Tài chính

Cách nào tiêu hết 611 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công?

19/05/2020, 10:00

Tổng vốn đầu tư công trong năm 2020 là gần 700 nghìn tỷ đồng nhưng 4 tháng qua mới giải ngân được 89.000 tỷ, số vốn còn lại 611.000 tỷ đồng...

img
Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp phục hồi nền kinh tế sau dịch Covid-19 (Trong ảnh: Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn)

Đưa tinh thần chống dịch vào phát triển kinh tế

Theo Bộ KH&ĐT, tổng vốn đầu tư công đã được phê duyệt trong năm 2020 là gần 700 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019. Tuy nhiên, tính tới ngày 30/4, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 18,98% kế hoạch. Mặc dù tỷ lệ này cao hơn cùng kỳ năm 2019 (16,45%) song cũng có nghĩa trong 4 tháng đầu năm, mới chỉ giải ngân được hơn 89 nghìn tỷ đồng, trong 8 tháng còn lại, sẽ phải giải ngân hết 611 nghìn tỷ đồng.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Xuân Hòe, ngay lúc này Chính phủ cần tập trung giải ngân đầu tư công, cấp thêm lượng “máu” cứu nền kinh tế sau dịch. “Nếu chỉ nói không thì không giải quyết được gì. Tinh thần chống dịch phải được đưa vào giải cứu nền kinh tế, cụ thể hóa bằng nghị quyết, nghị định. Không thể chấp nhận để tiền nằm im trong khi người dân cần việc làm, doanh nghiệp cần tiêu thụ hàng hóa”, vị chuyên gia nói.

Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Cơ quan nào, bộ, ngành, địa phương nào làm chậm thì người đứng đầu trực tiếp kiểm điểm, chịu trách nhiệm. Nếu không hoàn thành hoặc đến tháng 9 không giải ngân được thì điều chuyển vốn sang các đơn vị khác.

Về phía các địa phương, hàng loạt cuộc họp nhằm đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công cũng diễn ra. Theo đó, không ít vướng mắc khó khăn cũ của năm trước vẫn được nêu ra như: Quy trình, thủ tục đầu tư phải qua nhiều khâu, nhiều bước, lấy ý kiến của nhiều cơ quan, đơn vị làm kéo dài thời gian hoàn thành thủ tục đầu tư. Đặc biệt, công tác giải tỏa đền bù còn quá chậm, kéo theo tỷ lệ giải ngân vốn xây lắp cũng thấp do không có mặt bằng để thi công. Chẳng hạn trong 4 tháng đầu năm, Đà Nẵng mới giải ngân 117/2.150 tỷ đồng vốn giải phóng mặt bằng, đạt 5,4% kế hoạch.

Nôn nóng giải ngân nhanh, một số địa phương kiến nghị cần có cách làm đặc biệt trong bối cảnh đặc biệt. Cụ thể, mới đây, Hà Nội đề xuất Thủ tướng cho phép áp dụng cơ chế đặc thù về giải phóng mặt bằng như đã áp dụng ở TP HCM; Cho phép lựa chọn một số các công trình lớn và cấp bách liên quan đến y tế, giáo dục, môi trường, an sinh xã hội, giao thông… được chỉ định thầu trên cơ sở rà soát, thẩm định trước dự toán và cắt giảm khoảng 5 - 7% chi phí dự toán.

Trong khi đó, Quảng Ninh lại kiến nghị nâng hạn mức chỉ định thầu nhằm rút ngắn thời gian lựa chọn nhà thầu. Đáng chú ý, lãnh đạo tỉnh còn kiến nghị Chính phủ cho triển khai ngay các dự án, công trình tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nhưng chưa có trong Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) đã được Chính phủ phê duyệt…

“Muốn cởi trói hết chỉ có thể bỏ luật”

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương nhận định: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm cao hơn so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, tỷ lệ cao trên tổng số vốn cao chứng tỏ tình hình đã được cải thiện. Tuy nhiên, chúng ta mới đi được 1/3 chặng đường, “phía sau còn gian nan vất vả, còn phải phấn đấu chứ không dễ dàng gì”.

Theo Bộ Tài chính tới ngày 30/4, có 8 bộ, ngành và 35 địa phương có số giải ngân đạt trên 20%, trong đó có 2 bộ, ngành và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 30%. Tuy nhiên, vẫn còn có 32 bộ, ngành Trung ương và 5 địa phương có số giải ngân đạt dưới 10%. Trong đó, có 13 bộ, ngành gần như chưa giải ngân được kế hoạch vốn (tỷ lệ giải ngân đạt dưới 1%).


Cũng theo Thứ trưởng Phương, mặc dù tổng vốn đầu tư công năm 2020 cao gấp đôi so với năm 2019 song đây là năm cuối cùng của thời kỳ trung hạn 5 năm (2016 - 20120), nhiều dự án trải qua thời gian chuẩn bị tới nay đã có thể triển khai ngay. “Không có lĩnh vực nào bị chi phối nhiều luật như đầu tư công. Từ khâu phê duyệt chủ trương đầu tư cho tới giải ngân là cả chặng đường đầy đủ các bước trình tự thủ tục, rất khó làm đồng thời. Đây là bài học kinh nghiệm xương máu để khi xây dựng Luật Đầu tư công mới, cần phải tạo điều kiện cho các bên có thời gian chuẩn bị tốt, một khi dự án đã vào kế hoạch là thực hiện ngay không phải lo hoàn thiện thủ tục lằng nhằng trước thi công”, ông Phương nói.

Liên quan tới quy định pháp lý đầu tư công, vị Thứ trưởng cũng khẳng định trong năm nay đã “cởi trói rất nhiều”. Cụ thể, thay vì mất hàng tháng trời trình báo cáo chờ phê duyệt, hiện thủ trưởng cơ quan có thể tự quyết điều chỉnh kế hoạch thực hiện dự án chỉ trong vòng 1 - 2 ngày. Bên cạnh đó, việc giao kế hoạch vốn rút gọn từ 3 bước nay còn 1 bước; Sau khi Thủ tướng ra quyết định các bộ, ngành tự triển khai. Do đó, vốn đầu tư công năm nay được giao từ rất sớm, trước ngày 31/12/2019 đã hoàn thành cơ bản, cải thiện ngay từ những tháng đầu tiên trong năm.

“Hiện, chỉ còn đúng vấn đề về công tác chỉ đạo điều hành tại các cấp thực hiện từ chủ đầu tư tới ban quản lý dự án. Chỉ cần 1 khâu để lâu là chậm hết”, ông Phương nhấn mạnh.

Theo ông Phương, dự kiến trong tuần này, Thủ tướng Chính phủ sẽ ra Nghị quyết chuyên đề về các giải pháp hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy đầu tư công. Trong đó, rất nhiều giải pháp liên quan đến đầu tư công đã được đề cập trong dự thảo Nghị quyết như: Cho phép không áp dụng quy định tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư đối với dự án khởi công mới trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 và được bố trí vốn từ kế hoạch đầu tư công năm 2020; Điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2019 kéo dài sang năm 2020 của các dự án chậm tiến độ sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn để thực hiện trên cơ sở đề nghị của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương...

“Dự thảo Nghị quyết cũng có hàng loạt chính sách liên quan mang tính hối thúc địa phương đẩy nhanh quá trình thực hiện thủ tục hành chính giải ngân đầu tư công, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và xử lý vi phạm”, ông Phương cho biết.

Trước kiến nghị xin phép chỉ định thầu để rút ngắn thời gian thực hiện dự án đầu tư công, ông Phương cho biết: “Luật Đấu thầu cho phép chỉ định thầu nhưng phải trong điều kiện cấp bách, bất khả kháng hay vì lý do an ninh quốc phòng không thể tổ chức đấu thầu. Bên cạnh đó, muốn thông qua phải báo cáo Thủ tướng”.

Liên quan tới những kiến nghị vượt quy định pháp luật, ông Phương chia sẻ: “Luật đã cởi trói rất nhiều, muốn cởi hết thì chỉ có cách bỏ luật. Mong muốn của địa phương bao giờ cũng rất nhiều nhưng phải có hệ thống cơ sở lý luận vững thì mới thuyết phục được cấp thẩm quyền. Trong trường hợp đụng tới luật, cấp thẩm quyền ở đây là Quốc hội”.

Nhấn mạnh “tiêu 1 đồng của ngân sách Nhà nước đều phải đảm bảo nguyên tắc”, vị Thứ trưởng cho hay: “Đừng nghĩ bên dưới kêu khóc là luật sai. Làm gì có chuyện chưa đủ thủ tục đã được khởi công dự án? Nếu như vậy thì cả nước khởi công rầm rầm, ngay lập tức sẽ xuất hiện vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản. Đây cũng là hậu quả mà chúng ta đã phải xử lý rất vất vả trong 5 năm qua”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.