Xã hội

Cách nào sống chung hạn, mặn? (Kỳ cuối)

25/05/2016, 13:22

Theo GS.TS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, chúng ta không nên lo lắng thái quá.

 - Hạn, mặn khốc liệt tạo gánh nặng cho các thành phố:

Khô hạn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh. Lê Hoàng V

Biến đổi khí hậu gây hạn hán ở ĐBSCL. Ảnh. Lê Hoàng Vũ

Theo GS.TS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, chúng ta không nên lo lắng thái quá. Nếu có nhận thức đúng và hành động có kế hoạch, quyết tâm thực hiện đồng bộ, thực chất vẫn có thể hóa giải hạn, mặn từ chỗ “thù”, sang “bạn” để chung sống và làm giàu như đã từng thành công với lũ lụt.

Vì sao giữa lúc hạn, mặn đang gây thiệt hại tại nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Trung ương, địa phương tích cực cứu trợ người dân..., GS lại cho rằng không nên lo lắng thái quá?

Nếu chúng ta nhìn hạn mặn ở góc độ “tiêu cực” rồi kêu la thì cũng chẳng thay đổi được gì mà còn khiến tình hình thêm phức tạp. Thực tế thời gian qua đã chứng minh điều đó. Vì xem hạn mặn là “thù” nên chúng ta đầu tư nhiều công trình ngọt hóa chủ yếu để tăng cường trồng lúa... Nhưng sau những đầu tư tốn kém, chúng ta chẳng những không ngăn được mặn xâm nhập sâu vào đất liền gây thiệt hại cho lúa mà còn làm lãng phí tiền của ngân sách và niềm tin của người dân. Nhưng nếu nhìn vấn đề ở góc độ “tích cực”, chúng ta có thể hóa giải và tránh được hạn mặn.

“Hóa giải” theo như ông nói liệu có khả thi không khi mà theo dự báo hạn mặn sẽ ngày càng gay gắt?

Hoàn toàn khả thi vì nếu biết cách nương theo và linh động khai thác thì chẳng những hạ nhiệt được tác động tiêu cực mà còn có thể nhận được nhiều tích cực. Kể từ khi thay đổi nhận thức và hành động xem lũ là “bạn” và đầu tư nhiều chương trình, hành động thiết thực, người dân ĐBSCL không chỉ “chung sống” mà còn có thể tận dụng, khai thác những tiềm năng lợi thế từ lũ lụt để vươn lên làm giàu. Trong khi đó nước mặn, vùng ngập mặn cũng là hệ sinh thái, tài nguyên thiên nhiên rất tốt nếu chúng ta biết khai thác, hóa giải như đã từng ứng xử với lũ lụt.

Cụ thể thế nào, thưa GS?

01 (1)

GS.TS. Võ Tòng Xuân

Chúng ta chỉ nên trồng lúa tại các vùng đất phù sa ven sông, trong nội đồng có hệ thống thủy lợi bảo đảm có nước ngọt quanh năm. Tuyệt đối không đầu tư công trình ngăn mặn, dẫn ngọt để trồng lúa trên nền đất cát ven biển, mà chỉ nên tổ chức cho nông dân trồng các loại cây có nhu cầu nước tưới ít hơn, như: rau màu (củ hành, tỏi, sắn...) hoặc cây ăn trái (xoài, nhãn, vú sữa, chuối...). Những nơi thường bị nhiễm mặn, giáp biển có thể nuôi tôm...

Nhưng nếu không triển khai các công trình phòng chống hạn mặn, diện tích trồng lúa sẽ giảm và đe dọa an ninh lương thực?

Trước hết phải thấy rằng, việc “kêu” hạn mặn hoặc những đầu tư, hành động vì hạn mặn trong thời gian qua chủ yếu xuất phát từ chỗ do cây lúa và vì cây lúa vùng ven biển. Trong bối cảnh hiện nay, đó không phải là tất cả. Nếu vì cây lúa bằng mọi giá, kể cả đi ngược, chống lại thiên nhiên sẽ dễ bị thất bại, thậm chí còn khiến tình hình thêm căng thẳng.

Các nghiên cứu khoa học đã khẳng định nguyên nhân chính gây ra hạn, mặn ở ĐBSCL là do hiện tượng El Nino. Còn chuyện thượng nguồn tích nước, chỉ là một tác nhân phụ. Theo dự báo, hiện tượng thời tiết bất thường, nhất là El Nino sẽ ngày càng khốc liệt hơn trong thời gian tới. Nghĩa là bên cạnh việc đối mặt với nền nhiệt độ nóng hơn, dòng chảy sông Mekong trong mùa nắng sẽ ngày càng giảm, không thể đủ nước ngọt đưa xuống ĐBSCL. Vì vậy, hạn hán, xâm nhập mặn sẽ còn tiếp tục và nước ngọt cũng ngày càng thiếu.

Nhưng xét đến cùng, El Nino cũng do chính con người tạo ra. Ngoài nạn bùng phát khí thải từ khói xe, nhà máy, đốt đồng, chất thải chăn nuôi... và con người với tập quán trồng lúa “lạm dụng” như: Lạm dụng phân hóa học, lạm dụng sử dụng quá nhiều nước ngọt trong mùa nắng do mở rộng vùng trồng lúa... được ví như cánh tay nối dài đưa thời tiết bất thường tác động nhanh đến đời sống con người. Do đó, nếu từ bỏ tư duy chạy theo ngọt hóa bằng mọi giá, chúng ta không chỉ cắt đứt chuỗi thất bại của cây lúa vùng ven biển mà còn mở ra cơ hội cho các nông dân phát huy sáng tạo làm giàu từ nước mặn.

Cảm ơn giáo sư!

PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa, Trưởng khoa Đô thị học (Trường ĐH KHXH&NV TP HCM)

Tình trạng nhiễm mặn ở một số tỉnh miền Tây chưa phải là nguyên nhân chính khiến nhiều lao động ở ĐBSCL đổ về TP tìm việc. Bởi tình trạng nhiễm mặn mới diễn ra từ đầu năm 2016 đến nay. Trong khi đó, thực tế cho thấy thời gian qua, nhiều lao động ở các tỉnh miền Tây đã lên TP HCM và các tỉnh khác tìm việc.

Nguyên nhân một phần cũng do gần đây, ngành Nông nghiệp ở ĐBSCL đưa vào sử dụng nhiều thiết bị máy móc hiện đại dẫn đến nhiều lao động tay chân bị dư thừa. Hơn nữa ở quê buồn dẫn đến tâm lý thanh niên muốn đi xa làm ăn để tìm hiểu và khám phá vùng đất mới nơi thành phố lớn...

Ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM:

Theo thông tin sở nắm được, khi người lao động liên hệ với các văn phòng của Trung tâm tại các bến xe ở TP HCM để tìm việc làm, hầu hết người lao động cho biết, do hết mùa vụ làm nông nghiệp ở quê không có việc làm nên họ phải tha phương lên thành phố tìm việc.Thị trường lao động TP HCM trong 5 tháng đầu năm thể hiện rõ nét sự ổn định và phát triển.

Tình hình lao động liên hệ tư vấn, giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp trong KCX- KCN vẫn diễn ra bình thường. Trong quý II và III, thời điểm tốt nghiệp ra trường của sinh viên cung cấp lực lượng lao động trẻ cho thị trường lao động, dự kiến nhu cầu tìm việc sẽ tăng 15% so với quý I.

Trong các năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM đã ký với các tỉnh khu vực ĐBSCL về việc phối hợp, giới thiệu và cung ứng nguồn lao động của các địa phương cho nhu cầu tuyển dụng và sử dụng lao động cho TP.

Đỗ Loan

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.