Đường bộ

Nguy cơ lớn từ việc lái xe đi vào làn dừng khẩn cấp trên cao tốc

25/06/2022, 19:20

Tình trạng các phương tiện ngang nhiên đi vào làn dừng khẩn cấp trên cao tốc diễn ra phổ biến gây ra nhiều hệ luỵ khiến người dân bức xúc.

Báo động phương tiện vô tư đi vào làn dừng khẩn cấp

Khoảng 11h30 trưa 22/6, tài xế điều khiển ô tô tải BKS 62C - 041.75 lưu thông trên cao tốc Trung Lương đi TP.HCM. Khi đến đoạn Km 13 thuộc xã Thạnh Đức huyện Bến Lức (Long An ) do làn ngoài đang sửa chữa, đã cho xe chạy luôn vào làn khẩn cấp.

img

Tài xế xe tải đi vào làn dừng khẩn cấp còn cầm dao đe doạ lái xe cứu thương xin nhường đường ưu tiên phía sau khiến nhiều người bức xúc

Cùng lúc này, phía sau có xe cứu thương từ thiện chở bệnh nhi bật còi ưu tiên xin vượt để kịp đến bệnh viện. Không những không nhường đường, lái xe tải còn dừng phương tiện lại, lấy dao trên xe, đi bộ gần 10m, lại gần xe cứu thương đe dọa đòi xử tài xế xe này.

Sự việc được người dân quay clip ghi lại và đăng tải lên mạng xã hội đã tạo ra làn sóng chỉ trích dữ dội về hành vi thiếu ý thức và vi phạm Luật GTĐB của tài xế xe tải.

Trước đó, ngày 12/5, một xe cấp cứu chở bệnh nhân từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy lên Bệnh viện Chợ Rẫy trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương cũng không thể vượt lên khi đến khu vực Bến Lức (Long An) do có hàng loạt xe “chình ình” trên làn dừng khẩn cấp.

Dù bấm còi và phát loa tín hiệu liên tục để xin đường ưu tiên, nhưng do có quá nhiều xe chạy vào làn khẩn cấp nên tài xế xe cứu thương cũng đành bất lực.

Cách đó chừng 1 tuần, vào ngày 4/5, xe chở nhớt trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương bốc cháy, tuy nhiên do nhiều xe chiếm dụng làn dừng khẩn cấp khiến xe cứu hoả phải tốn nhiều thời gian mới tiếp cận được hiện trường. Hậu quả đám cháy lan ra hàng chục mét trên mặt đường, hư hại nhiều hạng mục của đường cao tốc như mặt đường, hộ lan, hệ thống cây xanh, ước tính thiệt hại khoảng 2 tỉ đồng.

Đây chỉ là 3 trong số rất ít những vụ việc các phương tiện chiếm dụng làn dừng khẩn cấp trên cao tốc để lại những hệ luỵ xấu cho người dân, xã hội.

TS Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT cho biết, làn dừng khẩn cấp trên cao tốc tại Việt Nam là làn nằm ngoài cùng bên phải được phân cách với làn xe chạy bằng vạch liền.

“Như tên gọi, đây là không gian để các xe gặp sự cố có thể di chuyển vào và dừng lại một cách an toàn, không ảnh hưởng đến dòng xe chạy tốc độ cao ở các làn chính. Ngoài ra, làn dừng khẩn cấp cũng là làn xe được trưng dụng bởi các xe ưu tiên (như xe cứu hỏa, xe công an, xe cứu thương) khi đang thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, làn dừng khẩn cấp trong nhiều trường hợp bị sử dụng sai mục đích như việc các xe tự ý dừng để lái xe nghỉ ngơi, hút thuốc, thậm chí đi vệ sinh và chụp ảnh. Một số phương tiện thấy đây là làn thông thoáng đã chủ động đi vào làn này để có thể di chuyển nhanh hơn.

“Chỉ có khoảng 70-80% tài xế hiểu và chấp hành việc không tự ý di chuyển vào làn khẩn cấp và vẫn còn tồn tại khoảng 20 - 30% tài xế không có ý thức thấy đường ùn tắc hay muốn đi nhanh là vô tư di chuyển vào, đặc biệt trên các tuyến cao tốc phía Nam hoặc đường vành đai 3 ở Hà Nội”, chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình nói thêm.

img

Các chuyên gia cho rằng cần phải xử phạt nghiêm tất cả trường hợp vi phạm đi vào làn dừng khẩn cấp trên cao tốc để tạo tính răn đe

Cách nào ngăn ngừa?

TS Hiếu cho biết, tình trạng các phương tiện cố tình lưu thông trên làn khẩn cấp vẫn diễn ra thường xuyên trong thời gian qua, nguyên nhân đầu tiên là do ý thức của người tham gia giao thông. Các lái xe đi vào làn khẩn cấp chủ yếu để tránh dòng giao thông trên các làn xe chạy và di chuyển nhanh, dễ dàng hơn.

Một nguyên nhân khác đó là tâm lý ‘đám đông’ kết hợp với việc xử phạt chưa đầy đủ các trường hợp sử dụng làn dừng khẩn cấp sai mục đích.

Theo đó, khi các chủ phương tiện thấy các phương tiện khác có thể sử dụng làn dừng khẩn cấp trái quy định mà không (hoặc chưa) bị xử phạt sẽ có xu hướng thực hiện hành vi tương tự.

“Sử dụng làn dừng khẩn cấp như làn xe chạy tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro vì các phương tiện chạy trên làn dừng này có thể gặp các xe đang đỗ/dừng vì sự cố dẫn đến nguy cơ va chạm và tai nạn. Bên cạnh đó, sự lưu thông trên làn dừng khẩn cấp cũng dẫn đến việc hạn chế không gian di chuyển của các xe ưu tiên đi thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp, ví dụ xe cứu hỏa đi chữa cháy hay xe cứu thương đi đón/chở người bệnh”, TS Hiếu nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS Bình cho biết, rất nhiều phương tiện, đặc biệt xe khách thường xuyên lấn sang làn dừng khẩn cấp để vượt lên nhưng chưa bị xử phạt. Điều này dẫn đến đến tình trạng tái phạm và nhiều tài xế khác do không hiểu luật cũng học theo đi vào làn.

Theo quy định, làn đường khẩn cấp trên cao tốc chỉ dành cho các phương tiện bị hư hỏng nằm chờ cứu hộ hoặc các loại xe ưu tiên như đoàn xe có CSGT dẫn đường, xe chữa cháy, xe cứu thương… Hành vi điều khiển xe chạy ở làn dừng khẩn cấp hoặc phần lề đường của đường cao tốc sẽ bị xử phạt từ 3 - 5 triệu đồng, tạm giữ GPLX từ 1 - 3 tháng theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP.

“Hiện nay, đa số các vi phạm giao thông trên cao tốc được thực hiện bằng hình thức xử phạt nguội, không chỉ ở Việt Nam mà cả các nước khác trên thế giới cũng vậy. Bởi xe lưu thông trên cao tốc với tốc độ cao, lực lượng chức năng không thể yêu cầu dừng lại để phạt như các tuyến đường thông thường (đường quốc lộ, đường tỉnh, hay đường đô thị). Việc phát hiện và yêu cầu dừng để xử phạt ngay tại các trạm thu phí cũng không phù hợp vì ảnh hưởng đến năng lực xe lưu thông qua của trạm”, TS Hiếu cho biết.

Cũng theo TS Hiếu, hạn chế của phạt nguội là tính răn đe không cao bởi chỉ ai bị phạt mới biết có bị phạt hay không, không tạo được sự lan toả, răn đe cho nhiều người tham gia giao thông khác nên nhiều tài xế vẫn ngang nhiên vi phạm. Khi ý thức chưa cao, chế tài xử lý phải mạnh và quan trọng là công khai, không để lọt các trường hợp vi phạm. Có như vậy, các lái xe sẽ tuân thủ nghiêm túc hơn.

img

Cùng với đó tăng cường tuyên truyền tại các cung đường trước lối vào các tuyến cao tốc để nâng cao ý thức của người dân

TS Bình cũng cho biết, hiện nay, trên các tuyến cao tốc, việc lắp đặt camera theo dõi chưa được lắp phổ rộng toàn tuyến, từ đó, xuất hiện tình trạng nhiều tài xế biết được đoạn đường nào không có camera cố định để lợi dụng vượt lên chạy vào làn dừng khẩn cấp.

“Do đó, không những phải phạt nghiêm tất cả các trường hợp vi phạm phát hiện được qua hệ thống camera giám sát mà lực lượng chức năng cũng cần phải thường xuyên đi tuần tra kiểm soát trên tuyến để kịp thời phát hiện vi phạm, xử phạt tại chỗ. Thậm chí chưa cần xử phạt, sự xuất hiện của lực lượng tuần tra cũng khiến ý thức của người dân được nâng cao hơn, hạn chế tình trạng vi phạm”, TS Bình cho hay.

Muốn làm được như vậy, theo TS Bình, lực lượng CSGT cần có phương án bố trí ca kíp trực và phải nhận được cơ chế xăng dầu hợp lý.

TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cũng cho biết, để ngăn chặn tình trạng tái diễn vi phạm đi vào làn dừng khẩn cấp trên cao tốc phải phạt nghiêm 100% các trường hợp vi phạm để tạo tính răn đe.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về quy định không được di chuyển trên làn dừng khẩn cấp, mục đích sử dụng của làn này cũng như chế tài xử phạt nếu vi phạm để các tài xế nắm được và tuân thủ.

“Có thể lắp biển cảnh báo, các khẩu hiệu tuyên truyền nội dung trên tại những cung đường trước khi vào các tuyến cao tốc để người dân dễ dàng đọc được. Kết hợp hài hoà giữa xử phạt và tuyên truyền giáo dục là cách thức được áp dụng phổ biến ở các nước trên thế giới”, TS Tạo nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.