Xã hội

Cách nào ngăn tung tin thất thiệt trên mạng xã hội?

05/08/2017, 07:25

Cho đến nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng, mạng xã hội là hoàn toàn ảo, mình có thể làm gì tùy thích.

16

Ông Lê Quang Tự Do

Ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Quản lý Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết như trên khi trao đổi với Báo Giao thông về thực trạng chia sẻ thông tin không kiểm chứng trên mạng xã hội.

Chia sẻ thông tin sai đang thành mối nguy

Vài ngày qua, sự việc mẹ “cậu bé chơi vĩ cầm bên hồ Hoàn Kiếm” lên facebook cá nhân xin lỗi lực lượng Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) gây xôn xao dư luận, do trước đó chị này đưa thông tin trái ngược. Ông có cho rằng, đây là ví dụ điển hình của việc nhiều người dùng mạng xã hội chia sẻ thông tin không cần kiểm chứng và không cần biết hậu quả?

Việc có những người lợi dụng mạng xã hội để thực hiện mục đích cá nhân, tung tin giật gân câu like đang trở nên đáng báo động, thành mối nguy cho cộng đồng mạng cũng như người sử dụng mạng chân chính, văn minh. Ở đây, để giải quyết được bài toán này cần sự phối hợp từ 2 phía, cơ quan quản lý và người sử dụng. Cơ quan quản lý phải sửa đổi các quy định để có đủ sức răn đe. Với người sử dụng, cần được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về 3 trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội: Trách nhiệm phát ngôn trên mạng xã hội, không gây phương hại đến cộng đồng, cá nhân khác; trách nhiệm chia sẻ, phát tán những thông tin mà mình nhận được; trách nhiệm trong việc đính chính, phản bác những thông tin sai sự thật.

Hiện nay, có một thực tế trên cộng đồng mạng, khi tiếp nhận thông tin thấy hay, nóng, nhiều người lập tức chia sẻ ngay, chưa cần biết đúng, sai. Nhưng khi thông tin đó được xác định là sai, hầu hết những người đã từng chia sẻ thông tin ấy trên mạng xã hội đều có hành động giống nhau là phủi tay, quay lưng và không đính chính.

Hiện nay, chúng ta có Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và Nghị định 174 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông. Tuy nhiên, quy định cũng có những bất cập nên Bộ TT&TT đang đề xuất với Chính phủ sửa Nghị định 174 để tăng tính răn đe cao hơn, ràng buộc trách nhiệm hơn đối với cả người cung cấp dịch vụ và người dùng mạng xã hội.

Một vài vụ việc gần đây cho thấy, mỗi thông tin thất thiệt, không đúng với bản chất lan truyền trên mạng xã hội đều để lại hậu quả. Nhưng có những trường hợp người đưa tin sai, thiếu trách nhiệm lại không bị xử lý. Theo ông, chúng ta có nên xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm như vậy để thể hiện tính răn đe?

Việc này chúng ta đặt ra rất nhiều lần rồi. Đưa tin sai trên mạng xã hội, nếu chưa đến mức xử lý vi phạm hành chính hay hình sự thì cần chú trọng vào việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về 3 trách nhiệm như đã đề cập ở trên.

Còn khi được xác định đến mức phải xử phạt hành chính hoặc hình sự, chỉ cần căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành để làm thôi. Nhưng vấn đề cốt lõi nhất là môi trường mạng xã hội hiện nay rất cần sự tự giác và trách nhiệm của mỗi người tham gia. Mỗi một giờ, trên Youtube có tới vài trăm lượt video đăng tải, mạng xã hội facebook dù chưa có thống kê chính thức nhưng cũng có rất nhiều lượt thông tin được đăng tải và chia sẻ. Vì vậy, không có tổ chức hay cơ quan nào có thể xử lý hết tất cả được, nếu như người dùng mạng xã hội không có trách nhiệm và tính tự giác.

Ngay cả người cung ứng dịch vụ cũng không thể có đủ điều kiện về con người và máy móc để theo dõi, quản lý, xử lý hết những thông tin sai, vì thế mới cần xây dựng văn hóa sử dụng mạng xã hội, cần sự chung tay của tất cả mọi thành phần.

Mạng xã hội là quyền lực thứ 5, sau báo chí?

Nếu như trước đây, báo chí đóng vai trò kênh thông tin độc quyền, các tổ chức muốn truyền thông phải qua báo chí hay người dân gửi đơn thư cũng thông qua kênh này, thì hiện nay mạng xã hội đã thay đổi tất cả. Có ý kiến cho rằng, mạng xã hội đang trở thành quyền lực thứ 5 sau báo chí. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

Thực ra tôi chưa từng nghĩ hay bình luận về việc mạng xã hội có phải quyền lực thứ 5 không, nhưng tôi nghĩ quan điểm này thường có ở phương Tây. Người ta cho rằng báo chí là quyền lực thứ 4, còn mạng xã hội là quyền lực thứ 5. Nhưng ở Việt Nam, quan điểm nhất quán là quyền lực thuộc về nhân dân. Mạng xã hội cũng chỉ là công cụ truyền tải các quan điểm, suy nghĩ của người dân tham gia mạng xã hội. Quan điểm ấy mà xứng đáng, phù hợp lợi ích cộng đồng sẽ được lan toả, ủng hộ, đặt ra yêu cầu cho các cơ quan Nhà nước, các tổ chức phải sửa đổi, thực hiện vì quyền lợi người dân.

"Cho đến nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng, mạng xã hội là hoàn toàn ảo, mình có thể làm gì tùy thích. Đây là nguyên nhân của việc chia sẻ thiếu trách nhiệm. Nhưng hiện nay cơ quan quản lý Nhà nước cũng có các công cụ rất hữu ích để phát hiện nhân thân của người dùng mạng xã hội, vì tất cả người dùng đều lưu lại dấu vết."

Ông Lê Quang Tự Do

Còn nếu quyền lực đó dùng vào mục đích xấu thì cần ngăn chặn, thắt chặt an ninh để đảm bảo an toàn trong môi trường mạng. Tôi cho rằng không nên bàn việc mạng xã hội có phải quyền lực thứ 5 hay không, mà nên nghĩ nó đang là kênh thông tin thể hiện ý chí, nguyện vọng, nhu cầu của người dân. Và các cơ quan quản lý cũng tham khảo những thông tin ấy để thay đổi chính sách, phù hợp với lợi ích người dân.

Thực tế có nhiều ý kiến cho rằng, với những thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, vẫn có những lúng túng nhất định về ranh giới giữa việc xử phạt hay không và xử phạt thì có vi phạm quyền công dân và tự do ngôn luận hay không?

Vấn đề này cũng không phải vấn đề đáng lo, vì hiện nay chúng ta đã có nghị định, thông tư quy định cái này khá cụ thể rồi. Về ranh giới có nên xử phạt hay không thì không thể căn cứ vào cảm tính được mà phải căn cứ vào mức độ vi phạm, hậu quả, tác động đến cộng đồng và cá nhân, cái đó đã được quy định rõ trong luật.

Quan trọng là ta không lạm dụng, hay coi xử lý, xử phạt là quan trọng nhất, mà phải coi giáo dục, tuyên truyền, nâng cao ý thức là quan trọng nhất.

Một khó khăn đặt ra đối với cơ quan quản lý là những thông tin vi phạm được cung cấp từ bên ngoài (trang tin phản động từ nước ngoài, trên các dịch vụ phổ biến của nước ngoài cung cấp vào Việt Nam). Với trường hợp này, chúng ta có cơ chế phối hợp thế nào để có thể xử lý, thưa ông?

Trường hợp không xác định rõ nguồn gốc các trang thông tin điện tử cung cấp nội dung qua biên giới vào Việt Nam thì việc phát hiện, ngăn chặn những hành vi sai trái trên môi trường Internet là rất khó khăn. Vì vậy, việc xử lý thông tin vi phạm trên các trang mạng xã hội cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều bộ, ngành, địa phương. 

Thông tư 38 về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới được Bộ TT&TT đã quy định rõ hai việc: Việt Nam có quyền yêu cầu dỡ bỏ hoặc trực tiếp ngăn chặn những thông tin xấu độc được quy định theo pháp luật. Hai là, với những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cung cấp thông tin công cộng qua biên giới vào Việt Nam phải tuân thủ quy định pháp luật của Việt Nam.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.