngân sách vay. 3 hình thức này chỉ mang lại lãi suất thấp, nếu trừ đi lạm phát, đầu tư hình thức đó chỉ đảm bảo an toàn, thu hồi vốn nhưng hiệu quả thấp.

Chúng ta có quỹ lớn như vậy nhưng làm sao vẫn bảo đảm nguyên tắc an toàn, thu hồi vốn nhưng hiệu quả lãi suất cao hơn. Đất nước rất thiếu nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống giao thông, thậm chí phải kêu gọi nguồn lực từ nước ngoài trong khi chúng ta có một nguồn vốn rất lớn từ Quỹ BHXH, có thể huy động vốn này đầu tư cho giao thông, lãi suất cao hơn rất nhiều.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khi giải trình làm rõ thêm một số vấn đề trên diễn đàn Quốc hội cũng nói, Thủ tướng Chính phủ có thể sẽ giao cho Bộ GTVT phối hợp với BHXH Việt Nam xem liệu có sử dụng được nguồn vốn này không.

Theo ông, để có thể sử dụng được nguồn tài chính dồi dào này, vấn đề gì phải quan tâm?

Thứ nhất, phải tìm ra dự án khả thi để đầu tư, qua đó bảo đảm sự an toàn của đồng vốn bỏ ra. Thứ hai, trong trường hợp cần thiết, phải xin ý kiến Quốc hội vì Luật BHXH chỉ cho phép 3 hình thức đầu tư như tôi đã nói ở trên. Nếu đầu tư vào một dự án nhỏ, Chính phủ có thể cho thí điểm, tuy nhiên nếu đầu tư vào dự án quy mô lớn, phải xin ý kiến Quốc hội.

Tôi cho rằng, đầu tư vào lĩnh vực giao thông, vào những tuyến đường huyết mạch, chắc chắn bảo toàn được vốn. Nhà đầu tư tư nhân người ta còn sẵn sàng bỏ tiền ra làm. Mà tư nhân đương nhiên người ta đặt vấn đề lợi nhuận lên hàng đầu. Do đó, nếu dùng Quỹ BHXH để đầu tư vào những tuyến đường huyết mạch, thời gian thu hồi vốn nhanh, bảo đảm cho Quỹ BHXH phát triển.

Có thể dùng Quỹ BHXH đầu tư vào cao tốc Bắc - Nam, CHK Long Thành

Trên thế giới có nước nào sử dụng Quỹ BHXH để đầu tư cho công trình công chưa, thưa ông?

Thực ra, BHXH cũng là một quỹ tài chính. Trên thế giới có rất nhiều mô hình đầu tư, thường là đầu tư vào những công trình lớn. Tất nhiên, đấy là đối với những nước mà quỹ còn tồn dư. Với những nước thu bao nhiêu, chi bấy nhiêu thì không thể đặt vấn đề đầu tư. Còn Quỹ BHXH của ta vẫn đang trong giai đoạn tích luỹ, chưa đến giai đoạn chi vượt thu thì còn cơ hội để đầu tư.

Theo ông, việc đầu tư vào những công trình huyết mạch giao thông có thể góp phần ổn định hơn quỹ vì mức lãi suất kỳ vọng cũng khá cao, nhất là so với lãi gửi ngân hàng? Ông có thể cho biết thêm nên chọn những công trình như thế nào?

Tôi cho rằng, đầu tư vào giao thông sẽ có 2 tác dụng. Thứ nhất, giúp phát triển KT-XH thông qua việc đầu tư trực tiếp vào các công trình hạ tầng giao thông. Thứ hai, bản thân quỹ cũng sẽ có sự tăng trưởng tốt hơn.

Đầu tư vào công trình nhỏ hay to không quan trọng mà cốt yếu là Chính phủ phải đánh giá công trình nào tính khả thi cao, độ an toàn cao thì nên dùng quỹ này.

Vậy, nếu muốn đầu tư vào hạ tầng giao thông có phải sửa Luật BHXH không, thưa ông?

Nếu việc đầu tư với quy mô lớn, sẽ phải sửa Luật BHXH. Chính phủ sẽ khó có thể tự quyết bỏ ra mấy trăm nghìn tỷ để đầu tư. Nếu quy mô nhỏ, Chính phủ có thể thí điểm đầu tư được. Trước đây, quỹ đã từng đầu tư cho nhà máy thuỷ điện trên Lai Châu, lãi suất mang về khoảng 9,4%, cao hơn rất nhiều so với lãi suất ngân hàng (lúc đó chỉ khoảng hơn 5%).

Đầu tư vào dự án thuỷ điện được thì đầu tư vào dự án giao thông, cụ thể là những tuyến đường huyết mạch sẽ rất an toàn. Còn những tuyến đường vùng sâu vùng xa, khả năng thu hồi vốn thấp, phải dùng ngân sách, không thể dùng Quỹ BHXH được. Hiện, Chính phủ đang kêu gọi đầu tư vào dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông cũng như CHK quốc tế Long Thành. Chính phủ có lẽ cũng chưa nghĩ đến việc dùng Quỹ BHXH để đầu tư. Đây có thể là một gợi ý cho Chính phủ.

Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam:
Quỹ bảo hiểm từng đầu tư dự án cho hiệu quả cao

img

Nguồn lực tài chính cho hoạt động của các Quỹ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được huy động từ phần đóng của người lao động, người sử dụng, hỗ trợ của Nhà nước và tiền sinh lời từ hoạt động của quỹ. Trong đó, các Quỹ BHXH, BHTN đều kết dư, riêng Quỹ BHYT bị âm trong các năm 2016, 2017 và 2018.

Tuy nhiên, với sự thay đổi về cơ cấu, danh mục đầu tư tăng trưởng của các quỹ này, từ năm 2013 đến nay, tỷ lệ lãi/số dư đầu tư bình quân từ các quỹ đều cao hơn chỉ số giá tiêu dùng, tức là có tăng trưởng. Việc phân bổ và sử dụng tiền lãi đầu tư thực hiện theo đúng quy định.

Việc dùng Quỹ BHXH đầu tư và các dự án hạ tầng không vướng luật nhưng để triển khai cần phải cân nhắc, đưa vào đề án tổng thể đầu tư tăng trưởng quỹ, sau đó mới quyết định các hình thức đầu tư. Hiện nay, hơn 85% vốn của quỹ đang cho ngân sách vay qua hình thức mua Trái phiếu Chính phủ. Nguyên tắc số một đầu tư quỹ BHXH đảm bảo an toàn tính thanh khoản, đầu tư cần nghiên cứu hết sức thận trọng phải có đề án cụ thể.

Trước đây, Quỹ BHXH cũng đã quyết định đầu tư vào dự án ở Lai Châu. Dù đây là lần đầu tiên đầu tư vào dự án cụ thể song lại thu hồi vốn rất tốt, thậm chí còn được trả vốn trước thời hạn.

ĐB Trần Văn Lâm (Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội):
Đảm bảo tính bảo tồn và tăng trưởng quỹ

img

Nguyên tắc đầu tư Quỹ BHXH phải bảo đảm tính bảo tồn và tăng trưởng. Hiện nay, BHXH vẫn dùng chủ yếu quỹ này vào việc mua Trái phiếu Chính phủ. Từ nguồn này, Chính phủ sẽ đầu tư vào việc phát triển kinh tế hạ tầng xã hội.

Việc sử dụng vốn của quỹ BHXH đầu tư vào các dự án là phù hợp với quy định pháp luật. Tuy nhiên, trước đây có thể quy định chưa chặt chẽ nhưng tới nay riêng lĩnh vực đầu tư công, Chính phủ phải đứng ra vay. Vốn vay phải nằm trong ngưỡng an toàn nợ công nằm trong tổng ngân sách cân đối, không phải từng dự án tự đứng ra vay. Do đó, tùy theo từng thời điểm quy mô, tốc độ tăng trưởng kinh tế, Chính phủ mới tính toán thận trọng nguồn vay ODA bao nhiêu và các nguồn trong nước là bao nhiêu.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình):
Lựa chọn đầu tư nhưng phải giám sát chặt

img

Để sinh lời cho nguồn quỹ trả người tham gia đóng bảo hiểm, Quỹ BHXH phải chọn những đơn vị uy tín để đầu tư. Thực tế, thời gian qua cũng có trường hợp đầu tư thua lỗ, gây thất thoát nguồn quỹ.

Tôi đồng tình việc mở rộng đầu tư của quỹ BHXH cho các chương trình dự án giao thông, nhưng cần phải cân nhắc chọn vị trí, thời điểm phù hợp, không nên đầu tư ào ạt sẽ dẫn tới rủi ro, rất nguy hiểm. Ngoài ra, quyết định chọn lựa này cũng phải có sự thống nhất giám sát của các đơn vị liên quan đảm bảo tính an toàn.

Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ PPP (Bộ GTVT):
Thêm một “kênh” huy động vốn đầu tư PPP giao thông

img

Trong bối cảnh nguồn ngân sách còn hạn hẹp, việc huy động các nguồn lực trong xã hội để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông là rất cần thiết. Việc huy động vốn từ các quỹ BHXH, quỹ tín dụng, tiền nhàn rỗi trong dân… cần được tính đến để đầu tư trực tiếp, hoặc làm vốn “mồi”, sẵn sàng hỗ trợ, đối ứng cho các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Thực tế, một số quốc gia trên thế giới hiện đã áp dụng thành công mô hình đầu tư PPP, họ huy động được nguồn vốn từ các quỹ BHXH, bảo hiểm nhân thọ, quỹ hưu trí tự nguyện để đầu tư trực tiếp vào hạ tầng hoặc hỗ trợ đầu tư các dự án PPP rất hiệu quả. Tuy nhiên, ở nước ta, hầu như các quỹ này lại sử dụng để gửi ngân hàng, mua cổ phiếu,… chứ chưa được sử dụng để đầu tư phát triển hạ tầng.

Nếu huy động được các nguồn này để thực hiện cho các dự án PPP sẽ rất tốt vì nguồn tiền luôn có sẵn để kịp thời bố trí cho các dự án cấp bách, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Sắp tới, các cơ quan liên quan cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng các phương án, giải pháp để huy động và phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn huy động từ nguồn nhàn rỗi trong xã hội tham gia vào các dự án PPP.

Ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ:
Người dân có cơ hội hưởng lãi suất cao

img

Nhà nước cần ban hành cơ chế, chính sách phù hợp giúp các nhà đầu tư có uy tín, thương hiệu bằng phương án tài chính khả thi, định hướng kinh doanh và khả năng thu hồi vốn của công trình để thuyết phục các nhà đầu tư thứ cấp, người dân có tiền nhàn rỗi cùng góp vốn với doanh nghiệp dự án đầu tư các dự án PPP giao thông bằng cách mua trái phiếu dự án hoặc cho vay dài hạn trực tiếp với doanh nghiệp dự án theo thỏa thuận.

Muốn thực hiện điều này, Nhà nước phải đưa ra các cơ chế, chính sách mới so với hiện nay, thậm chí là phải sửa luật. Ý tưởng huy động nguồn tiền nhàn rỗi trong xã hội, người dân để đầu tư giao thông là phương án rất hay, vì khi thực hiện được sẽ giúp các dự án giao thông không phải phụ thuộc lớn vào ngân hàng như hiện nay, hơn nữa, người dân, các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư cũng có thể được hưởng lợi nhuận với lãi suất tương đối tốt so với gửi tiết kiệm ngân hàng.

Ông Trần Văn Thế, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả:
Chính phủ cần bảo lãnh để doanh nghiệp dự án phát hành trái phiếu

img

Giải pháp huy động vốn nhàn rỗi trong dân, gồm nguồn tiền của các cá nhân, doanh nghiệp hoặc các tổ chức tài chính đầu tư hạ tầng giao thông là có khả năng thực hiện được. Để huy động được nguồn vốn này, doanh nghiệp dự án BOT sẽ phát hành trái phiếu doanh nghiệp với mức lãi suất cố định theo tỷ lệ cam kết trong suốt vòng đời dự án. Lúc này, người dân, doanh nghiệp, quỹ đầu tư, quỹ bảo hiểm xã hội, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước có nguồn vốn nhàn rỗi thay vì gửi ngân hàng sẽ tham gia mua trái phiếu của dự án để cùng thực hiện đầu tư dự án với doanh nghiệp BOT.

Tuy nhiên, muốn thực hiện được chủ trương này, Chính phủ cần phải có chính sách cam kết bảo lãnh cho các doanh nghiệp dự án phát hành trái phiếu mới đảm bảo thành công. Hiện tại, Tập đoàn Đèo Cả đang triển khai nghiên cứu phương án phát hành trái phiếu đối với các dự án mới và các dự án đã hoàn thành đi vào khai thác. Tuy nhiên, khi làm việc với các nhà đầu tư quốc tế, ngoài tính khả thi về phương án tài chính, họ đều đưa ra điều kiện là Chính phủ phải cam kết bảo lãnh cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu, nhất là việc bảo đảm thời gian, mức phí đã cam kết của dự án.

Bên cạnh đó, để huy động vốn xã hội đầu tư vào các dự án giao thông, Nhà nước có thể thành lập Quỹ Đầu tư hạ tầng. Thực tế, tại một số nước trên thế giới đã có quỹ phát triển hạ tầng quốc gia và hoạt động rất hiệu quả. Nguồn vốn từ quỹ này được sử dụng dưới ba hình thức. Đầu tiên là đầu tư trực tiếp vốn vào các dự án PPP, thứ hai là mua trái phiếu do doanh nghiệp dự án phát hành và cuối cùng là bảo lãnh để doanh nghiệp dự án phát hành trái phiếu.

Nhiều nước huy động tiền nhàn rỗi đầu tư hạ tầng giao thông

img
Một công trình xây dựng hạ tầng giao thông ở Mỹ sử dụng vốn vay
từ các tổ chức tài chính tư nhân

Tiền nhàn rỗi (buying power) huy động được trong dân chúng là các khoản tài chính được các ngân hàng, tổ chức tín dụng hợp pháp huy động được từ người dân dựa trên các chính sách hấp dẫn về tỷ lệ lãi suất, khả năng đảm bảo rủi ro, duy trì sự tin cậy đối với khách hàng có tiền gửi.

Ở đa số các nước trên thế giới, các công trình xây dựng hạ tầng giao thông cơ bản do Nhà nước làm chủ đầu tư hoàn toàn có thể sử dụng tiền nhàn rỗi của các ngân hàng, tổ chức tài chính Nhà nước huy động được từ người dân miễn là vẫn đảm bảo được các quyền lợi cơ bản như đã đề cập ở trên cho người gửi.

Tại một số quốc gia khác có các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư, tín dụng, ngân hàng tư nhân… hoạt động, việc thu hút tiền nhàn rỗi từ dân chúng cũng rất phổ biến. Quy định ở mỗi nước về tỷ lệ lãi suất, quy chế, quy định… cho phép các tổ chức tài chính tư nhân hoạt động có khác nhau nhưng về cơ bản là tạo điều kiện thuận lợi cho người có tiền nhàn rỗi gửi tiết kiệm, ủy thác đầu tư và hưởng lợi từ số tiền mà mình bỏ ra mà ít gặp rủi ro nhất.

Sử dụng tiền nhàn rỗi huy động được từ tất cả các tổ chức tín dụng là xu thế khá phổ biến, không chỉ đối với đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông mà còn với nhiều lĩnh vực khác trong xã hội. Việc các tập đoàn, công ty xây dựng do Nhà nước quản lý, thậm chí là cả các nhà thầu xây dựng tư nhân có thể tiếp cận, sử dụng được vốn vay từ các tổ chức tài chính - tín dụng này hay không còn tùy thuộc vào sự tin cậy mà họ có được thông qua tài sản thế chấp, ủy thác của cơ quan thẩm quyền, kinh nghiệm thi công (có chậm tiến độ không, có đảm bảo chất lượng công trình hay có tỳ vết, bê bối… nào không) và khả năng trả nợ, trả lãi đúng hạn.

Hòa Bình

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.